Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, qua số liệu thống kê của 28 Sở Y tế và 12 bệnh viện trung ương, sau khi triển khai đấu thầu thì giá thuốc giảm rõ rệt từ 30 - 35%. Một số loại thuốc đặc trị trúng thầu vào bệnh viện đã giảm rõ rệt. Ví dụ: Trị giá tiền mua thuốc Levofloxacin 500mg/100mg năm 2012 ở 7 đơn vị là 5,249 tỉ đồng/36.563 viên, năm 2013 là 5,613 tỉ đồng/52.530 viên (tiết kiệm được 34,43%); tiền mua kháng sinh Imipenem + Cilastatin (500mg + 500mg) năm 2012 là 4,948 tỉ/17.567 lọ, năm 2013 là 11,984 tỉ đồng/57.500 lọ (tiết kiệm 35,15%).
Có thể thấy rõ giá thuốc trúng thầu cùng một mặt hàng của cùng một nhà sản xuất đã giảm khoảng 30% so với trước đây. So sánh giá của các mặt hàng thuốc có cùng nhà sản xuất, cùng tên thương mại trúng thầu năm 2012 (theo quy định cũ) và năm 2013 (theo quy định mới) tại các bệnh viện, hầu hết các mặt hàng năm 2013 đều có giá giảm so với năm 2012, nhiều mặt hàng có giá giảm mạnh như: Fascort (Methyl prednisolon 4mg) giảm 42,86%; Quincef (Cefuroxim 125mg) giảm 34,64%; Teonam (Imipenem 500mg + Cilastatin 500mg) giảm 10,6%...
Trước nhiều ý kiến cho rằng giá thuốc trúng thầu rẻ hơn song chất lượng không đảm bảo, TS Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược - cho rằng: Có mặt hàng thuốc đã trúng thầu ở 2 kỳ đấu thầu năm 2012 và 2013, các bệnh viện vẫn chỉ định liều dùng và số ngày điều trị như nhau, nhưng chi phí tiền thuốc đã được tiết giảm khoảng 30%.
Thuốc biệt dược sẽ giảm hơn 32%
Theo thống kê mới đây của Bộ Y tế, thuốc nhập khẩu, đặc biệt là thuốc biệt dược, thuốc còn bản quyền đang chiếm tới 38%. Bộ Y tế đang hướng tới việc sản xuất các loại thuốc biệt dược đã hết bản quyền sở hữu trí tuệ 20 năm. Khi các doanh nghiệp Việt Nam tự sản xuất được các loại thuốc này thì giá sẽ rẻ hơn tới 32% so với giá thuốc gốc. Đây là cơ hội để sản xuất được các thuốc biệt dược chất lượng tốt, giá rẻ để thay thế một phần các thuốc gốc đang bán với giá cao trên thị trường.
Giải đáp về vấn đề chất lượng các loại thuốc biệt dược do Việt Nam sản xuất có tương đương với thuốc gốc hay không, ông Cường cho biết, hiện nay Bộ Y tế đã tiến hành thử tương đương sinh học 44 hoạt chất đều cho kết quả điều trị ngang bằng với thuốc chính hãng. Bộ Y tế cũng đưa ra kế hoạch đến năm 2020, 40% thuốc sản xuất trong nước, kể cả thuốc nhập khẩu phải có chứng minh tương đương sinh học để chứng minh chất lượng thuốc đảm bảo cho điều trị bệnh. Hiện nay chi phí cho thử tương đương sinh học mỗi sản phẩm lên tới 500 triệu đồng, vì thế với những loại thuốc được chứng minh tương đương sinh học Bộ Y tế sẽ cho phép có mặt bằng giá riêng.
Hiện nay công nghiệp dược trong nước với 133 dây chuyền sản xuất thuốc đã đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP/WHO) hoàn toàn có thể tiếp nhận sản xuất các mặt hàng thuốc mới với chất lượng tốt. Đã có nhiều nhà sản xuất dược VN như Công ty dược Hậu Giang, Công ty Savipharm đã nhận được quyền gia công sản xuất thuốc cho các hãng dược phẩm lớn của thế giới như GSK, Novatis… đã chứng minh điều này. Đây sẽ là hướng đi mới sẽ không chỉ gia công mà các doanh nghiệp còn có thể tự sản xuất thuốc với thương hiệu VN, phục vụ nhu cầu điều trị và phòng bệnh trong nước với giá hợp lý hơn.
Người bệnh Việt Nam đang sử dụng 31 USD tiền thuốc/năm, chỉ bằng ½ so với Thái Lan, 1/10 so với Hàn Quốc. Nếu giảm được giá thuốc thêm nữa, người bệnh ở Việt Nam sẽ có thêm cơ hội mua thuốc phòng và chữa bệnh.
Theo Báo Lao động