Xuất phát từ thực tiễn nhiều người tiêu dùng gặp phải vấn đề sức khỏe khi mua phải mỹ phẩm giả, nhái, mỹ phẩm kém chất lượng, ngày 15-7 Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng đã tổ chức hội thảo Chất lượng hóa mỹ phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Hội thảo thu hút trên 50 đại biểu là các doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm, người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Biên Hòa tham dự.
Sản xuất và kinh doanh hóa mỹ phẩm là một ngành công nghiệp đang phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Mặc dù hiện nay công nghệ sản xuất hóa mỹ phẩm đã được cải thiện đáng kể và nhất là chú trọng sử dụng những nguyên liệu an toàn từ thiên nhiên nhưng nhiều sản phẩm vẫn có chứa nhiều chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.
Bà Võ Thị Quỳnh Như – Dược sĩ – chuyên khoa I, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm, Sở Y tế Đồng Nai phân tích, hiện nay người tiêu dùng thường tìm mua hóa mỹ phẩm ở các siêu thị, cửa hàng chuyên bán hóa mỹ phẩm và nhà thuốc. Tuy nhiên, vẫn có nhiều loại mỹ phẩm bày bán ở các quầy tạp hóa, cửa hàng nhỏ, lẻ chưa được kiểm soát chặt chẽ, hạn sử dụng, ngày sản xuất chưa được ghi rõ ràng, nhẫn hàng hóa chưa được ghi đúng quy định. Quảng cáo chưa đúng với các tài liệu chứng minh tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm. Chúng lại rất đa dạng về chủng loại, nhóm sản phẩm và bị làm nhái, làm giả ngày càng nhiều, trình độ hàng giả ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Do đó, thị trường hóa mỹ phẩm luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống nhân dân. Điều này gây ra những hậu quả không nhỏ cho sức khỏe. Chẳng hạn chì có mặt trong các loại son môi, đây là một kim loại có độc tính cao, có thể gây ngộ độc thần kinh và tổn thương các cơ quan. Nó cũng là một trong những nguyên nhân gây nên ung thư. Hợp chất thủy ngân được sử dụng trong chế tạo các loại phấn mắt và các mỹ phẩm trang điểm vùng mắt, kem làm trắng da. Thủy ngân là một thành phần rất độc hại, có khả năng hấp thu qua da và gây tổn thương não bộ. Ngoài ra vẫn có một số bằng chứng khoa học đang gây nhiều tranh cãi liên kết giũa việc phơi nhiễm thủy ngân và chứng bệnh tự kỷ ở trẻ em.
Vì vậy khi lựa chọn mua hóa mỹ phẩm cần ưu tiên những sản phẩm từ các thương hiệu uy tín, an toàn cho sức khỏe và đọc kỹ nhãn sản phẩm, thành phần có trong hóa mỹ phẩm. Ngoài ra, cần đề phòng các dị ứng có thể gặp phải như dùng chung mỹ phẩm, sản phẩm đã hết hạn sử dụng, đổi màu hoặc có mùi lạ, tránh ánh nắng và nhiệt độ cao. Đặc biệt là chỉ dùng mỹ phẩm khi thực sự cần thiết, tránh lạm dụng.
Về mỹ phẩm, Bộ Y tế đã có những quy định về việc sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng như đăng ký lưu hành. Trong đó yêu cầu về an toàn sản phẩm mỹ phẩm nêu rõ: Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường phải đảm bảo các sản phẩm của mình không có hại đối với sức khỏe con người khi được dùng trong những điều kiện bình thường hoặc những điều kiện thích hợp được hướng dẫn, phù hợp với dạng bào chế, thông tin ghi trên nhãn, hướng dẫn sử dụng, thận trọng đặc biệt, cũng như các thông tin khác cung cấp bởi nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm.
Theo giải thích của Bộ Y tế tại Thông tư số 06/2001/TT-BYT ngày 25/01/2011 quy định về quản lý mỹ phẩm, sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người như: da, hệ thống lông, tóc, móng tay, móng chân… hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch hoặc làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.
Như vậy, các nhà sản xuất mỹ phẩm luôn có mục đích tốt đẹp là nhằm mang lại sự hoàn mỹ cho con người, tuy nhiên đó chỉ là mục đích của nhà sản xuất kinh doanh chân chính. Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, trên thị trường cả nước, liên tiếp phát hiện nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, mỹ phẩm có xuất xứ từ nước ngoài thì không có nhãn phụ, không có số lưu hành trên sản phẩm và thực tế cho thầy, dù lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt nhưng khó có thể kiểm soát mỹ phẩm giả trên thị trường do nhu cầu sử dụng tăng cao, lợi nhuận bất chính thu về từ kinh doanh mặt hàng này rất lớn.
* Nói không với hàng không rõ nguồn gốc
Đánh vào tâm lý chuộng hàng ngoại, công nghệ sản xuất mỹ phẩm giả ngày càng tinh vi, các loại mỹ phẩm giả, nhái thương hiệu phần lớn lại được nhập lậu từ nước ngoài nên bao bì được in rất sắc nét khiến người tiêu dùng khó thể phân biệt được thật giả. Tại các cửa hàng, việc bày bán mỹ phẩm giả được che đậy một cách tinh vi, dưới hình thức để lẫn với sản phẩm có hóa đơn chứng từ nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Ngoài ra, các đối tượng kinh doanh mỹ phẩm giả lợi dụng mạng xã hội để rao bán trên các shop bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi nên lực lượng chức năng càng khó kiểm soát.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ - Trưởng phòng Quản lý Thương mại – Sở Công Thương cho rằng: do lợi nhuận thu được từ kinh doanh mỹ phẩm giả quá lớn nên tỷ lệ các cơ sở sản xuát mỹ phẩm giả tái phạm có xu hướng tăng. Có trường hợp sau khi bị ngành chức năng thu hồi giấy phép hoạt động vì sản xuất mỹ phẩm giả, chỉ hơn một tháng sau, cơ sở đó lại tiếp tục hoạt động với tên gọi khác. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh, xử lý hành vi, tội danh sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng giả, hàng kém chất lượng còn chồng chéo, sơ hở, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để hoạt động, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Bà Lệ cảnh báo, người tiêu dùng không chỉ có quyền lợi mà còn có nghĩa vụ trong thực thi pháp luật Bảo vệ người tiêu dùng. Hãy mạnh dạn thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng những cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm, tổn thất trong quá trình mua, những dấu hiệu bất thường khi sử dụng cũng như phản ánh đến Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để ngăn chặn kịp thời các loại mỹ phẩm không đủ tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường nhằm hạn chế tác hại cũng như để cơ quan chức năng có cơ sở để kiểm tra, xử lý.
Thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Quản lý Thị trường thì tỉnh Đồng Nai có hơn 160 doanh nghiệp, hộ kinh doanh mỹ phẩm, ngoài ra còn nhiều hộ, cá nhân kinh doanh mỹ phẩm cùng với các loại hàng hóa khác bằng các hình thức đa dạng. Điều đó cũng đặt ra những thách thức về chất lượng hàng hóa kinh doanh trên thị trường luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động bất lợi đến nền kinh tế như giá cả biến động không ổn định, cần phải có nhiều nỗ lực để kiểm soát quản lý, công tác quản lý thị trường kiểm tra còn hạn chế, chưa quản lý chặt, đặc biệt là việc phát hiện, xử lý cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, chưa có phát hiện xử lý vụ việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, mỹ phẩm nhằm đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng còn hạn chế.
Ông Huỳnh Kim Hóa – Trưởng phòng Nghiệp vụ - Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh cho biếT: hiện nay, trên mạng internet việc kinh doanh mỹ phẩm diễn ra phổ biến từ các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa, điểm bán nhỏ lẻ. Tuy nhiên, việc phân biệt hàng thật, hàng giả rất khó phân biệt, nhận biết. Hàng giả, hàng nhái rất tinh vi từ bao bì, màu sắc, mùi hương. Tình trạng mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, không đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng, còn tồn tại về mặt pháp luật và quản lý mỹ phẩm, nhà nước đã có quy định đầy đủ các điều kiện đảm bảo trong sản xuất kinh doanh, lưu thông, quảng cáo, công bố chất lượng và xử lý các vi phạm việc sản xuất kinh doanh, lưu thông mỹ phẩm giả, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, đã có sự phân công chặt chẽ, có đối tượng chuyên sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả, hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó góng gói thành phẩm ở một nơi khác và giao liền cho khách đặt mua, sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ. Đăng ký tên doanh nghiệp trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ để lừa đối người tiêu dùng. Hàng hóa nhập laajud dược trà tộn vào hàng hóa nhập khẩu chính ngạch, sử dụng hóa đơn quay vòng để qua mặt các cơ quan chức năng. Đối tượng vi phạm cũng ngày càng đa dạng, lẫn khuất trong các làng nghề, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hợp tác xã…. Nên rất khó phát hiện, xuất hiện các yếu tố móc nối với cá nhân và tổ chức nước ngoài để buôn laauk, làm hàng giả, nhất là giả mạo xuất xứ hàng hóa từ nước ngoài đưa vào Việt Nam. Để tránh sự quản lý, kiểm tra của các cơ quan chức năng, các cơ sở kinh doanh sản xuất, kinh doanh chào hàng, rao bán các loại mỹ phẩm qua mạng internet và các phương tiện thông tin khác…với nhiều công dụng và giá cả khác nhau, giao hàng tận tay người tiêu dùng.
Kết quả kiểm tra, xử lý từ năm 2015 đến nay, cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra 106 vụ, xử lý 12 vụ vi phạm thu nộp ngân sách hơn 404 triệu đồng. Nội dung vi phamm gồm: kinh doanh hàng ngoại trái phép, hàng hết hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm nhãn hàng hóa, không niêm yết giá… Có tổng cộng 12 loại hàng hóa với tổng số 21.787 đơn vị hàng hóa, giá trị hàng hóa bị tịch thu, tiêu hủy trên 265 triệu đồng.
Ông Hóa cho rằng: giữa ma trận hàng nhái, hàng giả như bây giờ, người dân để làm một người tiêu dùng thông thái cũng rất khó, vì vậy trách nhiệm của các cơ quan chức năng là là đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu để hạn chế tác hại, hậu quả của hoạt động kinh doanh trái phép đem lại. Cái cần là người tiêu dùng phải nói không với hàng lậu, hàng giá rẻ không rõ nguồn gốc để bảo vệ chính mình. Khi có sự cố xảy ra cần mạnh dạn báo cho các cơ quan chức năng để làm cơ sở kiểm tra, xử lý.
Thanh Minh