Pháp luật quy định xử phạt như thế nào đối với những người kinh doanh sử dụng chất cấm này trong bảo quản, chế biến thực phẩm?
Chị Nguyễn Thị Thắm, trú tại TP Hà Tĩnh hỏi: Hiện nay, có nhiều người kinh doanh sử dụng hàn the để bảo quản, chế biến thực phẩm, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng. Vậy, xin hỏi pháp luật quy định xử phạt như thế nào đối với những người kinh doanh sử dụng chất cấm này trong bảo quản, chế biến thực phẩm?
Trả lời: Hàn the là chất bị Bộ Y tế cấm sử dụng làm chất phụ gia trong chế biến thực phẩm. Tên hóa dược của hàn the là Borax. Borax được sử dụng trong các loại chất tẩy rửa, xà phòng, chất khử trùng và thuốc trừ sâu, dùng làm men thủy tinh, men gốm và làm cứng đồ gốm sứ. Thế nhưng, hiện nay, hàn the lại đang được sử dụng rộng rãi trong chế biến và bảo quản thực phẩm.
Theo Điều 6, Nghị định 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, những vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm sẽ có mức phạt như sau:
Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng vượt quá giới hạn cho phép.
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng.
Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng.
Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng.
Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Phạt tiền từ 70-100 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại.
Phạt tiền bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 6 điều này nếu mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt quy định tại khoản 6 điều này thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm.
Hình thức xử phạt bổ sung: a) Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 2-3 tháng đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 điều này; b) Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 3-6 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 6 điều này. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 điều này.