Trong khi nhiều lĩnh vực nông sản khác được phát hiện, phát triển, mỗi năm đóng góp cho đất nước hàng tỷ USD từ xuất khẩu thì ngành dược liệu dường như vẫn "ngủ quên". Cần phải làm gì để đánh thức ngành kinh tế đầy tiềm năng này của Việt Nam?
Từ câu chuyện tham vọng của Hà Giang
Sau khi không thành công với tham vọng cây cao su, tỉnh Hà Giang chuyển hướng tập trung đầu tư phát triển mạnh cây dược liệu với quy hoạch trên 12.000ha tại 3 huyện vùng cao là Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần, mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành vùng trồng dược liệu trọng điểm của quốc gia.
Trong 3 năm qua, diện tích trồng mới dược liệu trong danh mục ưu tiên đạt 552ha với sản lượng thu hoạch đạt trên 3.200 tấn. Tuy nhiên, 74% diện tích dược liệu trồng toàn tỉnh vẫn chủ yếu là thảo quả, hương thảo, gừng, nghệ và hiện mới chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.
Cũng trong 3 năm qua, rất nhiều doanh nghiệp khi nghe tin cũng lặn lội lên Hà Giang gặp gỡ, khảo sát để đầu tư trồng dược liệu. Đến nay có doanh nghiệp một đi không trở lại, có doanh nghiệp đứt gánh giữa đường, song rất vui mừng là cũng có doanh nghiệp đã tìm được mô hình liên kết phù hợp với người dân và bước đầu gặt hái thành công, như ANVY Group, Nam Dược, DK Pharma… với quy mô hàng chục ha.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyên Đức Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Giang cho biết, trong các doanh nghiệp đang đầu tư dược liệu tại Hà Giang thì có doanh nghiệp muốn làm lớn ngay, doanh nghiệp khác lại làm rất chắc chắn từ nhỏ đến lớn, từng bước một.
Kinh nghiệm phát triển dược liệu của Hà Giang cho thấy, doanh nghiệp dược nên bắt đầu từ các mô hình nhỏ và lấy dân làm vệ tinh sẽ thành công hơn làm kiểu cánh đồng lớn ngay từ đầu. Đặc biệt, phát triển phải dựa trên nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp có vai trò chủ động trong khâu điều tiết thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời với người dân tham gia liên kết góp đất, góp công.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Đức Vinh, khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực từ đầu năm 2019 sẽ là thời cơ rất tốt để phát triển trồng dược liệu dưới tán rừng vì hiện các diện tích rừng trên cả nước đã cơ bản được giao khoán chăm sóc, bảo vệ. Trong khi trước đây về mặt chủ trương không được trồng dược liệu ở dưới tán rừng đặc dụng, phòng hộ hay rừng tự nhiên, nhưng riêng Hà Giang mạnh dạn đi trước, báo cáo Bộ NN-PTNT xin chủ trương trồng dược liệu dưới tán rừng để khai thác tốt diện tích đất rừng đang có. Đây là nguồn thu nhập quan trọng được tỉnh Hà Giang xác định “là cân cầu cơm” để người dân sống, gắn bó, bảo vệ rừng lâu dài.
Đến tiềm năng khổng lồ từ tán rừng
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 59 năm ngày truyền thống lâm nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát triển dược liệu và lâm sản ngoài gỗ gắn với bảo vệ phát triển rừng. Bởi theo kế hoạch, mục tiêu của ngành lâm nghiệp đến năm 2020 sẽ nâng tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Vì vậy, để ngành lâm nghiệp tiếp tục phát triển cần tập trung vào các hoạt động dịch vụ liên quan đến rừng, đặc biệt là phát triển dược liệu dưới tán rừng vì đây được xác định là hướng phát triển lâu dài, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc đích thân Thủ tướng tham dự liên tiếp hai hội nghị về dược liệu được tổ chức gần đây cho thấy sự quan tâm của Chính phủ về lĩnh vực này.
GS.TS Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ, tiềm năng dược liệu Việt Nam rất lớn, trong đó trên 50 loài lâm sản ngoài gỗ và dược liệu có thể biến thành giá trị kinh tế, hiệu quả luôn, nhưng ông đặc biệt lưu ý dược liệu ở Việt Nam phải gắn với rừng vì với 14,4 triệu ha rừng hiện nay, qua khảo sát có trên 3,3 triệu ha rừng có tiềm năng lớn phát triểm lâm sản ngoài gỗ và dược liệu.
Theo GS.TS Phạm Văn Điển, cần phải thành lập ban quản lý, điều phối ngành hàng dược liệu để gắn kết doanh nghiệp và kết nối người dân tiếp cận chính sách. Và Ban điều phối dược liệu này cũng chính là nơi tư vấn cho cấp, ngành bên trên ban hành chính sách hỗ trợ phát triển các mặt hàng sản phẩm dược liệu đúng và trúng.
Là người có gần 10 năm gắn bó hỗ trợ các vùng dược liệu và một số doanh nghiệp dược phát triển vùng nguyên liệu, ông Ninh Văn Nghị - Phó Giám đốc Trung tâm Triển khai thương mại sinh học tại Việt Nam cho rằng, thực trạng, quy mô thị trường sử dụng dược trong nước của ta hiện vẫn còn khá thấp, trong khi xuất khẩu chỉ tập trung ở một số loài.
Ông Nghị lấy ví dụ, mỗi doanh nghiệp dược thường có một vài sản phẩm, trong sản phẩm đó có một vài chục vị thuốc, nên họ chỉ cần vài ha là đáp ứng đủ nhu cầu, còn lại doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu rất nhiều, đặc biệt là từ Trung Quốc nên để phát triển lớn không hề đơn giản chút nào. Đơn cử như cây atiso, ông Nghị cho biết Traphaco trồng, Dược Lâm Đồng trồng, rồi rất nhiều doanh nghiệp khác nữa cùng trồng. Như vậy, nó không chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Thay vì như vậy, mỗi đơn vị nên chuyên sâu về từng loại sản phẩm và có sự trao đổi với nhau sẽ tốt hơn.
Do đó, cùng trùng với ý kiến của GS.TS Phạm Văn Điển, ông Ninh Văn Nghị đề xuất Nhà nước nên thành lập một thị trường hay hiệp hội ngành hàng để các doanh nghiệp dược liệu ngồi được với nhau cũng như phải có sự thông tin, chia sẻ diện tích, sản lượng, quy hoạch giữa các địa phương.
Còn quan điểm TS Phan Văn Thắng - Giám đốc Trung tâm Lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), nói đến dược liệu ngoài một số sản phẩm có thể xuất khẩu do cả thế giới đều dùng, như quế, hồi, thảo quả, đinh lăng thì đa phần phải phát triển theo mô hình manh mún nhỏ lẻ.
Theo TS Thắng, Việt Nam hiện gây trồng, sử dụng thường xuyên khoảng 200 loài dược liệu, khả năng sử dụng của các nhà máy, kể cả y học cổ truyền, nhiều nhất cũng chỉ khoảng 100 nghìn tấn. Đem 100 nghìn tấn chia cho 200 loài, mỗi một loài chỉ cần khoảng 500 tấn nên diện tích để gây trồng không cần lớn.
Ông Thắng cảnh báo, hiện ngành được liệu bắt đầu được quan tâm nên một số tỉnh đổ xô đi trồng, thậm chí trồng vượt quá nhiều so với nhu cầu và quy hoạch, không có thông tin liên kết với nhau giữa các vùng nên đã có tình trạng phải giải cứu dược liệu. Hơn nữa, Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn dược liệu Trung Quốc nên nhiều mặt hàng phát triển quá lớn có khi lại rơi vào bẫy trở thành nơi tiêu thụ giống cho họ.
Vấn đề manh mún, nhỏ lẻ trong trồng dược liệu theo TS Phan Văn Thắng không đáng ngại, bởi dược liệu phải phát triển theo chiều sâu, chế biến sâu hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn cây trồng khác gấp hàng chục lần. Vì vậy, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiểm soát chất lượng trong công đoạn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến dược liệu tại Việt Nam hiện nay có vai trò sống còn với tương lai xuất khẩu của ngành dược Việt Nam.
Nguồn: nongnghiep.vn