Từ trồng trọt đến nhập khẩu, bảo quản, chế biến sử dụng dược liệu hiện đang có quá nhiều bất ổn khiến các nhà quản lý “đau đầu”.
Ngày 14-9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường kiểm soát chất lượng dược liệu. Theo báo cáo của Vụ Y dược cổ truyền- Bộ Y tế, hàng năm ngành Dược sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80-85% dược liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ông Phạm Vũ Khánh - Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền- Bộ Y tế cho biết, trong số khoảng 60.000 tấn dược liệu được NK về Việt Nam chỉ có khoảng 1.400 tấn có nguồn gốc rõ ràng, như vậy con số này còn quá khiêm tốn so với lượng dược liệu cần cho nhu cầu sử dụng.
Không chỉ nguồn gốc dược liệu mà hiện chất lượng dược liệu cũng rất đáng lo. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho biết, trong năm 2015, Viện kiểm tra 109 mẫu dược liệu, trong đó phần lớn mẫu được lấy từ khu vực cửa khẩu biên giới với Trung Quốc. Kết quả có 56 mẫu không đạt chất lượng, trong đó có 24 mẫu là dược liệu nhầm lẫn, giả mạo đã được đưa vào các cơ sở y tế công lập sử dụng.
Tại Hội nghị, ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (Ban 389) thông tin, trong 8 tháng đầu năm 2016 các cơ quan chức năng trên cả nước đã phát hiện, xử lý 132.860 vụ việc vi phạm, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng liên quan đến dược liệu tương đối phổ biến.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để nâng cao chất lượng dược liệu cần tăng cường kiểm soát nguồn gốc, kiểm soát dược liệu NK qua đường tiểu ngạch. Đồng thời Bộ trưởng Y tế cũng nhấn mạnh các đối tượng dù vô tình hay cố ý tiếp tay cho các đơn vị kinh doanh dược liệu giả thì phải xử lý hình sự.
Bà Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế cho rằng, để thị trường dược liệu hoạt động lành mạnh, chất lượng dược liệu bảo đảm cần có sự thực hiện trách nhiệm và phối hợp của các cơ quan chức năng... Trước mắt, để ngăn chặn hàng kém chất lượng, cùng sự tăng cường kiểm tra, kiểm soát khâu NK, thì cơ quan quản lý y tế cần kiểm tra ở khâu sử dụng là các cơ sở khám, chữa bệnh, trả lại uy tín cho y học cổ truyền cũng như bảo đảm sự an toàn, sức khỏe cho người sử dụng.
Còn ông Trần Hùng nhấn mạnh, muốn kiểm soát vấn đề nhập lậu dược liệu cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, phân định trách nhiệm rõ ràng như Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường. Qua đó quản lý từ khâu nhập khẩu đến lưu thông, tiêu thụ. Đặc biệt phải xem dược liệu kém chất lượng là hàng giả, xử lý như thuốc giả.
Câu hỏi được ông Hùng nêu ra đó là nguồn dược liệu nhập lậu lớn như thế sẽ đi về đâu: Tồn tại trong các tiệm thuốc bắc hay đi vào bệnh viện? Để đảm bảo minh bạch trong xử lý, ông Hùng đề nghị các cơ quan chức năng khi xử lý các vụ việc vi phạm phải công khai với báo chí, hoặc cơ quan quản lý có thể kết hợp với DN phối hợp quản lý.