10 Thành tựu khoa học công nghệ y dược nổi bật năm 2012
Thế giới đang bước vào thời đại khoa học công nghệ với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, trong đó sức khỏe là lĩnh vực quan trọng nhất. Các công trình nghiên cứu khoa học - công nghệ về y dược học trong thời gian gần đây đã góp phần đưa y học Việt Nam sánh tầm thế giới. Các kết quả nghiên cứu cấp Bộ nổi bật năm 2012 trong lĩnh vực y học lâm sàng, y học dự phòng, trang thiết bị y tế và dược học là thành quả đáng khích lệ của các nhà khoa học y dược học Việt Nam đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Dị dạng mạch não được xử trí bằng can thiệp mạch.
Nghiên cứu ghép tim trên người từ người cho chết não: Đề tài nghiên cứu được các nhà khoa học tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức tiến hành thành công đã khẳng định tay nghề và trình độ chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam. Chúng ta đã chuẩn hóa, áp dụng thành công quy trình chuẩn để chẩn đoán, hồi sức bệnh nhân chết não để lấy tim và một số quy trình chuẩn về ghép tim lấy từ người cho chết não. Đây là một kỹ thuật phức tạp hơn so với kỹ thuật ghép tim cổ điển 2 tâm nhĩ (Biatrial), nhưng kỹ thuật này tận dụng mô tâm nhĩ lành của quả tim hiến giúp cải thiện tình trạng loạn nhịp tim cũng như hạn chế máu phụt ngược qua van 2 lá và van 3 lá, do đó nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt phù hợp với độ tuổi còn trẻ của bệnh nhân, phù hợp xu hướng phát triển kỹ thuật mổ ghép tim thế giới. Sự thành công của đề tài mang tầm vóc quốc tế vì việc lấy tạng từ người cho chết não vẫn còn nhiều hạn chế tại các nước châu Á. Thành công công nghệ ghép tim trên người tại Việt Nam sẽ được nhân rộng, hiện thực hóa giá trị của Luật hiến tạng và người dân sẽ hiểu rõ ý nghĩa của việc hiến tạng đối với người bệnh, gia đình và xã hội.
Nghiên cứu ghép tế bào gan phôi thai người để điều trị một số bệnh gan chuyển hóa di truyền ở trẻ em: Ghép tế bào gan là một cách thức điều trị mới, đang được nhiều nhà khoa học nghiên cứu do có một số ưu điểm như giảm can thiệp phẫu thuật, giải quyết vấn đề người cho, giảm chi phí thực hiện. Các nhà khoa học của Bệnh viện Nhi Trung ương đã bước đầu nghiên cứu thành công về tế bào gan phôi thai người, đây là cơ hội mở ra cho việc sử dụng các nguồn tế bào gốc khác; với mục đích biệt hóa thành tế bào gan, ứng dụng cho điều trị tế bào gốc tạo máu, tế bào gốc dây rốn.
Mạch máu não bị phình đã được can thiệp nội mạch.
Can thiệp nội mạch bằng điện quang trong phình mạch não: Chẩn đoán và điều trị phình mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai triển khai tới nhiều cơ sở điều trị và đạt kết quả tốt. Đề tài khẳng định phương pháp can thiệp nội mạch nút túi phình mạch não có hiệu quả cao, bệnh nhân phục hồi tốt hơn, di chứng thấp hơn so với phương pháp phẫu thuật, bổ sung thêm phương pháp điều trị phình mạch não. Kết quả cho thấy, đã có nhiều bệnh nhân được chữa khỏi với tỉ lệ di chứng thấp hơn so với phẫu thuật (đã thực hiện được trên 144 bệnh nhân).
Nghiên cứu dịch tễ của bệnh thủy đậu (varicella) ở Việt Nam và đề xuất giải pháp phòng chống chủ động: Bệnh thủy đậu đang có xu hướng tăng ở nước ta trong những năm gần đây là gánh nặng lớn đối với cộng đồng do tỷ lệ mắc cao, có di chứng, có thể gây dị tật bẩm sinh và ảnh hưởng đến chất lượng sống. Các nhà khoa học tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nghiên cứu số liệu giám sát bệnh thủy đậu của các Viện Vệ sinh dịch tễ, các Viện Pasteur và các Trung tâm y tế dự phòng tỉnh để xây dựng được đường cong ngưỡng dịch thủy đậu và áp dụng để truy cứu một số tình trạng dịch, vụ dịch thủy đậu trong những năm 2005 – 2010. Kết quả đề tài đã cung cấp cơ sở khoa học xác định căn nguyên sinh bệnh thủy đậu ở Việt Nam, xây dựng được biểu đồ đường cong ngưỡng dịch thủy đậu để truy cứu, xác định, dự báo dịch thủy đậu ở tuyến tỉnh và khu vực. Cung cấp phương pháp nghiên cứu ngưỡng dịch thông qua mô hình của một bệnh gây dịch điển hình ở Việt Nam, có thể áp dụng xác định độ dịch cho các tuyến khác nhau. Đề tài đã góp phần cung cấp thêm các cơ sở khoa học, phương pháp dự báo dịch phục vụ công tác y học dự phòng ở Việt Nam.
Hình ảnh trước và sau khi can thiệp động mạch não.
Máy khí dung siêu âm do Việt Nam sản xuất: Các nhà khoa học của Viện Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế đã thành công trong việc thiết kế và sản xuất máy xông khí dung siêu âm với tỷ lệ nội địa hóa trên 50%. Đây là máy khí dung siêu âm đầu tiên do Việt Nam sản xuất, có chất lượng tương đương các sản phẩm nhập ngoại cùng loại, giá thành phù hợp với điều kiện trong nước. Tính năng của máy gọn, nhẹ, chắc chắn; đạt tiêu chuẩn an toàn điện; đáp ứng được các phương pháp vô khuẩn; kích thước hạt khí nhỏ, vào sâu tới phổi, phù hợp cho cả trẻ nhỏ; bộ xông thuốc có thể hấp được. Việc thiết kế hoàn chỉnh, máy khí dung siêu âm sử dụng trong y tế đã góp phần nâng cao chất lượng điều trị các bệnh hô hấp, mang lại nhiều cơ hội tốt cho bệnh nhân. Trước đó, nước ta mới chỉ sản xuất được máy khí dung cơ, có nhược điểm là kích thước hạt sương tạo ra lớn, làm giảm khả năng xâm nhập vào các phế nang, hiệu quả điều trị không cao.
Keo phẫu thuật lepamed đã được các nhà khoa học của Viện Trang thiết bị và Công trình y tế nghiên cứu tạo nên sản phẩm được ứng dụng tại bệnh viện với hiệu quả kết dính nhanh hơn so với chỉ khâu hiện đang được sử dụng. Sản phẩm đã đoạt Giải thưởng Techmax của Bộ Khoa học Công nghệ.
Máy khí dung siêu âm do Việt Nam sản xuất.
Nghiên cứu phát triển vắc-xin viêm não Nhật Bản bất hoạt trên tế bào vero:Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm khuẩn thần kinh cấp tính hay gặp ở trẻ dưới 15 tuổi làm tổn thương nặng nề bộ não, có tỉ lệ tử vong cao, để lại di chứng tàn phế. Công ty Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao để chứng minh chủng gốc, chủng sản xuất ổn định di truyền phân tử, có tính đặc hiệu cao. Kết quả nghiên cứu đã tạo được 6 quy trình công nghệ sản xuất vắc-xin viêm não Nhật Bản trên tế bào vero và phương pháp kiểm định chất lượng; Chủng gốc virut viêm não Nhật Bản Beijing-1 từ tế bào vero, bao gồm cả chủng gốc và chủng làm việc; Tế bào vero WCB; Vắc-xin mẫu chuẩn đông khô từ chủng Beijing-1; và vắc-xin viêm não Nhật Bản chủng Beijing-1 trên tế bào vero. Các sản phẩm của đề tài nghiên cứu góp phần nâng cao chất lượng của công tác tiêm phòng dịch và phòng chống bệnh dịch cho cộng đồng.
Nghiên cứu bào chế liposome dùng làm chất mang thuốc điều trị ung thư:Liposome được phát minh năm 1968 bởi các nhà khoa học Anh, đây là hệ phân phối thuốc có khả năng phân hủy sinh học, dung nạp và gắn với tổ chức đích, là một dạng bào chế đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật công nghệ cao. Các nhà khoa học tại Trường đại học Dược Hà Nội đã nghiên cứu bào chế liposome doxorubicin theo phương pháp hydrat hóa film ở quy mô phòng thí nghiệm. Các tác giả đã xác định được thông số của quy trình bào chế phù hợp, công thức được xây dựng với phosphatidyl cholin và cholesterol, sử dụng phương pháp chênh lệch pH để đưa dược chất vào liposome, sử dụng siêu âm để giảm kích thước tiểu phân, tỷ lệ dược chất được liposome hóa trên 80%. Đánh giá tác dụng của liposome doxorubicin trên khối u chuột cho thấy, chế phẩm có tác dụng tốt trên khối u cơ và u dưới da trên chuột mang tế bào ung thư Sarcoma TG180/2a. Thành công của đề tài làm tiền đề cho các nghiên cứu bào chế liposome với dược chất chống ung thư tan trong nước, bước đầu ứng dụng thành công các công nghệ bào chế tiên tiến để phát triển các thuốc điều trị đặc hiệu tại Việt Nam.
Não và các động mạch não chính nhìn từ dưới lên.
Nghiên cứu tiền lâm sàng viên Hoàng Sa chiết xuất từ dược liệu Việt Nam để điều trị bệnh trĩ: Chế phẩm chữa bệnh trĩ bào chế từ flavonoid có hoạt tính sinh học được chiết xuất từ cây dền gai, cây rau sam và diếp cá. Sản phẩm mới đã được Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2 nghiên cứu phát triển về bào chế, nghiên cứu tiền lâm sàng, xây dựng các quy trình chiết xuất cao nước, cao cồn, quy trình bào chế và thử tác dụng dược lý. Tạo được nguyên liệu để sản xuất thuốc điều trị bệnh trĩ có hiệu quả sinh học cao từ nguồn dược liệu trong nước và đang được hoàn thiện đưa ra thị trường đáp ứng nhu cầu chữa bệnh.
Công trình nghiên cứu đột biến gen cây Thanh hao hoa vàng chữa bệnh sốt rét của Công ty Dược liệu cổ phần Mediplantex đã cho giống có hàm lượng Artemisinin tăng 20-25%, góp phần giảm giá thành và tăng thị phần xuất khẩu ra nước ngoài (đã xuất khẩu đi các nước châu Phi, một số nước châu Âu và một số nước trong khu vực).
(*) Bá`db`db`dbo.ITEMS`TEMS`TEMS`K&ĐS tổng hợp và đặt tiêu đề
(Nguồn: Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế)