Mỹ phẩm tự chế (handmade) sản xuất khá đơn giản. Hiện thị trường tràn ngập những loại mỹ phẩm này. Chất lượng các loại mỹ phẩm này đang được thả trôi…
Một khóa học làm mỹ phẩm được giới thiệu trên mạng
Phần lớn mỹ phẩm handmade không nhãn mác hoặc nếu có thì đều là nhãn tự chế, không cơ quan chức năng kiểm định, đăng ký lưu hành.
Tràn ngập hàng không nguồn gốc
Hầu hết người sản xuất, người bán đều khẳng định các loại mỹ phẩm handmade được chiết xuất từ thiên nhiên như: tinh dầu dừa, gấc, cám gạo, trà xanh, mật ong… Chủng loại rất đa dạng, thường gặp là son dưỡng môi, các loại mặt nạ thiên nhiên, soap (xà phòng) dùng rửa mặt, kem dưỡng da, sữa dưỡng thể...
Cách thức mua bán ào ạt, phổ biến là người mua đặt hàng bằng cách gửi bình luận, gửi tin nhắn cho người bán trên online. Sản phẩm đặt mua sẽ được giao hàng tận nơi (nếu số lượng lớn) hoặc gửi qua đường bưu điện, gửi xe khách…
Phương thức thanh toán thường là trả tiền trước nhận hàng sau hoặc trả trực tiếp khi nhận hàng.
Trên nhiều diễn đàn, các công thức, cách làm mỹ phẩm bằng tay được chia sẻ rầm rộ không ai kiểm chứng.
Chị H. (Đồng Nai) cho biết: “Mình lấy hàng từ một người bạn. Sau đó pha trộn theo cách riêng và cho ra nhiều sản phẩm khác nhau. Chai lọ đựng do mình tự mua, nhãn dán, thông tin sản phẩm mình cũng… tự thiết kế”.
Khó kiểm soát thành phần, chất lượng
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y dược TP.HCM) khẳng định không nên dùng bất cứ loại mỹ phẩm tự chế nào được quảng cáo truyền miệng hoặc trên mạng.
Ông Đức cho biết phần lớn mỹ phẩm tự chế không nhãn mác hoặc nếu có thì đều là nhãn cũng tự chế, không được cơ quan chức năng kiểm định và đăng ký lưu hành.
Do vậy, dễ có sự “ngụy tạo” về thành phần và chất lượng sản phẩm. Sản phẩm pha trộn các chất như corticoid, kháng sinh… thì người sử dụng cũng không biết được.
PGS.TS Lê Ngọc Diệp - trưởng phòng khám da liễu (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cơ sở II) - cho biết ngoài nguy cơ có sự pha trộn chất độc hại, do mỹ phẩm handmade được làm từ nguyên liệu không được kiểm định về chất lượng, mỹ phẩm dạng này còn không đảm bảo điều kiện vô khuẩn.
Quá trình sản xuất bằng những dụng cụ không vệ sinh, việc bảo quản, vận chuyển trong những chai lọ bất kỳ với thời tiết, nhiệt độ khác nhau dễ sinh nấm, mốc, hư hỏng.
Thực tế, các nguyên liệu như mật ong, dầu cám gạo, dầu ôliu… là môi trường rất tốt để vi khuẩn, vi nấm phát triển.
Mỹ phẩm handmade “lợi bất cấp hại” nếu không được thẩm định chất lượng
Coi chừng bị… lột da
Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng (chuyên khoa da liễu) cho rằng mỹ phẩm handmade chưa được kiểm chứng về mức độ hiệu quả, an toàn khi sử dụng lâu dài, dễ bị nhiễm khuẩn, nấm mốc, mau biến chất và có thể gây phản ứng trên da khi pha với nồng độ không thích hợp. Ví dụ các acid gây lột da như AHA, BHA (hai chất này hoạt động bằng cách tẩy tế bào chết để hiện ra các tế bào da mới - PV).
Mỹ phẩm handmade dù được gọi là chiết xuất từ thiên nhiên nhưng khi dùng trên da vẫn có thể gây một số tình trạng như viêm da tiếp xúc dị ứng (bị viêm đỏ, nổi nhiều mụn nước ngứa ngáy rất khó chịu), viêm da tiếp xúc kích thích (da đỏ, cảm giác châm chích nhẹ), da nổi mụn đỏ, mụn mủ… Có trường hợp bôi mỹ phẩm gây lột da nặng phải vào cấp cứu tại bệnh viện.
Bác sĩ Hoàng lưu ý: “Khi mua mỹ phẩm handmade cần xem địa chỉ sản xuất, thành phần, thời hạn sử dụng, xem giấy phép sản xuất in trên bao bì, chất lượng bên trong có bị đổi màu, nấm mốc hay không. Khi dùng bất kỳ loại mỹ phẩm nào nếu thấy có hiện tượng đỏ da, châm chích, ngứa ngáy thì ngưng ngay, tới khám tại bác sĩ da liễu càng sớm càng tốt”.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng cần ý thức việc dùng chế phẩm bôi ngoài da như là một dược phẩm, cũng phức tạp và đòi hỏi sự thận trọng không kém gì dùng thuốc để uống. Nhiều rối loạn ngoài da như bị thâm, nám, da nhăn, da có mụn muốn điều trị hiệu quả tốt nhất là đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để khám, được chỉ định đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng cách
sử dụng.
Nguồn: tuoitre