Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận và hàng giả, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền đang diễn ra rất phức tạp mà giải pháp xử lý lại có nhiều khó khăn, bất cập.
Hàng giả mà không thể kết luận là giả
Một trong những khó khăn, bất cập nhất theo Ban Chỉ đạo là nhiều mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm giả hiện nay khi phát hiện, bắt giữ và muốn xử lý phải được giám định nhưng các lực lượng chức năng không thể thực hiện vì không có mẫu thật do nhiều mặt hàng không lưu hành ở Việt Nam hoặc không có đại diện sở hữu.
Từ đó, dẫn đến cơ quan chức năng không thể xử lý theo đúng tội danh mà phải chuyển sang xử lý hành chính. Điều này Ban Chỉ đạo khẳng định không đủ mang tính răn đe đối với những đối tượng vi phạm.
Khó khăn thứ hai theo Ban Chỉ đạo đó là việc kiểm nghiệm mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm tại các Viện kiểm nghiệm không thuộc cơ quan kiểm nghiệm độc lập mà đều thuộc các cơ quan chủ quản là người cấp phép nên rất khó bảo đảm tính khách quan. Việc quy định cho phép cá nhân tự công bố sản phẩm, tự chịu trách nhiệm với sản phẩm do cơ sở của mình sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện công tác hậu kiểm là kẽ hở khiến cho các cơ sở sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhỏ lẻ ồ ạt ra đời không kiểm soát được.
Trong khi đó năng lực kỹ thuật của các trung tâm kiểm nghiệm hiện không đáp ứng kịp yêu cầu của công tác hậu kiểm.
Với đặc điểm hàng hóa thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm gọn nhẹ về khối lượng, trọng lượng, có giá trị và lợi nhuận cao, được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, dễ dàng thực hiện các thủ đoạn, phương thức đối phó với cơ quan chức năng nên thuận tiện cho các hoạt động vận chuyển, kinh doanh bất hợp pháp gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra, giám định, xử lý của cơ quan chức năng.
Khó khăn tiếp theo mà Ban Chỉ đạo đề cập là tình trạng quảng cáo dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng hầu hết trên các trang mạng xã hội, trang điện tử có tên miền từ nước ngoài nên cơ quan quản lý khó có thể quản lý nội dung quảng cáo bên cạnh việc không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xử lý vi phạm. Một số website chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài nên cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát, xử lý.
Các bộ, ngành phải vào cuộc quyết liệt
Với những khó khăn trên đây, điều đáng ngại nhất là gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất kinh doanh.
Để kịp thời khắc phục tình hình đó, trong năm 2019 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là nhóm hàng liên quan đến chăm sóc, nâng cao sức khỏe con người.
Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng các địa phương đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các quy định pháp luật, thông tin về những nguy hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để người dân nâng cao nhận thức.
Theo Ban Chỉ đạo, thống kê sơ bộ, riêng năm 2019 ngành công an bắt giữ 722 vụ, xử lý hành chính 602 vụ, với số tiền phạt, bán tang vật tịch thu là 7,17 tỷ đồng; ngành y tế phát hiện 1.128 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 763 cơ sở, với số tiền phạt gần 9 tỷ đồng, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an 16 vụ việc...