Bên trong nhà máy sản xuất viên nang cứng (VICANCAP) của Dược Cửu Long
Chúng tôi đã có mặt tại nhà máy VICANCAP, nơi chuyên sản xuất viên nang rỗng cứng (capsule) của Công ty cổ phần Dược Cửu Long. Đây được đánh giá là mảng kinh doanh có hiệu quả cao và triển vọng của công ty này.
Dưới đây là các ghi nhận chính từ chuyến thăm và cuộc trao đổi với ông Điêu Ngọc Huấn, Giám đốc nhà máy:
• Nhà máy VICANCAP hiện đang vận hành 8 dây chuyền sản xuất capsule được chuyển giao từ đối tác Technophar (Canada). Các dây chuyền này đã hoạt động hết công suất và tạo ra 3,5 tỷ sản phẩm năm ngoái.
• Trong năm nay, công ty sẽ mở rộng thêm 4 dây chuyền nữa để tăng công suất lên gấp đôi hiện tại. Tổng vốn đầu tư khoảng 65 tỷ sẽ được lấy từ kế hoạch tăng vốn vừa được UBCKNN cấp phép của công ty.
• Doanh thu nhà máy đạt 190 tỷ trong năm ngoái và đóng góp trung bình 26% tổng doanh thu công ty trong 3 năm qua.
• Tỷ suất lợi nhuận gộp của hoạt động sản xuất capsule được ước tính từ 40% đến 50%.
• Khoảng 30% sản phẩm thuốc trong nước được sản xuất dưới dạng viên nang cứng và nhu cầu của sản phẩm này ngày càng tăng do: (i) năng lực sản xuất của các công ty dược trong nước liên tục được mở rộng và (ii) sự phát triển của nhóm thực phẩm chức năng.
• Dược Cửu Long là doanh nghiệp trong nước đầu tiên và lớn nhất đang sản xuất dòng sản phẩm capsule. Thị trường này hiện có quy mô khoảng 30 triệu USD và Công ty hiện đang chiếm khoảng 30% thị phần.
• Hàng nhập khẩu chiếm 60% nhưng kém cạnh tranh do chi phí vận chuyển cao và khả năng đáp ứng yêu cầu mẫu mã sản phẩm thấp hơn các nhà máy trong nước. Đây là cơ hội cho các nhà máy trong nước, trong đó có Dược Cửu Long.
• Đối thủ cạnh tranh trong nước của VICANCAP là một nhà máy của Hàn Quốc ở Bình Dương và một số nhà sản xuất nhỏ ở phía Bắc
• Các yêu cầu về kỹ thuật và công thức pha chế nguyên liệu cũng như khả năng vận hành nhà máy khiến rào cản ngành ở mức cao.
• Nguyên liệu sản xuất là gelatin (mô liên kết từ da và xương động vật được chiết xuất thành bột) được nhập khẩu chủ yếu từ Đức, Nhật Bản và Ấn Độ. Biến động giá nguyên liệu sẽ là một rủi ro của nhà máy.
Cơ cấu doanh thu của Dược Cửu Long trong 3 năm qua. Đơn vị: Tỷ đồng
Ở hai mảng kinh doanh còn lại, Dược Cửu Long cũng sẽ đầu tư mở rộng trong năm nay (bao gồm: 80 tỷ cho nhà máy dược phẩm và 50 tỷ đầu tư nhà máy Vikimco mới). Nguồn vốn sẽ đến từ kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 200 tỷ của công ty đang được thực hiện.
Động lực đầu tư mạnh mẽ của Dược Cửu Long sau nhiều năm thăng trầm diễn ra sau khi công ty trở thành thành viên của FIT Investment, một nhà đầu tư mới trong lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm và hàng tiêu dùng.
FIT Investment đang kỳ vọng sẽ đưa Dược Cửu Long trở lại đường đua với các doanh nghiệp trong ngành như DHG, DMC và IMP trên thị trường dược phẩm trị giá hơn 4 tỷ USD/năm và tăng trưởng 16%/năm của Việt Nam, theo dự báo của BMI.
Chiến lược của Dược Cửu Long là phát triển các sản phảm biệt dược, thuốc đặc trị và thực phẩm chức năng nhằm tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thuốc và đạt biên lợi nhuận cao hơn so với các sản phẩm cơ bản. Đồng thời xây dựng các nhà máy quy mô lớn với các tiêu chuẩn cao hơn như GMP EU
Ngoài ra, cải thiện tình hình tài chính cũng là mục tiêu quan trọng của Dược Cửu Long hiện nay bao gồm việc giảm tỷ trợ vay ngân hàng, tăng vốn lưu động và giải quyết các khoản phải thu khó đòi kéo dài.
Dưới đây là một số hình ảnh từ nhà máy VICANCAP:
Hơn 3,5 tỷ sản phẩm viên nang rỗng cứng đã được sản xuất tại nhà máy VICANCAP trong năm ngoái.
Công nhân đang kiểm tra sản phẩm sau khi hoàn thành giai đoạn 1.
Mức độ tự động hóa cao và không sử dụng nhiều công nhân trong quá trình sản xuất.
Công nhân giám sát quá trình in chữ trên viên nang rỗng cứng.
Sản phẩm hoàn thiện đang chờ kiểm tra.
Kho lưu mẫu thành phẩm của nhà máy
Theo Trí thức trẻ