Theo một nghiên cứu chính thức của Công ty Tư vấn và Quản lý toàn cầu McKinsey & Company, ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ sẽ đạt mức doanh thu 45 tỷ USD vào năm 2020. Có nhiều lý do tin tưởng về dự báo lạc quan này. Trong giai đoạn 2002-2012, quy mô thị trường thiết bị y tế của Ấn Độ đã tăng gấp ba lần, từ 23 tỷ USD lên 70 tỷ USD. Báo cáo cho rằng thị trường Dược phẩm Ấn Độ sẽ có quy mô lớn thứ 6 thế giới vào năm 2020.
Ảnh minh họa
Sự nổi lên của ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất dược phẩm và đầu tư của các công ty đa quốc gia, cùng với sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế Ấn Độ, lĩnh vực bảo hiểm y tế và cơ sở y tế được cải thiện, dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng của thị trường dược phẩm. Ấn Độ ngày nay là một trong những thị trường dược phẩm mới nổi hàng đầu thế giới. Ngành này có sự tập trung chất xám cao và tăng trưởng ổn định, có tác động tích cực đến nền kinh tế Ấn Độ. Tiềm năng của ngành công nghiệp dược phẩm Ấn Độ thu hút một số doanh nghiệp trong nước đang tìm kiếm lĩnh vực đầu tư khả thi để mở rộng hoạt động.
Theo báo cáo của Cơ quan quản lý Y tế Ấn Độ (IMS Health), thị trường dược phẩm trong nước của Ấn Độ đạt tổng số doanh thu 6.883 triệu Rs (tương đương 1,12 tỷ USD) trong tháng Bảy năm 2013, tăng trưởng 13,5%. Các nhân tố chính đóng góp cho sự tăng trưởng này là sự gia tăng doanh số bán hàng của các loại thuốc về gien, tăng trưởng liên tục trong điều trị mãn tính và sự thâm nhập thuốc tân dược tại các vùng nông thôn.
Ấn Độ hiện xuất khẩu nhiều nguyên liệu, bán thành phẩm để sản xuất dược phẩm, các thành phần để bào chế dược phẩm (API), công thức hoàn thiện dược phẩm (FDFs), dược phẩm sinh hóa và dịch vụ y tế ra toàn cầu. Xuất khẩu dược phẩm từ Ấn Độ đã tăng từ mức 6,23 tỷ USD trong năm 2006-2007 lên 14,6 tỷ USD trong năm tài chính 2012-2013, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 15,2%. Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã đặt mục tiêu cho ngành xuất khẩu dược phẩm của Ấn Độ là 25 tỷ USD vào năm 2014 với tốc độ tăng trưởng 25%.
Trong số các công ty dược phẩm hàng đầu, Abbott có tổng doanh thu 452 triệu rupee (73.67 triệu USD), Cipla với 322 triệu Rs (52,48 triệu USD), Sun Pharma với 313 triệu Rs (51.02 triệu USD), và Zydus Cadila với Rs 268 triệu rupee (43.69 triệu USD) là các công ty tăng trưởng mạnh nhất trong tháng Chín năm 2013. Về tốc độ tăng trưởng, Sun Pharma (17,8%) bỏ xa các doanh nghiệp khác như Cadila (1,8%), Cipla (0,8%) và McLeod (0,7%).
Cơ hội đầu tư
Theo số liệu được công bố bởi Cục Chính sách và Phát triển Công nghiệp (DIPP), ngành sản xuất thuốc và dược phẩm đã thu hút lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài trị giá 11,39 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 4 năm 2000 đến tháng 9 năm 2013.
Ấn Độ có gần 200 cơ sở sản xuất thuốc được Cơ quan quản lý Thực phẩm, Dược phẩm Hoa kỳ (FDA) chấp thuận, là nhà cung cấp nước ngoài lớn nhất các loại thuốc vào Hoa Kỳ. Xuất khẩu dược phẩm sang Mỹ tăng gần 32% năm 2012, đạt 4,23 tỷ USD. Ấn Độ chiếm gần 40% các loại thuốc về gien và 10% các loại thuốc điều trị theo liều sử dụng ở Mỹ.
Các loại thuốc về gien có thị phần khống chế trong ngành công nghiệp dược phẩm phát triển nhanh chóng của Ấn Độ. Kim ngạch xuất khẩu các loại thuốc về gien của Ấn Độ đã tăng trưởng với tốc độ 24% trong bốn năm qua. Trong năm 2012, Ấn Độ đã được UNICEF - Quỹ trẻ em của Liên Hợp Quốc - công nhận là nước cung cấp các loại thuốc về gien lớn nhất toàn cầu. Bộ Dược phẩm Ấn Độ đã dự kiến đầu tư 3.000 triệu Rs (489.19 triệu USD) để xây dựng thêm 10 Viện Giáo dục và Nghiên cứu Dược phẩm (NIPER) cấp quốc gia trong vài năm tới.
Một số dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực dược phẩm Ấn Độ bao gồm:
• Công ty GlaxoSmithKline Plc kế hoạch đầu tư 864 triệu Rs (140.86 triệu USD) xây dựng một nhà máy mới ở Ấn Độ. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2017, bao gồm một nhà kho, cơ sở hạ tầng nhà xưởng và các tiện ích để hỗ trợ sản xuất và đóng gói các loại thuốc.
• Cadila Pharmaceuticals Ltd (CPL) dự kiến đầu tư 100 triệu Rs (16,3 triệu USD) vào việc mở rộng, nâng cấp và hiện đại hóa đơn vị sản xuất của mình tại Samba, bang Jammu.
• Công ty công nghệ sinh học HLL Limited (HBL), một công ty con của HLL Lifecare Ltd, đã triển khai xây dựng nhà máy liên doanh với Viện Miễn dịch, Zagreb (IMZ), Croatia, để sản xuất vắc-xin sởi ở Ấn Độ. Theo thỏa thuận hợp tác, IMZ sẽ chuyển giao công nghệ để sản xuất vắc xin sởi số lượng lớn cho HBL.
• Ranbaxy Laboratories Ltd đã nhận được sự chấp thuận của Tổ chức Tiêu chuẩn kiểm soát thuốc Trung ương (CDSCO) để sản xuất và bán ra thị trường một loại thuốc mới để điều trị bệnh sốt rét ở người lớn.
• Cipla đã mua lại phần lớn cổ phần trong Công ty TNHH Công nghiệp hóa chất Uganda (QCIL), với việc mua lại thêm 14,5 phần trăm cổ phần trị giá 15 triệu USD thông qua công ty con, Meditab Holdings Ltd (MHL).
• Công ty TNHH Phòng thí nghiệm Dr. Reddy đã nhận được sự chấp thuận của Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA đối với thuốc tiêm Azacitidine, được sử dụng để điều trị một số loại ung thư và các rối loạn ảnh hưởng đến tủy xương.
Chính sách khuyến khích phát triển của Chính phủ
Chính phủ Ấn Độ đã cho phép 100% vốn FDI thông qua hình thức cấp phép tự động trong các dự án dược mới, nhưng đầu tư nước ngoài trong các công ty dược phẩm cần có sự chấp thuận của Hội đồng Xúc tiến Đầu tư nước ngoài (FIPB).
Quốc hội Ấn Độ đã thông qua Chính sách mua bán Dược phẩm (PPP) cho 103 loại thuốc để đảm bảo sử dụng tối ưu công suất lắp đặt của các doanh nghiệp dược phẩm Nhà nước (CPSEs) để đảm bảo không thiếu hụt các loại thuốc có chất lượng với giá thấp cho công chúng, bên cạnh việc đảm bảo an ninh thuốc men trong nước.
Nhằm đơn giản hóa các thủ tục và việc sử dụng mã vạch cho các công ty dược phẩm và đảm bảo chất lượng, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định sử dụng các thùng carton là loại bao bì chính để đóng gói sản phẩm.
Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện cắt giảm thuế cho ngành sản xuất dược phẩm và khấu trừ thuế 150% cho các chi phí phát sinh trong hoạt động nghiên cứu phát triển. Giới thiệu 19 khu kinh tế đặc biệt chuyên dụng (SEZ) để khuyến khích đầu tư sản xuất dược phẩm trên toàn quốc.
Chính phủ đã ký một thỏa thuận song phương với Cộng hòa Hungary để thúc đẩy và phát triển hệ thống sản xuất các dược phẩm truyền thống.
Trao đổi thương mại Việt Nam – Ấn Độ trong lĩnh vực dược phẩm
Ấn Độ cũng là một trong những thị trường cung cấp mặt hàng dược phẩm và nguyên phụ liệu dược phẩm cho Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu mặt hàng dược phẩm từ Ấn Độ của Việt Nam tăng đều trong vòng 5 năm qua, từ mức 148,6 triệu USD năm 2009 đến 248 triệu USD năm 2013. Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2014, kim ngạch nhập khẩu dược phẩm của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 155,1 triệu USD, chiếm 13,4% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia cung cấp dược phẩm hàng đầu của Việt Nam. Dược phẩm là một trong số những mặt hàng thuộc danh mục được hưởng thuế suất ưu đãi từ 0 đến 9% theo cam kết tại Hiệp định thương mại FTA ASEAN – Ấn Độ, điều này đã làm cho việc nhập khẩu dược phẩm từ Ấn Độ vào Việt Nam tăng trưởng liên tục trong thời gian qua.
Đối với mặt hàng nguyên phụ liệu dược phẩm, Ấn Độ cũng là nước cung cấp lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc. Kim ngạch nhập khẩu mặt hàng nguyên phụ liệu dược phẩm từ Ấn Độ của Việt Nam 7 tháng đầu năm 2014 đạt 34,4 triệu USD, tăng 19,75% so với cùng kỳ năm 2013. Đây cũng là thị trường có mức tăng trưởng mạnh vượt trội so với các thị trường khác.
Triển vọng
Ngành công nghiệp dược phẩm Ấn Độ đang ở vào giai đoạn tăng trưởng mạnh và có khả năng trở thành 1 trong 10 thị trường hàng đầu toàn cầu về giá trị vào năm 2020. Chi phí chăm sóc y tế cao, tăng trưởng kinh tế tốt dẫn đến thu nhập người dân cao hơn, cơ sở hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe được cải thiện góp phần vào tăng trưởng của thị trường trong nước. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng của ngành dược phẩm của nước này với doanh thu khoảng Rs 35 tỷ rupee (5,7 tỷ đô-la Mỹ), chiếm 35-40% tổng doanh thu toàn ngành.
Với sự hỗ trợ của Pharmexcil và Chính phủ dưới hình thức xây dựng thương hiệu dược phẩm Ấn Độ - Pharma iPHEX, ngành này sẽ tiếp tục phát triển và đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho các nước đang phát triển. Dự báo sẽ có nhiều thương vụ sáp nhập và mua lại lớn trong lĩnh vực dược phẩm và chăm sóc sức khỏe trong thời gian tới.
Theo Báo điện tử Bộ Công thương