Liên tục những thông tin về tình trạng kháng thuốc kháng sinh do sử dụng “vô tội vạ” khiến nhiều người lo lắng, đặc biệt là cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thay thế bằng thuốc nam, thuốc Bắc thì lại gặp phải một nỗi lo khác, đó là dược liệu bẩn hoặc không rõ nguồn gốc.
TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tiến hành xét nghiệm phân cho kết quả 30% số trẻ phát hiện có vi khuẩn kháng kháng sinh, có nghĩa là loại kháng sinh trị bệnh đó đã bị vi khuẩn “vô hiệu hóa”. Điều này cho thấy một tình trạng đáng báo động về tình trạng lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh cho trẻ nhỏ.
Còn theo PGS – TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai thì nhiều bà mẹ đã nhầm tưởng rằng, con cứ ho mà uống kháng sinh là khỏi.
“Chúng tôi làm nghiên cứu nhiều năm rồi và những nghiên cứu gần đây cũng giống như vậy. Ho mà do virus thì không dùng kháng sinh. Còn nếu ho do viêm tai, viêm phổi thì phải dùng kháng sinh và sẽ tác dụng rất nhanh. Kháng sinh chỉ chữa nguyên nhân ho do vi khuẩn, còn ho do virus thì kháng sinh không có tác dụng gì. Nghiên cứu từ Trung Quốc và Hà Lan còn cho thấy, nếu ho không cần dùng kháng sinh mà uống kháng sinh thì lâu khỏi hơn” – bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Trước thực tế trên, nhiều bà mẹ đã “cảnh giác” và thường mách nhau những địa chỉ bác sĩ “rất ít kê kháng sinh”. Ở đó, nếu không thật sự cần thiết, các bác sĩ thường chỉ kê các loại thuốc ho, trong đó đặc biệt là những loại siro ho được sản xuất trong nước. Điều đó cho thấy, nhận thức của người dân về việc lạm dụng kháng sinh đã có chuyển biến. Cũng theo bác sĩ Dũng, việc kê đơn cho bệnh nhi bị ho bằng các loại si rô thảo dược được khuyến khích từ lâu, nhưng vẫn gặp khó khăn.
“Việc nghiên cứu về si rô ho chế biến từ đông dược, chúng tôi đã làm từ lâu, nhưng gần đây các bà mẹ cũng ngại vì họ lo nguồn gốc không đảm bảo, sợ có thuốc sâu… Nếu có những sản phẩm làm từ hoa hồng, lá húng chanh, quả quất… được trồng giống như ngày xưa, uống vào hiệu quả, không độc hại thì tôi nghĩ họ sẽ tin tưởng sử dụng để hạn chế lạm dụng kháng sinh” – BS Dũng nói.
Quả là để lựa chọn dược phẩm thay thế cho kháng sinh, vừa hiệu quả vừa an toàn trong chữa bệnh không phải là điều dễ dàng.
“Chúng tôi làm ở bệnh viện, thỉnh thoảng vẫn gặp những ca ngộ độc cấp do sử dụng thuốc chế biến từ dược liệu. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, người bị ngộ độc mãn tính không biểu hiện ra ngoài còn nhiều hơn những người ngộ độc cấp tính được đưa đến bệnh viện” – BS Dũng nói.
PGS - TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai: Nếu có những sản phẩm làm từ hoa hồng, lá húng chanh, quả quất… được trồng giống như ngày xưa, uống vào hiệu quả, không độc hại thì tôi nghĩ họ sẽ tin tưởng sử dụng để hạn chế lạm dụng kháng sinh
Theo nghiên cứu của Viện Dược liệu, có tới 90% thuốc bắc trên thị trường được nhập khẩu từ Trung Quốc không có nhãn mác. Khi kiểm tra, chỉ riêng các cơ sở khám chữa bệnh đông y của nhà nước đã cho thấy có đến 60% thuốc không đảm bảo chất lượng, trong đó 20% bị trộn lẫn rác, dược liệu giả. Thậm chí, trong thuốc có cả cát và xi măng.
Năm 2016, một vụ 10 tấn dược liệu có nguồn gốc nước ngoài không có nhãn mác đã được phòng số 6 cục cảnh sát môi trường phối hợp với công an quận Hoàng Mai thu giữ. 160 bao tải với gần 60 loại dược liệu khác nhau không chứng minh được nguồn gốc, trong đó có cả dược liệu được làm giả, dược liệu có chứa diêm sinh.
Không chỉ dược liệu giả mới gây hại, nhiều loại dược liệu thật cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu nó không được kiểm soát tốt ngay từ giống, quá trình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến…
Theo PGS – TS Trần Văn Ơn, dược liệu có các yếu tố gây hại từ viêc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu độc hại hoặc kim loại nặng… thì khi sử dụng lâu ngày, tích tụ trong người gây sẽ ra các vấn đề về sức khỏe dù có thể đã chữa được một loại bệnh nào đó. Như vậy là “lợi bất cập hại.”
TS Ơn cũng cho biết, gần đây, đã xuất hiện thông tin về môt số loại dược liệu nhập khẩu bị chiết bớt dược chất, thậm chí chỉ còn bã.
“Đây là vấn đề lớn và nhức nhối nhất khi chúng ta không kiểm soát được nguồn gốc vì giá lại quá rẻ. Khoảng chục năm trở lại đây, theo kinh nghiệm của thầy thuốc là phải tăng liều lên khoảng 3 lần thì mới có tác dụng như ngày xưa” – TS Trần Văn Ơn thông tin.
Phát triển dược liệu sạch cho người Việt
“Phát triển vùng dược liệu sạch cho 50 chuỗi dược liệu, bảo đảm nguyên tắc Biotrade - bảo tồn, bền vững về tự nhiên môi trường xã hội, đảm bảo tính minh bạch và công bằng là mục tiêu của dự án Biotrade (Dự án nhân rộng phát kiến thương mại sinh học trong ngành dược liệu Việt Nam) do tổ chức phi chính phủ Handmitag của Thụy Sĩ triển khai ở Việt Nam dưới sự tài trợ của Liên minh châu Âu.
Theo bà Hoàng Thị Thu Hương – cán bộ điều phối dự án, Việt Nam được cho là là đất nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có tới hơn 4.000 loài có thể sử dụng làm thuốc, nhưng hiện nay rất nhiều loài đã bị biến mất, bị khai thác cạn kiệt và mất nguồn gen quý hiếm.
Điều đáng nói, theo bà Hương, thực trạng dược liệu Việt Nam hiện nay đang rất lộn xộn, khó có thể biết đâu là dược liệu tốt hay không. “Bản thân doanh nghiệp nhập dược liệu từ Trung Quốc cũng nói rằng, họ bỏ tiền ra nhưng không rõ chất lượng thế nào. Còn người tiêu dùng thì lại càng không biết thực trạng đó. Chỉ có những người quan tâm hoặc người làm sâu mới biết ngành dược liệu có rất nhiều vấn đề” - bà Hương cho biết.
Do vậy, dự án Biotrade mong muốn cùng với các doanh nghiệp dược Việt Nam xây dựng các vùng dược liệu, một mặt bảo đảm nguồn dược liệu trong nước có chất lượng ổn định, đồng thời mang tính chất bảo tồn để các cây làm thuốc ở Việt Nam không bị mất nguồn gen thông qua trồng trọt thu hái bền vững.
Các vùng dược liệu sạch này phải đáp ứng tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành, đó là bộ tiêu chuẩn về JACP do tổ chức Y thế thế giới khuyến cáo. “Sạch tức là yêu cầu giống sạch, nước sạch, đất sạch, quá trình canh tác sạch, thu hái sạch, đến nhà máy đạt tiêu chuẩn JMP thì đến tay người tiêu dùng mới đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng” - bà Hương giải thích.
Với mong muốn như vậy, dự án đã chủ động tìm đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược thảo để hỗ trợ cả về kinh phí lẫn kỹ thuật, nhân lực… tìm những vùng đất phù hợp, đạt tiêu chuẩn để sản xuất dược liệu đáp ứng tiêu chuẩn Biotrade. Khi đó, doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng với nông dân để bao tiêu sản phẩm.
Quất được trồng theo đúng tiêu chuẩn Biotrade được doanh nghiệp dược thu mua để sản xuất xi rô ho cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh
Một trong những mô hình này là trang trại quất của gia đình ông Đoàn Văn Hoa ở Bãi Quỹ, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản (Nam Định). Đây là một hòn đảo nhỏ nằm giữa còn sông Đào. Hòn đảo này được dự án lựa chọn là bởi nó nằm biệt lập với các khu vực dân cư cũng như vùng sản xuất nông nghiệp nên hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường độc hại, đủ điều kiện để sản xuất sạch.
Theo đó, quất dược liệu được trồng theo phương pháp tự nhiên, không sử dụng phân hóa học và các loại thuốc trừ sâu độc hại. Cả nguồn đất, nước cũng như việc chăm sóc cây đều có sự hướng dẫn và giám sát chặt chẽ của cán bộ dự án.
Quất sau khi thu hoạch được chuyển đến Công ty Nam Dược cách trang trại 30km. Quất sẽ được kiểm tra, loại bỏ quả hỏng, sau đó rửa sạch, ngâm nước muối, phơi khôi và đưa vào máy trưng với đường phèn. Dịch quất sau khi được chiết xuất sẽ được pha trộn với dịch chiết của dược liệu khác để thành siro chữa ho, cảm cho trẻ em, trong đó có cả trẻ sơ sinh, bảo đảm nghiêm ngặt tiêu chuẩn GACP của Bộ Y tế.
Nguồn: vnmedia.vn