Ngày 6-1-2020, theo tin từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), hiện chưa có dược phẩm có công dụng "thổi bay" nồng độ cồn sau khi uống rượu, được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Những ngày qua, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng và kẹo được quảng cáo giúp "tẩy nhanh nồng độ cồn", "giải rượu bia thần tốc", "xả nhanh lượng cồn, hỗ trợ giảm nhanh cơn say"...
Tuy nhiên, Cục Quản lý dược khẳng định, hiện chưa có sản phẩm dược nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có công dụng "thổi bay" nồng độ cồn. Ngay cả thế giới cũng chưa có loại thuốc nào chứng minh được công dụng này. Hiện, chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hoá, làm tăng đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở.
Đề cập một số loại thực phẩm sau khi ăn sẽ có kết quả thử nồng độ cồn dương tính, Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, một số thực phẩm sẽ làm kết quả kiểm tra nồng độ cồn dương tính bao gồm: Vải, sầu riêng, chôm chôm, các loại kẹo cao su không đường, các loại nước sốt cay nóng, các món ăn có sử dụng bia, rượu mạnh, rượu vang trong quá trình chế biến; một số loại siro ho hoặc thuốc ngủ, thuốc hít hen suyễn, một số loại vitamin, nước súc miệng, nước xịt thơm miệng... Tuy nhiên, kết quả nồng độ cồn sau khi ăn những thực phẩm này chỉ là dương tính giả - cồn chỉ có trong miệng chứ không có trong cơ thể.
Tiến sĩ Trương Hồng Sơn khuyến cáo, nếu vừa mới sử dụng những sản phẩm trong danh sách trên, cho dù là đồ uống, đồ ăn, nước súc miệng hoặc thuốc, hãy đợi khoảng 15 phút đến 30 phút sau đó mới tham gia giao thông. Nồng độ của các thực phẩm này rất nhỏ nên cần súc miệng nước sạch ngay sau khi ăn nếu phải tham gia giao thông ngay. Khi kiểm tra nồng độ cồn thì thông báo với phía cảnh sát để được nghỉ khoảng 15 phút trước khi thổi, tránh được kết quả dương tính giả. Hiện tại, lực lượng công an vẫn cho phép lái xe súc miệng trước khi kiểm tra để tránh tình trạng dương tính giả.