Cuối tháng 6 vừa qua, gần 20 DN NK mỹ phẩm đã được tập huấn để triển khai Thủ tục đăng ký cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm NK theo Cơ chế một cửa Quốc gia (NSW). Hầu hết DN tham dự đều mong đợi việc áp dụng thí điểm thủ tục này trong thời gian tới.
Tương đối thuận lợi
Công ty TNHH phân phối Phát Việt là DN chuyên NK mỹ phẩm từ Nhật qua cảng Hải Phòng. Trung bình mỗi năm DN NK 3 đợt hàng với khoảng 20-25 mặt hàng mới. Bà Đinh Thanh Huyền, nhân viên Công ty cho biết: Với mỗi mặt hàng mới, DN lại phải triển khai đăng ký cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm NK.
Các DN NK mỹ phẩm đang khá "nóng lòng" chờ áp dụng thí điểm NSW
Từ tháng 4-2015, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm trên cả nước. Ở thời gian đầu, sau khi DN gửi hồ sơ đi cũng còn nhiều vướng mắc xảy ra. Điển hình như đã có trường hợp, sau khi Công ty chuyển hồ sơ đăng ký cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm NK, hơn 1 tháng sau mới nhận được phản hồi của Cục Quản lý Dược về việc hồ sơ của DN có sai sót, cần sửa chữa, bổ sung. Sau khi DN bổ sung xong gửi đi lượt hai, sau khoảng 2-3 tuần thì nhận được kết quả cuối cùng. “Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều DN NK mỹ phẩm thì thời gian gần đây vấn đề đã suôn sẻ hơn, việc thực hiện khai báo hồ sơ, nhận kết quả trên môi trường mạng tương đối thuận lợi. DN triển khai thủ tục đã quen với cách làm việc trên môi trường mạng, tiết giảm nhiều thời gian chạy đi chạy lại”, bà Huyền nói.
Liên quan tới vấn đề này, bà Nguyễn Phương Thảo, nhân viên Công ty TBS Việt Nam bổ sung: Với số sản phẩm NK mới cũng như cần thay đổi thông tin khá nhiều, mỗi năm DN phải làm tới cả nghìn bộ hồ sơ để đăng ký cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm NK. Việc thay đổi cách làm trên môi trường mạng so với nộp hồ sơ giấy trước đây đã tạo những thuận lợi nhất định cho DN. Hiện nay, tổng thời gian từ khi DN nộp hồ sơ cho tới khi nhận kết quả cuối cùng từ Cục Quản lý Dược dao động từ 2 tuần đến 1 tháng. Mặc dù khoảng thời gian dao động khá lớn, song DN NK đều có những tính toán nhất định, thông thường sẽ chuẩn bị đăng ký cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm NK trước khi NK nên cũng không rơi vào tình trạng bị động.
Vẫn còn bất cập
Mặc dù hầu hết DN NK mỹ phẩm đánh giá việc triển khai thủ tục đăng ký cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm NK hiện đã tương đối tạo thuận lợi cho DN, song vẫn còn những bấp cập, nhất là khi DN làm thủ tục hoàn tất hồ sơ, thông quan hàng hóa với cơ quan Hải quan.
Theo bà Huyền, hiện nay khi nhận kết quả trả về từ Cục Quản lý Dược, DN phải in ra một bản để nộp cho cơ quan Hải quan. Tuy nhiên, nhằm xác thực thông tin, DN còn phải cung cấp cho cơ quan Hải quan cả tài khoản cũng như mật khẩu để đăng nhập vào hệ thống, kiểm tra thực tế. Điều này khá rườm rà, bất tiện, gây mất thời gian cho cả DN lẫn cơ quan Hải quan.
“Qua quá trình tập huấn việc triển khai NSW, tôi nhận thấy NSW có khá nhiều lợi ích, cụ thể là sẽ khắc phục được bất cập nổi cộm kể trên. Bởi thông qua NSW, khi DN nộp hồ sơ và có kết quả từ Cục Quản lý Dược, cơ quan Hải quan có thể trực tiếp tiếp nhận kết quả này thông qua Cổng thông tin một cửa Quốc gia. Nhờ đó, DN sẽ nhanh chóng, dễ dàng hoàn tất hồ sơ để thông quan, giải phóng hàng”, bà Huyền nhấn mạnh.
Bà Thảo cho biết thêm: Sau khi tập huấn ngày 23-6 vừa qua, bộ phận kỹ thuật của Tập đoàn Viettel cam kết sẽ chủ động chuyển đổi tài khoản và mật khẩu của các DN từ hệ thống khai báo cũ sang hệ thống khai báo trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia và gửi lại cho DN để DN triển khai thử. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại DN vẫn chưa nhận được những thông tin qua mail. DN đang rất mong sẽ sớm nhận được phản hồi từ phía Viettel để áp dụng thử NSW.
Trên thực tế, theo chia sẻ của đại diện nhiều DN tham gia tập huấn vừa qua, những thiết kế phần mềm phục vụ việc triển khai thủ tục đăng ký cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm NK theo NSW có các bước nộp hồ sơ còn rườm rà, mất nhiều thao tác, chưa thực sự nhanh gọn như cách đang triển khai. Điển hình như, hiện nay khi khai báo hồ sơ làm thủ tục, các DN thường khai luôn tổng số hồ sơ cần làm, có khi lên tới mấy chục bộ cùng một thời điểm. Sau đó, DN có thể nhấn nút gửi nhiều bộ hồ sơ một lần. Tuy nhiên, khi áp dụng theo NSW, thiết kế phần mềm lại khiến DN chỉ có thể nhấn gửi hồ sơ theo từng bộ đơn lẻ. Việc này khiến DN mất khá nhiều thời gian. Các DN đã góp ý trực tiếp với đơn vị soạn thảo phần mềm và hy vọng thời gian tới, khi áp dụng thí điểm trên thực tế, các vấn đề vương mắc đã được khắc phục.