Ngày càng có nhiều thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ khiến người tiêu dùng lo lắng.
Thuốc kém chất lượng liên tục bị thu hồi
Tin tức mới nhất trên tờ Công Lý, mới đây Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Công ty Cổ phần Dược phẩm Tài Lộc thu hồi toàn bộ lô Siro uống Sirozinc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ đồng đều thể tích và hàm lượng Propylparaben.
Theo đó, căn cứ công văn số 18962/QLD-CL ngày 28/9/2016 của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông báo đình chỉ lưu hành thuốc Siro uống Sirozinc (Zinc gluconate syrup 100mg), số lô: A0643, ngày SX: 17/10/2015, HD: 16/10/2017, SĐK: VN-15854-12 do Công ty Nexus Pharma(Pvt.) Ltd – Pakistan sản xuất, Công ty TNHH MTV Dược phẩm Trung ương 1 – chi nhánh TP. Hồ Chính Minh nhập khẩu.
Dân Trí đưa tin,trong quá trình kiểm tra, Trung tâm Kiểm nghiệm Thanh Hóa đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh dược phẩm chưa có phép, việc thực hiện duy trì hoạt động theo tiêu chuẩn GPP còn chưa bảo đảm, như: việc theo dõi kiểm soát chất lượng qua sổ sách, theo dõi điều kiện bảo quản thuốc, việc thực hiện thu hồi thuốc không đạt chất lượng, vẫn còn hiện tượng bán thuốc cắt liều, thuốc hết hạn dùng, thuốc chương trình, thuốc không rõ nguồn gốc...
Cụ thể, trong 9/2016, trung tâm đã tiến hành phân tích, kiểm nghiệm chất lượng 1.104 mẫu. Trong tổng số 937 mẫu thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được kiểm nghiệm thì có 19 mẫu thuốc không đạt chất lượng, 3 mẫu thuốc giả, 20 mẫu thực phẩm chức năng không đạt chất lượng.
Ngoài ra, qua phân tích, kiểm nghiệm 167 mẫu (112 mẫu gửi và 58 mẫu lấy) do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Quản lý thị trường, Công an và các cơ sở sản xuất gửi đến kiểm tra thực hiện việc công bố chất lượng sản phẩm, các mẫu kiểm tra đoàn liên ngành, các mẫu ngộ độc thực phẩm... phát hiện 9 mẫu không đạt chất lượng.
Ngộ độc vì dùng thuốc kém chất lượng
Tạp chí thực phẩm chức năng Health+ cho biết, thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra, trung bình mỗi năm, trên thế giới có khoảng 200.000 người chết do thuốc giả, kém chất lượng.
Theo ông Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội - nguyên Giám đốc Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, nếu tác dụng phụ của thuốc thật, thuốc chuẩn nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả, thuốc kém chất lượng lại lên đến 1/10, trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc.
Thuốc giả không chỉ đánh lừa người tiêu dùng, chúng còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống bệnh nhân và trong rất nhiều trường hợp thuốc giả gây ra tác hại to lớn như gây ra các phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng cũng như làm bệnh nhân dễ kháng thuốc. Các thuốc giả, thuốc nhái này có thể chứa bất cứ thành phần nào từ phấn bảng, bê-tông nghiền, acid boric hoặc những chất khác và được bán như thuốc thật.
Bên cạnh đó, khi uống phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, người uống cũng hay gặp phải tình trạng dị ứng thuốc. Các phản ứng dị ứng có thể xuất hiện sau khi dùng thuốc 15 – 30 phút hoặc một vài ngày. Các phản ứng dị ứng có nhiều cấp độ khác nhau, từ nhẹ nhất là sự kích ứng, các tác dụng phụ ở mức độ nhẹ như: buồn nôn, ói mửa cho đến các trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng, điển hình như shock phản vệ… gây nguy hiểm cho người dùng.