Ngày hôm qua (25/3), tại kỳ họp cuối của Quốc hội khóa 13, các đại biểu đã làm việc tại hội trường để góp ý về dự thảo Luật Dược (sửa đổi). Đây được xem là lần lấy ý kiến cuối cùng để hoàn thiện dự luật này, trước khi nó được thông qua tại kỳ họp.
Tử hình hành vi làm thuốc giả?
Phát biểu tại kỳ họp, bà Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho rằng, chính sách nhà nước cho thấy sự ưu tiên phát triển sản xuất dược trong nước.
Cũng theo đại biểu TP.HCM, cần bổ sung vào Luật Dược các biện pháp quản lý giá thuốc trên cơ sở phân tích nguyên nhân một số mặt hàng thuốc giá vẫn quá cao. Đó là các tồn tại gốc rễ như độc quyền nâng giá, nhiều tầng nấc trung gian, hoa hồng chiết khấu (tiêu cực trong kê đơn).
Làm thuốc giả lợi nhuận cao gấp hàng trăm lần so với sản xuất ma túy, xứng đáng nhận hình phạt tử hình?
Phải có quy định hạn chế tầng nấc trung gian này. Sắp xếp lại mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đang khá hỗn loạn và quá thừa với gần 2.000 công ty. Tại bệnh viện, để quản lý giá thuốc không chỉ dựa vào một giải pháp đấu thầu. Theo bà Lan, cần mở hướng về định suất với khung giá mà Bộ Y tế hoặc cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) đàm phán được. Về chuyên môn, cần đồng bộ xây dựng phác đồ điều trị chuẩn, chống lạm dụng thuốc, tăng vai trò của hội đồng thuốc điều trị tại mỗi bệnh viện.
Bà Lan cho rằng, các quan điểm cải cách hành chính đã được tiếp thu rất nhiều trong dự thảo luật, đặc biệt đối với việc kinh doanh nhà thuốc. “Tôi ủng hộ cấp chứng chỉ hành nghề một lần và có giá trị trên toàn quốc. Hồ sơ bổ sung cập nhật kiến thức sẽ được yêu cầu khi làm giấy chứng nhận thực hành tốt nhà thuốc có giá trị 3 năm, và phải tăng cường hậu kiểm, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm”, bà nói.
Ngoài ra, khi chứng chỉ hành nghề có giá trị trên toàn quốc, cần phải tăng cường công nghệ thông tin để quản lý trên toàn quốc, chia sẻ thông tin giữa các tỉnh, thành. Nên có chính sách khuyến khích nhà thuốc chuỗi phát triển, vì đây là hình thức kinh doanh văn minh hiện đại, quản lý hiệu quả hơn.
Bà Lan hơi băn khoăn về cách giải thích từ ngữ trong dự thảo luật về thuốc giả “có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký do cố ý”. Theo bà, cần làm rõ thế nào là cố ý? Vì nếu không chứng minh được cố ý thì không chứng minh được thuốc giả? Bằng không, thì nên phân định rõ thuốc giả và thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Cả hai đều bị nghiêm cấm kinh doanh, nhưng mức độ xử lý sẽ khác nhau.
Đề nghị ở điều 7 những hành vi bị nghiêm cấm, phải tách riêng thuốc giả ra, để thấy mức độ nghiêm trọng và xử lý thật nghiêm ở mức cao nhất tử hình. Bên cạnh những thiệt hại kinh tế, thuốc giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng người dân. Vậy trách nhiệm bồi thường như thế nào chưa thấy đề cập?
Làm thuốc giả, tội phạm không biên giới
Dễ đồng cảm và chia sẻ với bức xúc của bà Phạm Khánh Phong Lan trong góc nhìn của một người tham gia bộ máy lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về dược khi bà đưa ra đề nghị mức án tử hình cho tội phạm có hành vi làm thuốc giả như vậy. Bởi lẽ, mới đây những thông tin mới cập nhật do Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) cung cấp cho thấy: Nếu bỏ ra 1 đồng để sản xuất thuốc giả có thể thu lợi nhuận gấp 2.500 lần. Con số này cao hơn 156 lần lợi nhuận thu được nếu sản xuất ma túy!
Với tình hình phát triển rộng khắp của các tổ chức tội phạm sản xuất thuốc giả trên toàn cầu, Interpol đã phải vào cuộc cùng với nhiều quốc gia để cùng thực hiện hàng loạt chiến dịch triệt phá quy mô lớn đã được tổ chức. Theo đó, lực lượng phối hợp đã lật tẩy nhiều mạng lưới tinh vi và xảo quyệt của bọn tội phạm làm thuốc giả.
Cụ thể là chiến dịch mang tên “Bão tố” được thực hiện tại 13 quốc gia châu Á với kết quả đã truy quét hàng trăm cơ sở sản xuất và đường dây buôn bán thuốc giả tại khu vực này. Theo đó, trong năm 2015, hơn 2 tấn dược phẩm giả trị giá 7 tỷ USD đã bị Interpol cùng các nước thu giữ. Xuyên suốt 8 năm qua, Interpol cũng đã tổ chức một chiến dịch tương tự với quy mô tại 115 quốc gia nhằm vào tội phạm thuốc giả trên Internet.
"Tội phạm thuốc giả có nhiều mưu mẹo và cách thức vận chuyển thuốc khác nhau. Vì vậy, để có thể trấn áp được chúng cần tới sự hợp tác của nhiều bên", đại diện Interpol nhận định.
50% thuốc giả bán qua mạng trực tuyến
Thuốc là sản phẩm dành cho mọi đối tượng và cũng là sản phẩm được làm giả rất phổ biến. Thông tin trên được bà Samson Chiu – Giám đốc khu vực châu Á, Thái Bình Dương – Viện An ninh Dược phẩm công bố tại Hội thảo Nâng cao sức khỏe người bệnh, được tổ chức tại Hà Nội ngày 16/3. Theo bà Samson Chiu, các loại thuốc được làm giả phổ biến hiện nay là thuốc làm từ thức ăn cho lợn và gà, viên nang làm từ chất thải của ngành công nghiệp da, thuốc giả trong bao bì thật. Các cơ quan chức năng đã phát hiện các chất độc hại có trong thuốc giả như kim loại nặng, các loại dược chất không mong muốn và một số loại thuốc hoàn toàn không có dược chất.
Bà Samson Chiu cũng cho biết, ở bất cứ thời điểm nào cũng có khoảng 40 - 50 nghìn người bán thuốc trực tuyến trên toàn cầu trong đó có tới 90 -95% không hợp pháp.
Không chỉ bà Samson Chiu cho biết thông tin này mà ngay cả Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) cũng đã có khuyến cáo, có tới 50% thuốc bán trên mạng internet là thuốc giả. Đa số thuốc giả đều không phân biệt được bằng mắt thường, người dân lại không kêu ca gì, đặc biệt các chế tài chưa đủ tính răn đe tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất và buôn bán thuốc giả tăng.