Thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với thu nhập từ trồng ngô, lúa, dược liệu được mệnh danh là cây “thoát nghèo” của bà con dân tộc Mông ở xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
Cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần so với trồng ngô, lúa
Thử nghiệm thành công
Ông Lý Tà Dèn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm, huyện Quản Bạ cho biết: Là 1 trong 5 hợp tác xã trên địa bàn tham gia đề án trồng cây dược liệu từ năm 2012 - 2015. Kết quả trồng thử nghiệm cây dược liệu năm 2014 của Nặm Đăm cho hiệu quả khá tốt. Riêng cây atiso cho thu nhập khoảng 8 - 9 triệu đồng/1.000 mét vuông. Sang năm 2015, Nặm Đăm tiếp tục trồng thử nghiệm một số cây dược liệu khác như: Ý dĩ, đằng sâm, bạch chỉ, đương quy...
Thực tế, đề án trồng cây dược liệu thu được hiệu quả khả quan là bởi đề án đã tạo được mối liên kết chặt chẽ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Hiện có 3 doanh nghiệp đang hỗ trợ đầu tư và thu mua sản phẩm dược liệu cho các hợp tác xã tham gia, gồm: Công ty TNHH Bình Minh 3; Công ty Dược khoa - Đại học Dược Hà Nội và Công ty CP Nam Dược.
Các doanh nghiệp hiện đang hỗ trợ đầu tư về giống, kỹ thuật trồng cho bà con trong hợp tác xã. Đặc biệt, từ tháng 10/2014, được sự cam kết bao tiêu của Tập đoàn GFS, hỗ trợ về kỹ thuật của Công ty Dược khoa - Đại học Dược Hà Nội, Nặm Đăm đã tiến hành trồng thử nghiệm 1,5 héc-ta cây đương quy và bạch chỉ bằng phương pháp trồng thẳng, sử dụng che phủ nylon để giữ ẩm cho luống trồng. Mặc dù trồng thẳng không qua giai đoạn vườn ươm nhưng tỷ lệ nảy mầm vẫn đảm bảo trên 90%. Hợp tác xã cũng đã mạnh dạn trồng và nhận bao tiêu 3 héc-ta dược liệu actiso ở dạng cao.
Cây “thoát nghèo”
Được sự giúp đỡ của cán bộ kỹ thuật của Công ty Dược Khoa - Đại học Dược Hà Nội, Nặm Đăm cũng đã xây dựng vườn ươm và ươm giống thành công hạt giống cây đương quy (tỷ lệ nảy mầm hơn 90%), bạch chỉ (tỷ lệ nảy mầm hơn 90%), đẳng sâm (tỷ lệ nảy mầm hơn 80%). Ngoài ra vườn ươm còn lưu giữ các giống cây khác như atiso, cúc hoa, hà thủ ô đỏ...
Ông Lý Tà Dèn cũng cho biết: Nặm Đăm đang nỗ lực chuẩn hóa nền canh tác và thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn GACP, tích cực thu mua và bao tiêu các sản phẩm dược liệu tươi từ các thành viên hợp tác xã và các hộ nông dân ở thôn Nặm Đăm, Chúc Sơn của xã Quản Bạ, góp phần nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho bà con địa phương. Hợp tác xã cũng phát triển khâu chế biến dược liệu, cung ứng các loại dược liệu ở dạng khô, cao, tinh dầu. Hợp tác xã cũng đã hoàn thiện kế hoạch, lựa chọn được vùng trồng dược liệu, địa điểm và xây dựng được hệ thống nhà văn phòng, xưởng chế biến thuốc tắm...
Cây dược liệu đã được trồng tại Nặm Đăm cũng như tại huyện Quản Bạ từ lâu nhưng do phương thức canh tác truyền thống, manh mún hiệu quả không cao. Tuy nhiên, với mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người trồng cây dược liệu đã mang lại hiệu quả đáng kể và được mệnh danh là cây “thoát nghèo” cho người dân nơi đây.
Theo ông Nguyễn Hữu Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến công thương tỉnh Hà Giang, trồng cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với trồng ngô, lúa, như: doanh thu từ cây tục đoạn khô đạt khoảng 220 triệu đồng/héc-ta, bạch chỉ 260 triệu đồng/héc-ta, đương quy 320 triệu đồng/héc-ta... Kết quả thử nghiệm mô hình trồng cây actiso, thực hiện từ tháng 11/2013 - 8/2014 với diện tích 1,1 héc-ta tại thị trấn Tam Sơn và xã Quản Bạ cũng cho thấy, hiệu quả kinh tế thu được từ cây dược liệu cao gấp 3 - 4 lần so với trồng ngô lúa.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hải, đề án sản xuất cây dược liệu đã được triển khai tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang từ năm 2012. Tính đến hết năm 2014, các doanh nghiệp, Hợp tác xã và nhân dân trên địa bàn huyện tham gia đề án đã trồng được 571,5 héc-ta cây dược liệu các loại như: thảo quả, ấu tẩu, đương quy, actiso...
Hà Giang hiện đang tập trung nguồn lực, trong đó có nguồn vốn khuyến công nhằm tiếp tục triển khai đề án. Tỉnh sẽ đẩy nhanh công tác giao đất, khoán rừng cho hộ gia đình, cá nhân... nhằm tạo điều kiện phát triển diện tích trồng cây dược liệu quy mô lớn. Tỉnh cũng sẽ tạo hành lang pháp lý, mời gọi các doanh nghiệp, nhà khoa học định hướng phát triển các loại cây phù hợp và có thị trường tiêu thụ ổn định. Thực hiện liên doanh, liên kết công ty dược phẩm với hình thức công ty hỗ trợ một phần vốn để chủ hộ mua cây giống, lập hợp đồng kinh tế thu mua sản phẩm trước khi triển khai trồng...
Theo Báo Công thương