Sản xuất thực phẩm chức năng tại Việt Nam thu hút doanh nghiệp thử sức và được tạo điều kiện phát triển theo chuẩn GMP với ASEAN.
Sáng 29/3, Cục An toàn thực phẩm tổ chức buổi hội thảo xin ý kiến xây dựng từ doanh nghiệp trong Hướng dẫn thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm chức năng (TPCN).
Hội thảo nhằm đánh giá năng lực doanh nghiệp, ghi nhận ý kiến đóng góp của doanh nghiệp nhằm tạo ra hướng dẫn tiêu chuẩn chung của Việt Nam trong lộ trình thực hiện chuẩn hóa GMP ASEAN.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm TS. Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh: "TPCN hiện nay đang trở thành một vấn đề rất nóng, là một thế mạnh của Việt Nam khi chúng ta có nền y học cổ truyền đứng thứ 2 thế giới. Dù có lợi thế về nguồn dược liệu vô cùng lớn nhưng muốn phát triển được phải áp dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nếu sản phẩm nhiều nhưng chất lượng không tốt thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà.
Quan điểm của Bộ Y tế là tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động sản xuất đúng pháp luật, phát huy được thế mạnh nền y học cổ truyền của Việt Nam, đưa ra sản phẩm chất lượng cao để phục vụ không những người tiêu dùng trong nước mà còn có định hướng để xuất khẩu".
“GMP là quy trình quản lý chất lượng sản phẩm, quy định điều kiện sản xuất đối với một sản phẩm. GMP là tiêu chuẩn rất cao, đáp ứng được điều kiện này thì chất lượng sản phẩm sẽ rất ổn định, minh bạch, cao, tốt hơn”, TS. Nguyễn Thanh Phong khẳng định.
Cục ATTP sẽ nghiên cứu lộ trình để không làm khó doanh nghiệp mà hướng đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi sang việc áp dụng GMP. Trên cơ sở đó, thời hạn bắt buộc áp dụng GMP TPCN có thể muộn hơn 1 chút bởi theo khuyến nghị của ASEAN thì chỉ bắt buộc từ năm 2021.
Bên lề cuộc hội thảo, khi một chuyên viên của Cục ATTP xin ý kiến của Cục trưởng về một nội dung không rõ có cần trình bày trong buổi thảo luận lấy ý kiến của doanh nghiệp, TS. Nguyễn Thanh Phong nói thẳng: "Phải đưa hết các nội dung, kể cả nội dung quản lý để doanh nghiệp phát biểu ý kiến. Doanh nghiệp mới là người nắm hết các đường đi nước bước gặp khó ở đâu dễ ở chỗ nào để phản ánh. Doanh nghiệp còn sõi trong nhiều việc hơn chúng ta".
Phát biểu tại hội thảo xin ý kiến, GS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - chuyên gia cao cấp về dược học cho rằng, kinh nghiệm từ triển khai và phát triển GMP từ ngành dược nước ta trước đây cho thấy, muốn đạt và phát triển nhà máy GMP thì quan trọng nhất là hệ thống quản lý, liên quan đến con người, chứ không phải chỉ là đầu tư xây dựng lại nhà xưởng to đẹp.
Theo GS.TS Lê Văn Truyền đến 2010, nước ta đã có 4 nhà máy dược đạt chuẩn GMPs – hệ thống GMP cao nhất được 50 nước phát triển cao nhất thế giới áp dụng.
“Quá trình phát triển GMP là quá trình không bao giờ kết thúc mà sẽ phát triển không ngừng để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng uy tín của doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng. Đây không phải là cơ quan quản lý làm khó doanh nghiệp mà là đặt ra để bảo vệ người tiêu dùng – nhóm yếu thế và bản thân doanh nghiệp cũng phải nhận thấy, người tiêu dùng chính là nguồn sống của mình, nếu người tiêu dùng quay lưng thì doanh nghiệp cũng chết", nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định.
Hiện Bộ Y tế chủ trương phải có lộ trình áp dụng GMP đối với TPCN từ giữa năm 2017.
Theo dự thảo tài liệu GMP TPCN gồm 10 nội dung chính với 5 mục: hệ thống quản lý chất lượng, nhân sự và đào tạo, nhà xưởng trang thiết bị, vệ sinh, hồ sơ tài liệu.
Trong đó, về nhà xưởng và trang thiết bị, nguyên tắc để một nhà máy sản xuất TPCN đạt chuẩn GPM là phải xa nguồn ô nhiễm, côn trùng, động vật gây hại; có khu vực riêng để bảo quản, cấp phát, chế biến, đóng gói, kiểm nghiệm; có hệ thống thông gió phù hợp; được bảo trì, bảo dưỡng duy trì tốt.
Khu vực sản xuất phải đảm bảo sắp xếp theo nguyên tắc 1 chiều, đảm bảo các thông số phù hợp, dễ làm vệ sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn, khu vực bảo quản phải được bố trí riêng, khu vực kiểm nghiệm phải tách biệt khỏi khu vực sản xuất…
Sau khi tài liệu này được doanh nghiệp đóng góp ý kiến, tổng hợp, trình duyệt, Bộ Y tế sẽ ban hành Nghị định, thông tư để thực hiện.