Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) mới đây vừa dính vào một cáo buộc về hoạt động thao túng tin tức báo chí. Đây là cơ quan trực thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, nơi mà các quyết định họ đưa ra sẽ xác nhận một loại thuốc, thủ tục y tế hay chính sách có an toàn với người dân trên toàn nước Mỹ hay không.
FDA cũng là cơ quan ban hành quy định và giám sát an toàn thực phẩm, các sản phẩm thuốc lá, sản phẩm bổ sung chế độ ăn uống, dược phẩm, vắc xin... Nhiều quy định của FDA có giá trị tham khảo vượt ra khỏi biên giới Hoa Kỳ.
Cáo buộc FDA thao túng tin tức đến từ một số nhà báo khoa học. Trong số đó, Charles Seife, một giáo sư truyền thông tại Đại học New York đã đâm đơn kiện cơ quan này, liên quan đến một chính sách mà họ áp dụng với các phóng viên được gọi là “lệnh cấm vận thắt chặt”.
Trong hoạt động truyền thông, đôi khi một cơ quan, tổ chức có thể tiết lộ cho một nhóm nhà báo những thông tin sớm nhất. Đổi lại, họ phải đảm bảo giữ bí mật với công chúng cho đến một thời điểm đã được thỏa thuận trước. Điều này được gọi là “lệnh cấm vận” và nó phần nào có lợi cho độc giả.
Lý do vì khoảng thời gian cấm vận này cho phép các phóng viên đào sâu hơn vào vấn đề, để hiểu chúng một cách rõ ràng nhất. Có vậy, những thông tin được đưa ra công chúng mới trở nên chất lượng, thay vì họ chỉ được đọc lướt qua một bài đưa tin sơ sài kiểu “sốt dẻo”.
Tuy nhiên, "lệnh cấm vận" mà FDA áp dụng lên báo chí là một dạng khác phát triển hơn và chưa từng có tiền lệ. Nó được gọi là “lệnh cấm vận thắt chặt”. Trong thời gian đó, các phóng viên, ngoài việc giữ bí mật, còn bị cấm nói chuyện với một bên thứ ba.
Điều đó có nghĩa là các phóng viên sẽ không có khả năng liên hệ với bất kể một chuyên gia nào, ngoài những ai mà FDA chỉ định, để lấy ý kiến của họ về thông tin mà FDA tiết lộ. Kết quả để lại rõ ràng là một sự thiếu khách quan. Khi vào ngày hết hạn của “lệnh cấm vận thắt chặt”, hàng loạt tin tức đầu tiên sẽ tràn ngập mặt báo mà thiếu vắng tiếng nói từ các chuyên gia độc lập.
Tất nhiên cũng sẽ có một số phóng viên và tờ báo tìm đến nguồn tin thứ ba sau khi được giải thoát khỏi “lệnh cấm vận thắt chặt”. Nhưng cơ bản, con số này không nhiều.
Đã từng bị lên án, “lệnh cấm vận thắt chặt” được FDA gỡ bỏ vào năm 2011. Tuy nhiên, các nhà báo phát hiện ra rằng cơ quan này vẫn còn tiếp tục duy trì nó, ít nhất là cho đến năm 2014. Khi đó, một bài báo trên tờ New York Times viết về quy định mới của FDA với thuốc lá điện tử có đoạn:
“Các quan chức của FDA đã tiết lộ với cách nhà báo một phác thảo các quy định chung vào ngày thứ Tư, nhưng yêu cầu rằng họ không được nói chuyện với ai thuộc nhóm ngành công nghiệp hoặc y tế công cộng, cho đến khi thông tin được phát hành chính thức vào thứ Năm”.
Kể từ đó đến nay, Giáo sư Seife cho biết FDA không đưa ra bất kể một chỉ dẫn nào mới và mọi người chỉ có thể đoán rằng liệu “lệnh cấm vận thắt chặt” của họ có còn được sử dụng hay không? Và nếu có tần suất của nó như thế nào?
Bản thân Giáo sư Seife nghi ngờ rằng FDA vẫn kéo dài chính sách kiểm soát của họ cho tới tận bây giờ. Bởi vậy ông đã tiến hành khởi kiện cơ quan này, nhằm tiếp cận với những tài liệu nói về “lệnh cấm vận thắt chặt”. Trong đơn kiện, Seife cáo buộc “FDA đã che giấu thông tin bất hợp pháp” trong năm 2014 và 2015.
Theo dõi sự kiện, tờ Business Insider đã liên lạc với Giáo sư Seife để hỏi về tiến trình vụ kiện. Ông trả lời rằng khả năng nó sẽ không được giải quyết trước tháng 6 năm tới. Quá trình kiện một cơ quan như FDA rất mất thời gian. “Hiện tại, chúng tôi đang cung cấp các hồ sơ bổ sung để củng cố thêm bằng chứng cho vụ kiện”, Giáo sư Seife trả lời qua email.
Còn về phía FDA, Business Insider cũng đã liên lạc với một vài quan chức ở cơ quan này. Tuy nhiên, tất cả họ đều chưa đưa ra một phản hồi nào ngay tại thời điểm này.
Tham khảo BusinessInsider, Bloomberg