Dòng kháng sinh kê đơn thông dụng fluoroquinolones có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng, kéo dài, thậm chí ảnh hưởng đến chức năng của một số bộ phận cơ thể con người. Các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân.
Fluoroquinolones là một trong những dòng thuốc kháng sinh được các bác sỹ kê đơn phổ biến nhất trên thế giới. Năm 2015 tại Mỹ, các bác sĩ đã kê 32 triệu toa có thuốc này, qua đó đưa chúng trở thành loại kháng sinh phổ biến thứ 4 ở quốc gia này. Thế nhưng với một số lượng nhỏ những người được kê đơn thì Fluoroquinolones lại là độc dược.
Trên các website và nhóm Facebook với tên Floxie Hope và My Quin Story, hàng nghìn người trên khắp nước Mỹ - những người đã phải chịu đựng những tác động không mong muốn sau khi dùng thuốc nhóm Fluoroquinolones, đã chia sẻ những trải nghiệm này của mình. Nhiều người trong số họ đã miêu tả một trạng thái sức khỏe tiêu cực và có xu hướng tăng dần, bao gồm hàng hoạt triệu chứng từ rối loạn tâm thần, rối loạn giác quan đến các vấn đề về cơ, dây chằng và dây thần kinh tiếp tục kéo dài sau khi dừng dùng thuốc. Họ gọi đây là chứng “Floxed”.
Trong nhiều thập kỷ, các cơ quan quản lý ngành y và nhà sản xuất dược vẫn còn hoài nghi là liệu một đợt kháng sinh điều trị trong thời gian ngắn có thể gây ra những tác dụng tiêu cực với sức khỏe lâu dài như vậy không. Nhưng sau những cuộc vận động bền bỉ của các nhóm bệnh nhân thì quan điểm này đã bắt đầu thay đổi. Năm 2008, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã ra tuyên bố đầu tiên trong chuỗi cảnh báo về những tác dụng phụ của các loại thuốc nhóm fluoroquinolones, bao gồm thoát vị dây chằng và tổn thương thần kinh không thể hồi phục.
Đến năm 2016 thì họ chấp nhận sự tồn tại của hội chứng có khả năng tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể người bị ảnh hưởng bởi fluoroquinolones - chứng FQAD (fluoroquinolone - associated disability), đồng thời khuyến nghị loại thuốc này chỉ dành cho trường hợp bị nhiễm trùng nghiêm trọng. FDA cũng cảnh báo rằng fluoroquinolones có tỷ lệ gây khuyết tật cao hơn nhiều so với các kháng sinh khác. Động thái này đã cảnh tỉnh những cơ quan y tế khác như Canada hay EU đánh giá lại loại thuốc kháng sinh này: Bộ Y tế Canada cảnh báo các bác sỹ về những trường hợp bị tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc fluoroquinolones vào tháng 1/2017 và trong năm nay, Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) sẽ công bố các kết quả về độ an toàn của thuốc.
Fluoroquinolones là nhóm kháng sinh tốt và an toàn với phần lớn mọi người. Tuy nhiên chúng đã gây ra những tác dụng phụ có thể nguy hiểm tới sức khỏe của con người, chỉ tính riêng ở Mỹ đã là hàng trăm nghìn người, các nhà khoa học hiện đang theo dõi các bệnh nhân được lựa chọn từ những ca mắc chứng FQAD cho biết. Trường hợp độc tính của Fluoroquinolone cung cấp một ví dụ đầy sức thuyết phục về hiểu biết mới của con người: kháng sinh không chỉ tiêu diệt các vi khuẩn mà cũng gây hại cho tế bào của con người một cách dữ dội.
Cho đến gần đây, những cuộc điều tra về những tác động phụ của thuốc kháng sinh đã tập trung vào việc các loại thuốc này phá vỡ hệ vi sinh vật trong cơ thể con người như thế nào, James Collins - một nhà kỹ thuật y sinh tại Viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) ở Cambridge cho biết. “Các loại kháng sinh đang phá vỡ tế bào của chúng ta theo những cách rất khủng khiếp”, ông nói thêm.
Sự phá hủy ty thể
BeatriceGolomb (ĐH California, San Diego) đã mất cả thập kỷ theo dõi những người bị thuốc fluoroquinolones ảnh hưởng đến sức khỏe. Các bằng chứng mà ông có cho thấy, fluoroquinolones gây tổn thương ty thể - một bào quan mang năng lượng bên trong tế bào con người được tiến hóa từ sự cộng sinh giữa vi khuẩn và tế bào cách đây hàng tỷ năm. Loại tổn thương này có thể ảnh hưởng đến mọi tế bào trong cơ thể, điều đó giải thích tại sao hàng loạt triệu chứng có thể xuất hiện và làm sức khỏe con người yếu đi theo thời gian.
Mike Murphy, nhà nghiên cứu về sinh vật học của ty thể tại trường Đại học Cambridge, Anh, nhận xét, độc tính ty thể là vấn đề hiện hữu ở nhiều loại thuốc bởi ty thể còn giữ một số đặc điểm tương tự với các vi khuẩn tổ tiên của chúng nên kháng sinh có thể nguy hiểm với cả chúng. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các kháng sinh nhóm aminoglycoside có thể gây điếc bằng cách gây tổn hại ty thể ở tế bào lông của tai.
Nhiều nghiên cứu được thực hiện từ những năm 1980 đã đề xuất: kháng sinh fluoroquinolones ảnh hưởng đến chức năng của ty thể, trong đó công trình của Collins và cộng sự năm 2013 được coi là thuyết phục nhất. Những nghiên cứu này chỉ ra những loại kháng sinh gây ra ứng kích ô xy hóa - sự phản ứng lại của các phân tử chứa ô xy - trong các ty thể và ức chế chức năng của chúng trong các tế bào của động vật có vú, ví dụ như chuột.
Các nhà nghiên cứu ngành dược cũng tập trung vào đề tài này: vào năm 2010, nhà độc học Yvonne Will và đồng nghiệp tại Pfizer in Groton, Connecticut, đã có một báo cáo về việc dò tìm tổn hại ty thể ở giai đoạn đầu trong phát triển thuốc. Họ đã tìm thấy một số kháng sinh ảnh hưởng đến các ty thể. Mỗi loại thuốc kháng sinh fluoroquinolones mà họ thử nghiệm về khả năng gây tổn hại ty thể trong các tế bào gan người - chứa những gì mà các nhà nghiên cứu cho là gây “ảnh hưởng trầm trọng” đến việc điều trị, dẫu cho Will đã thận trọng cho rằng không thể ngoại suy ra kết quả từ những tác động lâm sàng.
Các nhà khoa học và cộng đồng ngành dược vẫn chưa nhất trí về khả năng gây hại ty thể của kháng sinh, nhiều người vẫn cho rằng fluoroquinolones chỉ ảnh hưởng rất nhỏ đến DNA của người. Một vấn đề là vẫn chưa có chỉ thị sinh học nào đáng tin cậy để các nhà khoa học có thể dùng kiểm tra sự tổn hại ty thể lên con người hoặc fluoroquinolones gây tổn hại lên các tế bào con người như thế nào.
Phần lớn các nhà khoa học được Nature hỏi về thuốc fluoroquinolones đều cho rằng cần phải nghiên cứu nhiều hơn nữa để chúng ta hiểu cặn kẽ về những tác dụng phụ của nó. Nhưng công việc này cũng vấp phải nhiều khó khăn bởi nghiên cứu về dược phẩm đã lưu hành trên thị trường không nằm trong diện ưu tiên của các quỹ đầu tư cho nghiên cứu và các nhà sản xuất cũng không khuyến khích đổ tiền vào các nghiên cứu về sự an toàn của thuốc đã được chấp nhận lưu hành.
Ngoài ra, các nhà khoa học khá e ngại bị các công ty dược phẩm gây sức ép vì công bố các kết quả nghiên cứu này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ như trường hợp của Charles Bennett, nhà huyết học ở trường Dược thuộc Đại học Nam Carolina ở Columbia, Mỹ.