Những năm gần đây, ngành dược dường như ít bàn luận hơn về các thuốc tim mạch, tăng huyết áp hay đái tháo đường.
Thay vào đó, người ta nhắc nhiều hơn đến ung thư - một khái niệm gắn liền với chết chóc và đang là bóng mây ảm đạm che phủ bầu trời các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMICs).
Tuy nhiên, với vấn đề ô nhiễm môi trường thì việc kiểm soát được bệnh ung thư đang đặt ra một thách thức đối với y tế toàn cầu.
Gánh nặng toàn cầu
Trong hội nghị Nghiên cứu Ung thư quốc tế được tổ chức bởi Viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ cho biết, trong năm 2012, có khoảng 14,1 triệu trường hợp ung thư mới mắc nhưng con số này sẽ tăng lên khoảng 24 triệu ca trong hai thập kỷ tới.
Ước tính tới năm 2030, số bệnh nhân tử vong vì ung thư tăng tới 80% so với con số hiện tại và nhiều trong số đó xảy ra ở các nước LMICs.
Ô nhiễm môi trường làm gia tăng bệnh
Vấn đề ô nhiễm môi trường làm gia tăng bệnh ung thư có thể nói đến Trung Quốc là một điển hình. Theo một báo cáo mới đây, ước tính có tới 4,3 triệu ca ung thư mới mắc và hơn 2,8 triệu ca tử vong do ung thư ở Trung Quốc trong năm 2015.
Điều này tương đương với mỗi ngày sẽ có gần 12.000 người Trung Quốc được chẩn đoán mới và 7.500 người chết vì ung thư. Trong đó, ung thư phổi/phế quản (tỉ lệ cao nhất), dạ dày, gan, thực quản và kết trực tràng, chiếm khoảng 3/4 tổng số trường hợp tử vong do ung thư.
Lý giải cho tình trạng này phải kể đến các nguyên nhân chính: Ô nhiễm không khí ngoài trời, ô nhiễm không khí trong nhà do sử dụng than đá, khí ga làm chất đốt, ô nhiễm đất và nước do người dân thải trực tiếp hóa chất gây ung thư do môi trường.
Nhiều thuốc mới được ra đời
Cuộc chiến chống ung thư sẽ là một cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt. Và có một điều chắc chắn rằng nhân loại chưa một phút đầu hàng trong cuộc chiến này.
Rất nhiều tổ chức, hiệp hội, viện nghiên cứu được thành lập. Nhiều chương trình điều trị, phòng chống, tầm soát ung thư cấp quốc gia hoặc khu vực được triển khai. Nhiều hoạt động, sự kiện giúp đỡ cho bệnh nhân ung thư đã được tiến hành. Và ngành dược luôn song hành trong cuộc chiến đó.
Tính từ năm 2010 đến nay đã có hơn 140 hoạt chất mới/dạng bào chế mới/chỉ định mới được FDA chấp thuận đưa vào sử dụng trong điều trị ung thư.
Theo thống kê của IMS, có hơn 500 công ty đang tích cực nghiên cứu, theo đuổi các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trên gần 600 phân tử với hứa hẹn điều trị tích cực các bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ, vú, tuyến tiền liệt, buồng trứng và kết trực tràng.
Cũng theo thống kê của IMS, trong 5 năm qua đã có 70 phương pháp điều trị ung thư mới được phát minh hỗ trợ điều trị 20 dạng ung thư khác nhau.
Thị trường thuốc ung thư đã tăng trưởng 11,5% trong năm 2015 để đạt mức 107 tỉ USD và sẽ luôn duy trì trong mức 7,5-10,5% từ nay đến năm 2020 và cán mốc 150 tỉ USD.
Các danh mục thuốc ung thư trong phát triển lâm sàng đã được mở rộng hơn 60% trong 10 năm qua. Hiện nay có khoảng 20 thuốc ung thư được xếp vào hàng “bom tấn” nhưng các chuyên gia dự đoán rằng con số này sẽ tăng lên ít nhất là 29 vào năm 2018.
Với mối quan tâm hàng đầu đến từ ung thư phổi, việc giảm sử dụng thuốc lá và cải thiện ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề ưu tiên. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đang cố gắng phát triển các phương pháp để phát hiện sớm ung thư để giúp làm giảm tỉ lệ tử vong.
Điển hình, một chương trình được hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ và ngành y tế Trung Quốc cho thấy việc giảm tới 20% nguy cơ tử vong do ung thư phổi nếu được phát hiện sớm bằng chụp CT xoắn ốc (spiral CT) so với chụp Xquang thông thường trên bệnh nhân nghiện thuốc lá nặng.
Việc áp dụng hình ảnh phân tử (một xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh) vào điều trị ung thư một cách hiệu quả cũng góp phần chẩn đoán sớm ung thư ngay cả khi chưa có bất kỳ thay đổi nào trong chức năng cơ thể hoặc giải phẫu.
Dựa trên nguyên lý sử dụng các marker sinh học (chất đánh dấu sinh học) riêng biệt đối với từng bệnh và quét thấy chúng trên scan còn giúp bác sĩ theo dõi được tiến triển của điều trị.
Một trong những nỗ lực đáng kể cải thiện gánh nặng ung thư toàn cầu đó là việc gia tăng sử dụng các loại vắc-xin phòng chống ung thư. Chẳng hạn như vắc-xin viêm gan b (HBV - là nguyên nhân gây ung thư gan), bệnh gặp nhiều ở các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Tiếp đó là những nỗ lực tăng cường độ phủ của vắc-xin HPV trong các nước LMICs. Các chuyên gia cũng đang nghiên cứu để phát hiện ra liều tối ưu cho loại vắc-xin này: Từ 3 liều xuống 2 liều và có thể là 1 liều trong tương lai.
Tiếp sau HPV, chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của một số loại vắc-xin khác điển hình là vắc-xin chống virut Epstein-Barr (EBV). EBV chịu trách nhiệm cho khoảng 200.000 trường hợp tử vong do u lympho, ung thư dạ dày và vòm họng mỗi năm trên toàn thế giới, phần lớn trong số đó ở các nước LMICs.
Một cột mốc nữa đánh dấu sự phát triển y học trong cuộc chiến chống ung thư - đó là sự ra đời của liệu pháp nhắm vào mục tiêu phân tử.
Đây là một phương pháp điều trị mới sử dụng các thuốc được bào chế ở cấp độ phân tử tế bào để tấn công đặc biệt và giết chết chỉ các tế bào ung thư của từng loại ung thư cụ thể mà không ảnh hưởng đến các tế bào thường.
Ngoài ra, còn rất nhiều phương pháp điều trị mới, các phương thức tiếp cận mới đang được nghiên cứu và phát triển. Kèm theo đó là nhiều phân tử, dược chất được phát minh phục vụ cho cuộc chiến chống ung thư.
Kết quả cho những nỗ lực không ngừng nghỉ này là tỉ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư đang tăng theo cấp số nhân.
Từ 8,4 triệu năm 1996 tăng lên khoảng 15,5 triệu hiện nay và dự đoán con số 26,1 triệu bệnh nhân sống sót sau ung thư vào năm 2040. Dự kiến, trong thời gian không xa, nhân loại có thể kiểm soát dứt điểm căn bệnh chết chóc này.
Nguồn: soha.vn