Mỗi năm, ngành Dược Việt Nam phải nhập khẩu hơn 80% dược liệu, nhưng phần lớn trong số đó là nhập khẩu “chui”, chất lượng dược liệu không đảm bảo.
Trong khi đó, nước ta có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng rất phù hợp để trồng dược liệu nhưng mới chỉ tự cung cấp được khoảng 20%. Nhiều người tự hỏi, tại sao chúng ta không thể tự túc dược liệu?
Đau đầu với dược liệu nhập khẩu
Theo thông tin từ Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thì hàng năm, ngành Dược Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80-85% nhập khẩu (chủ yếu nhập từ Trung Quốc).
Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc rõ ràng, còn lại hơn 40.000 tấn là nhập khẩu “chui”, chất lượng dược liệu không đảm bảo. Con số đó là rất ít so với nhu cầu sử dụng dược liệu hiện nay của nước ta.
Ngoài số dược liệu không rõ nguồn gốc thì hiện người tiêu dùng cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ sử dụng các loại dược liệu kém chất lượng, dược liệu giả.
Nguyên nhân là do việc thông quan dược liệu qua cửa khẩu còn rất nhiều hạn chế. Tại các cửa khẩu, cán bộ hải quan chỉ kiểm tra được số lượng, trọng lượng bao hàng, không kiểm tra được chất lượng các dược liệu.
Bên cạnh đó cũng xuất hiện tình trạng trộn lẫn giữa dược liệu nhập lậu với dược liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; dược liệu không đảm bảo chất lượng với dược liệu đảm bảo chất lượng tại các cơ sở khám chữa bệnh để thu lời.
Còn nhớ vào cuối năm 2012, Bộ Y tế đã phát hiện có đến 60% trong số gần 400 mẫu dược liệu được kiểm tra không đảm bảo chất lượng. Số dược liệu này được lấy tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương.
Theo đó, có 3 loại dược liệu nhập từ Trung Quốc được làm giả nhiều là bạch linh, thỏ ty tử và hồng hoa. Kết quả xét nghiệm mẫu bạch linh cho thấy có đến 80% được làm từ cacbonat, thỏ ty tử có trộn bột xi măng hoặc hóa chất vô cơ và hồng hoa phát hiện chất gây ung thư.
Ngoài ra, có 20% vị thuốc có sự nhầm lẫn giữa các loại, trộn lẫn hóa chất độc hại và hàm lượng hoạt chất đạt thấp. Một số vị thuốc có hàm lượng hoạt chất thấp như: đẳng sâm, hoàng cầm, khương hoạt, hà thủ ô đỏ, hoàng bá, đan sâm, ngưu tất, nhục thung dung... chủ yếu là các loại được sử dụng thường xuyên và không có ở Việt Nam.
Thực tế hiện nay, dạo quanh các cửa hàng, các khu cung cấp dược liệu và thuốc y học cổ truyền lớn ở Hà Nội như làng thuốc Ninh Hiệp (Gia Lâm), phố thuốc Lãn Ông… rất ít cơ sở cung cấp được hóa đơn chứng từ và có chứng nhận nguồn gốc rõ ràng.
Vậy nên, tình trạng người dân ta phải sử dụng thuốc, dược liệu “bẩn” dẫn đến bệnh tình không thuyên giảm, ngược lại càng hại sức khỏe là điều khó tránh khỏi.
Tại sao không thể “tự túc dược liệu”?
Trước những con số đáng báo động về vấn đề chất lượng dược liệu nhập khẩu, nhiều người tự hỏi tại sao chúng ta không “tự túc dược liệu”?
Ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế cũng từng cho biết rằng, để kiểm soát chất lượng dược liệu được thuận lợi thì cần phát triển nuôi trồng dược liệu trong nước để giảm thiểu việc nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cụ thể, nên nhân rộng các mô hình nuôi trồng, sản xuất dược liệu có hiệu quả; tăng cường hỗ trợ các cá nhân, tổ chức nuôi trồng dược liệu và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược liệu. Đặc biệt, phát huy vai trò của UBND xã, phường trong giám sát, quản lý nguồn gốc dược liệu theo địa chỉ nuôi trồng.
Cũng vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Siêm - Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội cho biết: “Trong vài năm trở đây, dù đã được Bộ Y tế vào cuộc quyết liệt nhưng vấn đề về chất lượng dược liệu nhập khẩu vẫn còn nhiều điều phải “lăn tăn”.
Nếu như nước ta có thể tự túc dược liệu đến 50-60% thì người dân ta không chỉ đỡ khổ về kinh tế, bộ mặt nông thôn mới được cải thiện mà còn được dùng nguồn dược liệu, nguồn thuốc sạch.
Chúng ta sẽ tùy thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng ở từng vùng mà phát triển các loại cây dược liệu phù hợp như tam thất phải trồng ở vùng lạnh, sâm ngọc linh hay một số loại thuốc quý khác kén thổ nhưỡng, phải trồng ở nơi có độ cao...
Ngoài ra, cũng có một số vị thuốc không phụ thuộc vào điều kiện khí hậu như xiêm quy, bạch chỉ, hoài sơn, kim ngân, ké và hàng trăm vị thuốc khác có thể trồng ở vùng đồng bằng, như Đồng bằng Bắc bộ, Đồng bằng Nam bộ.
Thế nhưng, để tự túc được dược liệu cần có một kế hoạch cụ thể với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương…”.
Ông Siêm cho biết thêm, trong vài năm trở lại đây, Hội Đông y TP Hà Nội đã xây dựng mô hình trồng cây thuốc ở một số địa phương trong địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Cụ thể, năm 2015, trồng thí điểm cây thuốc trên chân ruộng trũng ở huyện Đông Anh, là những chân ruộng bị hoang hóa không trồng được lúa. Sau một năm, kết quả cho thấy có những cây thuốc không thích nghi được, nhưng có những cây thuốc lại thích nghi rất tốt.
Ví dụ như cây thủy xương bồ, cây sen, cây súng, cây dừa nước… cho sản lượng rất tốt, cao gấp 5 lần so với trồng lúa.
Năm 2016, tiếp tục thực hiện mô hình trồng thí điểm cây thuốc trên chân ruộng hai lúa (chân ruộng trồng hai vụ lúa/năm) và trên gò đồi ở 3 huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức, Chương Mỹ thì thấy sản lượng cũng rất cao, gấp 5 – 8 lần so với trồng lúa.
“Tuy nhiên, sản lượng cao nhưng không có đầu ra thì người dân cũng khổ. Ví dụ như cây thủy xương bồ, lúc chỉ đạo người dân trồng rất nhiều, sản lượng rất tốt nhưng lại không bán được, không ai đến thu mua nên bà con phải bán lẻ, bán sỉ manh mún từng ít một khiến nhiều người chán nản.
Hay như cây thanh hao hoa vàng chiết xuất ra thuốc điều trị sốt rét rất tốt, cách đây ba, bốn năm, một công ty đứng ra thu mua để sản xuất thuốc chống sốt rét rất nhiều, nhưng đến khi công ty dừng thu mua đột ngột thì bà con nông dân lại “chết dở” vì không biết bán dược liệu cho ai nữa.
Do vậy, khi trồng dược liệu phải có một kế hoạch cực kỳ khoa học, nếu không dân trồng ra sẽ không bán được. Nếu như Bộ Y tế vào cuộc quyết liệt, có quy hoạch vùng trồng cụ thể, đảm bảo đầu ra cho bà con nông dân thì kế hoạch tự túc dược liệu này chắc chắn sẽ thành công thôi”, ông Siêm trăn trở.