Hầu hết hoạt chất bào chế thuốc của Mỹ đều được sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc, nơi đang bùng phát dịch Covid-19.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tăng cường giám sát việc cung cấp thuốc giữa bối cảnh Covid-19 lan rộng. Dịch bệnh có thể làm thiếu hụt khoảng 20 loại dược phẩm trên thị trường.
Khủng hoảng làm nổi bật lỗ hổng y tế: thành phần và hoạt chất quan trọng để điều chế thuốc của Mỹ phần lớn nhập từ Trung Quốc và các nước khác trên thế giới. Thực tế này đã tồn tại từ lâu. Các chuyên gia khó có thể dự đoán những nơi xảy ra tình trạng thiếu hụt.
Rosemary Gibson, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Hastings, một viện nghiên cứu đạo đức sinh học, nhận định Trung Quốc là "nút cổ chai" trong chuỗi cung ứng thuốc của thế giới.
"Ở kỷ nguyên mà việc mua bán chỉ cách nhau một cú click chuột, chúng ta thường bỏ qua nguồn gốc của sản phẩm và thành phần để tạo ra chúng. Nguồn cung của chúng tôi đến từ nước khác, nhưng hiển nhiên là họ sẽ ưu tiên dành chúng cho công dân của mình", Rosemary nói.
Anna G. Eshoo, Chủ tịch Tiểu ban Năng lượng và Thương mại Sức khỏe cũng bày tỏ mối lo ngại tương tự. Bà cho rằng việc các hãng dược Mỹ phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung Trung Quốc là thực tế "không thể chấp nhận".
FDA cho biết hiện chưa có công ty nào báo cáo về tình trạng thiếu thuốc điều trị viêm phổi. Song để đón đầu vấn đề có thể xảy ra, FDA đã liên hệ với 180 nhà sản xuất Trung Quốc, yêu cầu tự đánh giá năng lực cung ứng và báo cáo về bất cứ sự cố hay gián đoạn nào.
Các hãng đã tự phòng vệ trước tình trạng thiếu nguồn cung nhiều tuần, tháng hoặc thậm chí cả năm. Song 20 loại thuốc đặc hiệu sử dụng các nguyên liệu thô từ Trung Quốc vẫn có nguy cơ khan hiếm, theo báo cáo của FDA.
Hiện chưa rõ khi nào các dây chuyền sản xuất thuốc tại đại lục hoạt động trở lại. Cộng thêm diễn biến khó lường của bệnh dịch, FDA cảnh báo "đợt bùng phát có thể ảnh hưởng đến nguồn cung sản phẩm y tế, trong đó có các loại thuốc quan trọng ở Mỹ".
Dược phẩm là một ngành công nghiệp vô cùng phức tạp. Phần lớn người tiêu dùng, thậm chí bệnh viện không thể tìm ra nơi sản xuất thuốc và các hoạt chất liên quan. Ngay cả FDA cũng thừa nhận họ không chắc số lượng được chuyển tới các công ty của Mỹ là bao nhiêu.
Cơ quan chỉ cho biết 14% trụ sở sản xuất thành phần điều chế thuốc đang đặt tại Trung Quốc. Số nhà máy tăng mạnh trong những năm gần đây do nguồn lao động chi phí thấp và quy định về môi trường ít nghiêm ngặt hơn.
Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát sớm, chuỗi cung ứng dược phẩm Mỹ sẽ ít chịu tác động. Song sự ảnh hưởng với từng công ty là khác nhau.
Các hãng dược lớn có sẵn nguồn hàng trong tay cùng nhiều nhà máy phân bố ở khắp các quốc gia. Đối với các công ty nhỏ hơn, lượng nguyên liệu dự trữ vô cùng hạn chế.
"Gã khổng lồ" dược phẩm Novartis thông báo đã thực hiện biện pháp ngăn chặn tình trạng thiếu hụt bao gồm giữ lượng nguyên liệu ổn định trong kho và tìm kiếm nguồn cung từ nhiều nơi khác.
Trong khi đó Sun Pharmaceutical Industries, một công ty dược Ấn Độ thông báo tình hình tại đây cấp bách hơn nhiều. Một số nguyên liệu thô bao gồm azithromycin, penicillin và cephalosporin gần như chỉ có tại Trung Quốc.
Nhiều người cho rằng vấn đề nằm ở chỗ chuỗi cung ứng dược phẩm vốn phức tạp và đi qua quá nhiều nước. Song Ronald Piervincenzi, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận về tiêu chuẩn chấn lượng US Pharmacopeia cho rằng chính mạng lưới đa quốc gia là yếu tố chống lại sự gián đoạn giữa tình hình dịch bệnh, bất ổn dân sự hoặc bão lũ thiên tai.
"Lấy ví dụ về đợt bão Irene năm 2011, bạn chắc chắn không muốn toàn bộ các loại thuốc đều được sản xuất tại New Jersey", Ronald nói.
Nguồn: vnexpress.net