Việt Nam là một trong 21 nước được IMS Health xếp vào nhóm có tăng trưởng ngành dược cao nhất. Nhóm này được coi là động lực cho tăng trưởng cho ngành dược thế giới, dự kiến sớm chiếm khoảng 1/3 tổng tiêu thụ thuốc toàn cầu so với mức 1/4 hiện tại.
Quá trình già hóa tại Việt Nam
Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), mặc dù Việt Nam vẫn còn trong cơ cấu dân số vàng, nhưng đã bước vào giai đoạn “già hóa” từ năm 2017. Báo cáo từ Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo quá trình già hóa tại Việt Nam sẽ diễn ra trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 15 năm và hoàn tất trước năm 2040. Dân số già đi, đồng nghĩa chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe sẽ nhiều hơn.
Theo Công ty khảo sát thị trường quốc tế (BMI), chi tiêu thuốc trên đầu người tại Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng 8,8%/năm trong giai đoạn 2018 - 2027. Quá trình già hóa khiến Chính phủ sẽ cần tăng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe trong những năm tới. Đó là điều đã diễn ra ở Trung Quốc giai đoạn 2005 - 2015 và khả năng cao sẽ lặp lại ở Việt Nam. Trên thực tế, từ năm 2016, Chính phủ đã bắt tay đẩy mạnh lộ trình bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân với quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016, từ mức 76% năm 2015, tỷ lệ bao phủ BHYT đã tăng lên 82% dân số ở thời điểm 2017.
Tham khảo từ Thái Lan, quốc gia đã thực hiện chính sách bảo hiểm toàn dân từ năm 2001 và đến năm 2004 đạt được tỷ lệ bao phủ là 95,5% dân số, có 2 tác động rõ rệt nhất mà chính sách này mang lại:
Thứ nhất, doanh số thuốc trong kênh bệnh viện (ETC) tăng theo thời gian. Nguyên nhân là nhờ có bảo hiểm toàn dân, ngày càng nhiều bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị các bệnh mà trước đó họ không chi trả được. Cụ thể, theo nghiên cứu từ BMJ Open, sau khi bảo hiểm toàn dân được thực thi, doanh số kênh bệnh viện của các loại thuốc cho các bệnh mãn tính điều trị ở các cơ sở chăm sóc ban đầu (primary care setting) như tiểu đường, cao huyết áp và cholesterol đều tăng rất mạnh.
Tuy nhiên, chính sách này không làm tăng doanh số thuốc cho các bệnh nặng hơn như suy tim, loạn nhịp và ung thư, thường phải điều trị ở các cơ sở chăm sóc thứ cấp và chuyên biệt (secondary/tertiary care). Trong khi đó, doanh số thuốc từ kênh bán lẻ không chịu tác động đáng kể nào.
Về mặt độ lớn, doanh số kênh bệnh viện chiếm tới 70% trong tổng số 5,3 tỷ USD doanh số của thị trường dược phẩm Việt Nam. Các công ty tập trung bán hàng qua kênh bệnh viện sẽ là đối tượng hưởng lợi trong xu hướng này.
Thuốc nội thay thế thuốc ngoại, đây là xu hướng tất yếu để giảm chi phí thuốc, nâng cao hiệu suất điều trị trong ngành y tế. Đây cũng là tác động thứ hai của chính sách BHYT nhìn từ trường hợp của Thái Lan.
Để tiếp tục đẩy mạnh và duy trì BHYT, một trong những vấn đề tiên quyết là phải giảm chi phí sử dụng thuốc. Ở Thái Lan, sau 5 năm thực thi bảo hiểm toàn dân, 80% thuốc trong kênh bệnh viện được cung cấp bởi tổ chức dược của chính phủ Thái Lan do được hưởng chính sách ưu tiên so với thuốc ngoại. Tại Việt Nam, kỳ vọng một sự thay đổi tương tự khi mà hiện tại sử dụng quá nhiều thuốc nhập ngoại khiến chi phí điều trị tăng, đồng nghĩa hiệu suất điều trị trong ngành y tế không cao. Điều này lý giải chi tiêu thuốc của Việt Nam dù thấp về mặt con số tuyệt đối, nhưng vẫn cao xét trong tương quan với GDP.
Hiện tại, các nhà sản xuất thuốc trong nước đang lép vế so với các đối thủ nước ngoài. Bên cạnh việc phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu (đặc biệt là nguyên liệu tân dược), các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm được khoảng một nửa thị trường thuốc trong nước. Phân nửa thị phần còn lại thuộc về các sản phẩm ngoại nhập, trong đó đáng kể là thuốc của các tập đoàn dược phẩm hàng đầu có giá và chất lượng cao hơn hẳn. Tính riêng kênh ETC, tỷ lệ hàng nhập khẩu còn lớn hơn nhiều.
Do vậy, giảm chi phí y tế, thu hẹp chênh lệch giá thuốc giữa các tuyến bệnh viện là xu hướng tất yếu. Đó cũng là mục tiêu của các chính sách đã, đang và sắp được thực hiện như triển khai đấu thầu tập trung, nối mạng hệ thống nhà thuốc trên cả nước, điều chỉnh thông tư đấu thầu…
Bước đầu chuyển dịch, nhưng còn chậm
Dựa trên kết quả đấu thầu vào các cơ sở y tế từ năm 2017 đến tháng 6/2018, có thể thấy, quá trình chuyển dịch này đã bước đầu diễn ra. Các công ty dược trong nước như Pymepharco (PME:HSX) hay Imexpharm (IMP:HSX) đã có những sản phẩm trúng thầu nhóm 1 và 2, trước đây vốn là sân chơi riêng của thuốc ngoại nhập.
Mặc dù vậy, số lượng trúng thầu ở các nhóm này chưa đạt được kỳ vọng vào đầu năm 2018. Một trong những lý do là dự thảo mới về quy trình đấu thầu thuốc vẫn chưa được phê duyệt, dù đã hơn một năm trôi qua. Sự chậm trễ này cho thấy xung đột lợi ích giữa thuốc nội - ngoại vẫn còn cao và điều này khả năng sẽ tiếp tục làm chậm quá trình chuyển dịch.
Lợi thế dành cho các công ty có cơ sở sản xuất hiện đại tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/S. Với sự ra đời của Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BYT-BTC về đấu thầu sử dụng thuốc trong các cơ sở y tế công lập đã tạo ra động lực buộc các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi. Các công ty nếu vẫn sản xuất theo tiêu chuẩn WHO-GMP, với danh mục sản phẩm đơn giản và trùng lắp sẽ không thể bứt phá, phải cạnh tranh và tự triệt tiêu lẫn nhau bằng giá rẻ cùng với các thuốc chất lượng thấp từ Ấn Độ, Trung Quốc ở nhóm 3. Điều này đã dẫn đến một làn sóng nâng cấp/xây mới nhà máy theo chuẩn EU-GMP hoặc PIC/S để nâng cao chất lượng thuốc và chuyển lên nhóm đấu thầu cao hơn.
Hiện tại, sở hữu một nhà máy có tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/S Nhật Bản là điều kiện tiên quyết để tham gia vào đấu thầu ở nhóm 1, nhóm 2 và đầu thầu tập trung quốc gia. Chỉ một số ít công ty đang đáp ứng được các tiêu chuẩn này như PME, IMP, MKP, Tenamyd và Savipharm.
Dù vậy, người chiến thắng là người tìm được câu trả lời cho đầu ra. Các công ty như PME và IMP kỳ vọng các nhà máy mới sẽ giúp đẩy mạnh doanh số trong kênh bệnh viện. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, quá trình chuyển dịch sẽ còn chậm. Điều này đồng nghĩa không dễ để doanh thu của họ có thể cải thiện trong ngày một ngày hai. Trong khi đó, các công ty khác như Mekophar lại lựa chọn hướng sản xuất cho đối tác chiến lược để được đảm bảo đầu ra, dù biên lợi nhuận không cao bằng.
Các công ty đi sau cũng phải suy tính bài toán đầu ra trước khi quyết định xây dựng nhà máy mới do chi phí đầu tư là không nhỏ.
Với dư địa tăng trưởng còn lớn, Việt Nam được xem là một điểm đến hấp dẫn trong mắt các tập đoàn dược phẩm nước ngoài. Tuy vậy, do đặc thù là ngành kinh doanh có điều kiện, nên sự tham gia của các tập đoàn này vào chuỗi giá trị của ngành dược tại Việt Nam chịu khá nhiều sự kiểm soát. Đơn cử, các doanh nghiệp dược nước ngoài không được trực tiếp phân phối thuốc, mà phải thông qua các công ty trong nước. Nghị định 54/2017/NĐ-CP tiếp tục quy định chặt chẽ hơn về khái niệm “phân phối” này, bao gồm thêm yêu cầu về hệ thống vận chuyển, bảo quản, kho bãi và nhân sự vận hành. Dù vẫn có cách để “hợp lý hóa” theo những quy định này, nhưng rõ ràng, các giới hạn trên chưa thể bị dỡ bỏ trong ngày một ngày hai.
Do vậy, các tập đoàn nước ngoài đều hướng đến việc M&A các doanh nghiệp nội địa để tận dụng các cơ sở sản xuất có sẵn, lợi thế chi phí sản xuất thấp tại Việt Nam, cũng như hệ thống phân phối sâu rộng của các doanh nghiệp này. Việc Abbott mua lại Công ty Glomed, cũng như thông qua CFR nâng tỷ lệ sở hữu tại DMC lên trên 50%, hay Tập đoàn Taisho trở thành cổ đông lớn của Dược Hậu Giang là những minh chứng cụ thể nhất.
Sự kiện mở room ngoại cho DMC vào 2016 đã mở đường cho các doanh nghiệp dược nước ngoài muốn tìm kiếm đường vào thị trường Việt Nam thông qua việc sở hữu các công ty đang niêm yết. Sau DMC, DHG và PME cũng đã lần lượt nâng room ngoại lên 100%. Các nhà đầu tư cũng sẵn sàng trả một mức giá không hề thấp, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam.
Tính toán của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, thương vụ DMC được thực hiện ở mức 12,2x EV/ EBITDA 2016, trong khi các giao dịch DHG được định giá ở mức 8,9x EV/ EBITDA 2016 và 17,6x EV/ EBITDA 2018F. Theo Bloomberg, các thương vụ M&A trong ngành dược có mức bội số EBITDA trung bình là 13,3x và bội số P/B là 3,2x.
Nguồn: baodautu.vn