Chất lượng dược liệu, thuốc từ dược liệu, nhất là thuốc bắc đang rất đáng báo động do bị chiết xuất hoạt chất, bị làm giả, dùng sai chi, loài và tẩm hóa chất… Mặc dù sức khỏe người dân đang từng ngày, từng giờ bị ảnh hưởng bởi dược liệu “bẩn” nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng nói trên.
Hoạt chất là những chất có tác dụng chữa bệnh; khi dược liệu, vị thuốc đã mất hoạt chất sẽ không có tác dụng chữa bệnh. Hoạt chất lấy ra từ dược liệu được dùng để sản xuất thuốc; dược liệu chỉ còn lại bã, được những người buôn gọi là dược liệu “ rác”, dược liệu “bẩn”. Theo một người kinh doanh dược liệu lâu năm ở Hà Nội, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền được nhập về Việt Nam chủ yếu từ chợ dược liệu “ rác ” của Trung Quốc, sát với biên giới Lạng Sơn. Không ít doanh nghiệp chọn mua dược liệu “rác” thay vì chọn mua dược liệu bảo đảm chất lượng tại các nhà máy, vì giá rẻ, lợi nhuận cao. Dược liệu “ rác ” thì rẻ, dược liệu bảo đảm chất lượng thì đắt. Nhiều chuyên gia cho rằng, sử dụng thứ dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền “rác” đó, nguy cơ rước thêm bệnh rất cao. Để chiết xuất được hoạt chất, dược liệu bị ngâm trong dung môi, hóa chất. Khi hoạt chất tiết ra hết, dược liệu bị khô, dễ bị nấm mốc tiến công gây hỏng. Để bảo quản loại dược liệu “rác” sao cho lâu và có màu sắc tự nhiên, người bán thường xông, phun diêm sinh, lưu huỳnh, nhuộm phẩm mầu… Những thứ hóa chất, nấm mốc cộng thêm trong quá trình “tân trang” dược liệu rác âm thầm phá hủy cơ thể gây suy gan, thận khi sử dụng.
Vậy, điểm đến của dược liệu “bẩn”, dược liệu “rác” ấy ở đâu, những ai sẽ tiêu thụ chúng? Theo chân đoàn kiểm tra của Bộ Y tế tới các cơ sở kinh doanh dược liệu lớn trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, chúng tôi tận mắt chứng kiến dược liệu kém chất lượng được trà trộn, tập kết về các kho lớn, để sản xuất và cung ứng vào các bệnh viện, bán lẻ cho các cửa hàng kinh doanh, các phòng chẩn trị y học cổ truyền. Bước chân vào kho bảo quản dược liệu, chúng tôi luôn cảm thấy ngột ngạt, khó thở, thậm chí bị ngứa, dị ứng do nồng nặc mùi hóa chất và nấm mốc. Tại một cơ sở kinh doanh dược liệu lớn ở tỉnh Bắc Ninh, đoàn kiểm tra yêu cầu tiêu hủy 16 loại dược liệu bị mốc mọt, thối, đã bị chiết xuất hết hoạt chất như kinh giới, xạ đen, long nhãn, bột hoa hòe, a-ti-xô; năm dược liệu nghi ngờ về chất lượng như hòe hoa, thục địa, quế chi… phải niêm phong, gửi mẫu đi kiểm nghiệm. Chưa hết, những vị thuốc đắt đỏ như long cốt, nhũ hương, thỏ ty tử bị làm giả bằng xi-măng, đá trắng và được đóng gói, dán nhãn đàng hoàng, chờ mang đi chào thầu ở các bệnh viện. Quận 5, TP Hồ Chí Minh là khu vực kinh doanh tập trung dược liệu, nhiều cửa hàng để la liệt dược liệu, vị thuốc ở lối đi lại, thậm chí ngổn ngang ở khu vực nhà vệ sinh. Một cửa hàng bị phát hiện bán vị thuốc hoài sơn được làm giả bằng củ sắn. Chủ cửa hàng thừa nhận có biết dược liệu bị làm giả nhưng vẫn bán, đối tượng mua là các thầy lang ở địa phương lân cận, đem về kê đơn, bốc thuốc. Là người tham gia nhiều cuộc kiểm tra của Bộ Y tế về chất lượng dược liệu trên thị trường, PGS, TS Hoàng Minh Chung (giảng viên Trường đại học Y Hà Nội) cho biết, hầu như cơ sở kinh doanh nào cũng có những dược liệu bị nhuộm, chiết xuất hoạt chất, sai loài, vị thuốc bị trộn bột đá cho nặng. Những thứ dược liệu này không gây ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe ngay mà ngấm ngầm phá hủy sức khỏe, ảnh hưởng các cơ quan nội tạng, cho nên ít người cảnh giác, vẫn bỏ tiền mua “rác” về sử dụng.
Theo thống kê của Cục Quản lý y dược cổ truyền, có tới 95% số lượng dược liệu trên thị trường sẽ được chuyển đến các cơ sở sản xuất thuốc đông dược để làm nguyên liệu sản xuất thuốc. Số dược liệu này được mua lại từ các cơ sở buôn bán dược liệu tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội và một phần từ các doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp. Quá trình kiểm tra cho thấy phần lớn dược liệu tại các cơ sở buôn bán nói trên kém chất lượng, nhầm lẫn loài, do đó, nguyên liệu đầu vào của thuốc đông dược rất đáng lo ngại. 5% số lượng dược liệu còn lại được tiêu thụ tại các bệnh viện, phòng chẩn trị y học cổ truyền. Tại bệnh viện, chưa có cơ chế kiểm soát chất lượng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền hiệu quả. Lãnh đạo một bệnh viện y học cổ truyền cho biết, dược liệu, vị thuốc khi chào thầu vào bệnh viện phải có phiếu kiểm nghiệm đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, độ ẩm nhưng quá trình trúng thầu, cung cấp vào bệnh viện có thể bị “tráo” hàng kém chất lượng, phiếu kiểm nghiệm của một lô bị quay vòng sử dụng cho nhiều lô hàng. Trong khi đó, cán bộ dược của bệnh viện hạn chế về chuyên môn, chỉ kiểm tra bằng cảm quan, cho nên khó kiểm tra được chất lượng dược liệu. Đây cũng chính là bất cập, là kẽ hở để dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền “bẩn” lọt vào bệnh viện. Các cơ quan chức năng biết bất cập này nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Chất lượng dược liệu, vị thuốc tại các cơ sở bán lẻ, các phòng chẩn trị y học cổ truyền cũng bị thả nổi do các địa phương không đủ nhân lực để kiểm tra và không đủ năng lực để kiểm nghiệm.
Tháng 7-2015, Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) ban hành văn bản yêu cầu dược liệu nhập khẩu phải có giấy chứng nhận xuất xứ, chất lượng và sau đó ra quân kiểm tra thì nguồn dược liệu nhập khẩu về có chuyển biến về chất lượng. Nhiều doanh nghiệp, bệnh viện đã chú trọng đến chất lượng dược liệu, giảm tình trạng dược liệu bị chiết xuất hoạt chất. Tuy nhiên, đáng buồn là hiện tại, dược liệu “bẩn” đang quay trở lại. Theo Cục Quản lý y dược cổ truyền, tình trạng nhập lậu dược liệu kém chất lượng gia tăng, mỗi ngày có khoảng 50 tấn được đưa vào nội địa khiến hàng có chứng nhận xuất xứ, chất lượng bị “đánh bại”. Trước Tết Nguyên đán vừa qua, tại Hà Nội, cơ quan chức năng đã thu giữ 31 tấn dược liệu không có nguồn gốc xuất xứ đang lưu thông. Ngày 11-4 vừa qua, Công an huyện Gia Lâm thu giữ 5,3 tấn dược liệu. Cục Quản lý y dược cổ truyền cho biết, số lượng dược liệu nhập về bằng đường chính ngạch giảm sút rất nhiều so với năm ngoái, trong khi nhu cầu sử dụng trong nước không thay đổi. Từ tình hình nói trên đặt ra vấn đề: Phải chăng một số đơn vị kinh doanh dược liệu chỉ nhập một số lượng nhất định hàng bảo đảm chất lượng về trưng bày ở kho để đối phó các cơ quan kiểm tra; còn hàng lậu, hàng kém chất lượng vẫn bị trà trộn đem đi đấu thầu tại các cơ sở khám, chữa bệnh? Chủ một cơ sở kinh doanh dược liệu tiết lộ với chúng tôi: Đã có một số doanh nghiệp lách bằng “chiêu” nói trên.
Luật Dược đã có những quy định nhằm chặn dược liệu “bẩn” như: khi lưu hành phải được đóng gói, trên bao bì ghi nơi sản xuất, chất lượng, số lô, ngày đóng gói; dược liệu phải bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mức tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, giới hạn kim loại nặng… không được vượt mức quy định.
Kinh doanh dược liệu “rác” là hành vi kinh doanh hàng giả, có thể bị xử lý hình sự. Cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ “quản” được đường đi của dược liệu khi đơn vị nhập khẩu phải báo cáo số lượng dược liệu nhập khẩu, từ đó, có thể kiểm tra , đối chiếu số lượng ở những nơi tiêu thụ. Bà Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho rằng, khi Luật Dược (sửa đổi) có hiệu lực vào ngày 1-1-2017, tình trạng dược liệu “bẩn” sẽ được kiểm soát chặt chẽ, cơ quan quản lý sẽ có căn cứ, thẩm quyền để kiểm tra, xử phạt các đơn vị vi phạm. Tuy nhiên, bà Phương cũng cho rằng, để thị trường dược liệu hoạt động lành mạnh, chất lượng dược liệu bảo đảm cần có sự thực hiện trách nhiệm và phối hợp của các cơ quan như hải quan, quản lý thị trường, công an... Trước mắt, để ngăn chặn hàng kém chất lượng, cùng sự tăng cường kiểm tra, kiểm soát “đầu nguồn” nhập khẩu của cơ quan hải quan, thì cơ quan quản lý y tế cần kiểm tra ở “cuối nguồn” là các cơ sở khám, chữa bệnh, trả lại uy tín cho y học cổ truyền cũng như bảo đảm sự an toàn, sức khỏe cho người sử dụng.
Theo báo Nhân dân