Xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) là một trong những chợ đầu mối dược liệu đông y lớn nhất miền Bắc, được TP. Hà Nội công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống thuốc Nam - Bắc. Tuy nhiên, trong kinh doanh thương mại và dịch vụ còn nhiều hạn chế, nhiều sản phẩm tại đây chưa đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng.
Khó kiểm tra, kiểm soát
Hiện, trên địa bàn xã Ninh Hiệp có 140 hộ và 9 công ty kinh doanh trong lĩnh vực thuốc nam, thuốc bắc. Trong đó, hầu hết các hộ đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn lại là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, kinh doanh theo thời vụ, gia công thuê cắt thái dược liệu. Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm như: Kinh doanh không đúng ngành nghề, kinh doanh hàng hóa do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ kinh doanh hàng hóa giả nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam... vẫn còn tiếp diễn.
Điển hình, mới đây các đơn vị nghiệp vụ đã bắt quả tang một vụ buôn lậu dược liệu lớn từ Lạng Sơn về Bắc Ninh, Hà Nội, thu giữ hàng trăm bao nguyên liệu thuốc bắc với số lượng hơn 100 tấn. Bước đầu, xác định số nguyên liệu này được nhập lậu từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn rồi vận chuyển về Hà Nội, Bắc Ninh sau đó phân phối đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Xã Ninh Hiệp nằm giữa các tuyến đường quốc lộ 1A, 1B là các tuyến đường trung chuyển hàng hóa chủ yếu từ cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái, Cao Bằng, Lào Cai về Hà Nội. Địa bàn phức tạp gây khó khăn cho công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại của các lực lượng chức năng. Khi hàng hóa vận chuyển về gần khu vực giáp ranh địa bàn xã Ninh Hiệp sẽ được xé nhỏ số lượng và vận chuyển vào trong địa bàn xã bằng các xe chở hàng nhỏ, xe ba gác qua các đường làng, thôn, xóm hoặc thay đổi biển số xe, có người canh gác lực lượng chức năng tại các điểm nhạy cảm trên các ngả đường để đưa hàng vào nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát…
Tăng cường phối hợp liên ngành
Thời gian qua, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, xử lý, quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm tại địa bàn xã; tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật của người kinh doanh, người tiêu dùng một cách sâu rộng, đồng thời nâng cao tinh thần đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của chính người dân. Thành phố cũng tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng Trung ương và các địa phương, đặc biệt là các tỉnh biên giới, giáp ranh để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cắt nguồn cung hàng lậu ngay từ biên giới.
Các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra các đối tượng "đầu nậu" vận chuyển, các kho hàng, bến bãi chuyên chứa hàng lậu lớn. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng với chủ sở hữu trong công tác phát hiện, xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.