Theo Nikkei, hãng dược Ấn Độ Sun Pharmaceutical Industries đang chiếm ưu thế trong bảng xếp hạng doanh số bán hàng của các công ty dược phẩm châu Á. Ngoài ra, nhiều hãng dược phẩm của quốc gia Nam Á cũng dẫn đầu trong thị trường này bằng cách tích cực thâm nhập vào thị trường nước ngoài như Mỹ thông qua việc sáp nhập và mua lại.
Trong khi đó, các công ty dược Trung Quốc đang trên đà phát triển về doanh số bán hàng chủ yếu nhờ vào thị trường trong nước mở rộng, trong đó dân số già và nguồn thu nhập của người dân tăng, đặc biệt là tầng lớp trung lưu là những yếu tố chủ chốt.
Cả quy mô và tốc độ mở rộng của thị trường dược phẩm châu Á đang thu hút nhiều sự chú ý. Theo Quintiles IMS Holding, công ty tư vấn chuyên về ngành dược phẩm của Mỹ, năm ngoái Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành thị trường dược phẩm lớn thứ hai thế giới, trị giá 116,7 tỉ USD. Cả thị trường thuốc của Ấn Độ và Trung Quốc đều đang tăng trưởng trung bình 12% mỗi năm, trong khi thị trường dược phẩm các nước phát triển phương Tây vẫn chỉ tăng trưởng với tốc độ một con số.
Trung tâm nghiên cứu và phát triển của hãng dược phẩm Ấn Độ Sun Pharmaceutical Industries tại Mumbai
Sun Pharmaceutical thu về 4,6 tỉ USD doanh thu trong năm tài chính tính đến tháng 3.2017, tăng gấp 2,8 lần trong 5 năm tài chính vừa qua nhờ vào một số thương vụ mua lại, bao gồm cả việc thâu tóm đối thủ trong nước Ranbaxy Laboratories. Hiện Sun Pharmaceutical là một trong 5 nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo việc kinh doanh có thể sẽ trở nên khó khăn hơn với các công ty dược phẩm Ấn Độ đang hoạt động ở Mỹ, khi sự cạnh tranh về giá tại nền kinh tế lớn nhất thế giới gia tăng kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái, trong đó việc giảm giá thuốc đã trở thành một trong những vấn đề nổi cộm trong chiến dịch tranh cử.
Mặt khác, các hãng dược Ấn Độ cũng đang chịu áp lực từ đối thủ Trung Quốc. Các công ty dược phẩm Đại lục đã chiếm 6 trong số 10 vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng bán hàng ở châu Á. Doanh thu của họ tăng với tốc độ nhanh gấp đôi so với các nhà sản xuất dược phẩm Ấn Độ. Một số công ty Trung Quốc như Shanghai Fosun Pharmaceutical Group, đứng thứ tư, và Guangzhou Baiyunshan Pharmaceutical Holdings, đứng thứ hai, chứng kiến doanh thu của họ tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba trong 5 năm qua.
“Các công ty dược phẩm Trung Quốc đang làm tốt chủ yếu nhờ vào thị trường trong nước của họ mở rộng. Mặc dù doanh số bán hàng ở nước ngoài chỉ dưới 10%, nhưng thị trường tiêu thụ nội địa vẫn đảm bảo tăng trưởng cho họ”, chuyên gia Motoda của Tập đoàn tài chính Mizuho, nói. Thị trường dược Trung Quốc dự kiến sẽ còn phát triển hơn nữa khi chính phủ nước này thực hiện cải cách ngành, chẳng hạn như đơn giản hóa quá trình phê duyệt các loại thuốc mới.
Song, mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc là hai cái tên nổi bật chi phối thị trường châu Á, nhưng các hãng dược của Indonesia và Hàn Quốc cũng đang nỗ lực để cho thấy sự hiện diện của họ tại khu vực.
Nguồn: thanhnien.vn