Những ngày qua, chúng ta không khỏi nghi ngại tình trạng hàng trăm tấn dược liệu không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, liên quan đến hoạt động buôn bán thuốc bắc từ Trung Quốc vào nước ta. Với số lượng lớn như vậy, dư luận đặt câu hỏi liệu có tiềm ẩn nguy cơ những cái chết thương tâm?
Hàng trăm tấn dược liệu không rõ nguồn gốc
Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an cho biết, đã có khoảng 100 tấn thuốc bắc Trung Quốc không hóa đơn, nguồn gốc được ngụy trang bằng hoa quả khô để đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Hàng lậu số lượng “khủng” được vận chuyển bằng xe container, đi qua cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn.
Trong quá trình triệt xóa đường dây buôn lậu này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) đã khám xét các kho chứa thuốc bắc ở Bắc Ninh. Mở rộng chuyên án C03 đã phối hợp với công an nhiều tỉnh thành, khám xét khẩn cấp 10 tụ điểm tiêu thụ dược liệu tại Nam Định, Nghệ An, TP.HCM...,
Theo đó chiều tối 11/12, Phòng 13 - C03 khám xét các kho chứa hàng thuộc nhà thuốc y học cổ truyền dân tộc tư nhân Dũ Hưng (Hải Thượng Lãn Ông, phường 10, quận 5, TP.HCM). Đây là “mắt xích” nghi vấn nằm trong đường dây buôn lậu này.
Dược liệu được đựng trong các bao tải, xô nhựa, thùng... lên đến con số hàng trăm. C03 yêu cầu chủ nhà thuốc Dũ Hưng dẫn đến một kho cất khác, ở đây cũng chứa hàng chục bao dược liệu không hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, cùng nhiều chứng từ, tài liệu liên quan đến hoạt động tiêu thụ thuốc bắc từ Trung Quốc.
Đây là chuyên án bắt đầu ở các tỉnh phía Bắc, sau đó tiến hành vào phía Nam, do hai anh em ruột là Lâm Đình Hưng và Lâm Đình Hoài (đều trú ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) cùng Trần Văn Quang (quê Bắc Ninh) cầm đầu.
Các đối tượng trên đã thành lập nhiều công ty khác nhau với giấy phép kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, đây chỉ là bình phong để các đối tượng che giấu việc buôn lậu thuốc bắc. Đến thời điểm hiện tại, C03 đã thu giữ trên 100 tấn dược liệu do hai anh em Lâm Đình Hưng và Lâm Đình Hoài cầm đầu.
Theo ước tính ban đầu của C03, mỗi ngày các đối tượng thông quan từ 3 - 5 container, mỗi container chứa hàng chục tấn hàng. Nếu trừ đi số hàng hóa ngụy trang thì mỗi ngày các đối tượng đã vận chuyển trót lọt hàng chục tấn thuốc bắc vào Việt Nam tiêu thụ.
Trước đó, 10/12/2019, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng kinh tế, buôn lậu (C03), đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu xảy ra trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố có liên quan. Cơ quan C03 Bộ Công an đang củng cố tài liệu để khởi tố bị can đối với các đối tượng liên quan, đồng thời truy tìm tài sản thu lợi bất chính để có biện pháp xử lý.
Dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ là “tội ác”
Với một lượng lớn dược liệu nhập khẩu từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ hàng ngày được vận chuyển trót lọt vào Việt Nam tiêu thụ, thì nguy cơ người sử dụng mua phải dược liệu giả, dược liệu kém chất lượng là rất lớn. Theo cơ quan chức năng có đến hơn 80% lượng dược liệu đang lưu hành trong nước là nhập khẩu từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc) và tỉ lệ dược liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng rất thấp. Dược liệu giả, dược liệu kém chất lượng cũng được “lách luật” đưa vào thị trường nước ta dưới dạng nhập khẩu nông sản hoặc được nhập lậu tại các vùng biên giới nên việc kiểm soát chất lượng gặp rất nhiều khó khăn.
Cảnh báo của cơ quan chức năng việc người dân tự ý sử dụng các loại dược liệu không rõ nguồn gốc, dược liệu giả, dược liệu kém chất lượng không những không mang lại hiệu quả điều trị mong muốn mà có thể gây hậu quả khôn lường, cho người sử dụng như gây dị ứng, ngộ độc cấp, mạn tính, suy gan, thận, đặc biệt là đối với trẻ em từ 0-5 tuổi. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc, một vài trường hợp đã tử vong do biến chứng suy gan, thận trước khi tử vong do bệnh lí.
Trong số đó, tổn thương gan và thận là hai loại tác dụng phụ được khuyến cáo nhiều nhất. Các chất độc có trong dược liệu có thể gây ra ngộ độc cấp tính hoặc tích lũy dần dần trong cơ thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Nhiều trường hợp ngộ độc kim loại nặng đã được ghi nhận sau khi sử dụng dược liệu kể cả ở người lớn lẫn trẻ em.
Như vậy, hàng chục tấn dược liệu nhập lậu không rõ nguồn gốc hàng ngày vào nước ta đã gây thất thu thuế là hậu quả nhìn thấy ngay, nhưng tác hại nó gây ra cho người tiêu dùng hết sức nghiêm trọng, nguy cơ tiềm ẩn cái chết thương tâm cho những ai tin dùng thì không dễ kiểm đếm. Có thể nói người ta đã bất chấp pháp luật, đạo lý con người vì lợi nhuận mà đầu độc đồng loại dẫn đến cái chết cần phải được lên án mạnh mẽ. Những người thực thi pháp luật và những kẻ buôn lậu bắt tay nhau buôn lậu dược liệu là “tội ác” cần phải lên án và nghiêm trị trước pháp luật. Họ đã vì lợi nhuận mà đánh mất lương tâm coi rẻ tính mạng con người cần phải lên án, cảnh báo làm bài học cho những ai đã và đang đưa dược liệu không rõ nguồn gốc vào nước ta để trục lợi.
"Rác thuốc" không còn giá trị chữa bệnh nhưng vì là hàng hóa nên nó được ngâm tẩm hóa chất để tạo ra sự đẹp mã, mùi vị hấp dẫn, gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng.
Nhằm ngăn chặn tình trạng trạng nhập lậu dược liệu kém chất lượng thời gian qua, Bộ Y tế cho biết trên báo Thương hiệu và Công luận, đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan (công an, thị trường, hải quan,…) trong công tác kiểm tra, kiểm soát, trong đó tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu và hàng hóa lưu thông trên thị trường; ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường biện pháp truyền thông, giáo dục và hướng dẫn các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhằm phòng ngừa sớm và phát hiện từ cơ sở đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, gian lận thương mại. Tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông để thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế.
Nguồn: dantri.com.vn