Nhiều ý kiến đã kiến giải với NNVN trước câu hỏi: Làm gì để đẩy nhanh việc SX vacxin gia súc, gia cầm ngay trong nước./ Sản xuất vacxin nội địa: Việt Nam làm được tới đâu?
Giống vacxin đang là vấn đề đáng quan tâm để SX vacxin nội địa
TS. Nguyễn Hữu Vũ – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty Hanvet: Không thể là "phòng thực nghiệm vacxin cho TQ"
Là đầu mối của các bệnh gia súc, gia cầm nguy hiểm, nhưng mỗi khi có dịch, Trung Quốc (TQ) thường rất nhanh chóng có vacxin bung ra phục vụ phòng chống chứ không bị động, luôn chạy theo dịch như nước ta.
Thường họ rất mạnh dạn cho thử nghiệm chứ không quá cẩn trọng như Việt Nam (VN). Đơn cử như hồi dịch tai xanh bắt đầu nổ ra tại TQ, vacxin tai xanh của họ khi mới SX có thể nói chưa thực sự hoàn chỉnh và họ cũng có rất nhiều ý kiến tranh cãi. Tuy nhiên, TQ vẫn cho sử dụng vacxin này, có nơi không dập được dịch mà còn bùng thêm, nhưng cũng có nơi hạn chế, thậm chí dập được dịch.
Từ đó, họ có thêm cơ sở để hoàn thiện việc SX vacxin tai xanh hiệu quả về sau này. Trong khi đó, do không chủ động SX vacxin nên VN luôn phải NK và phụ thuộc vào nguồn vacxin của TQ, và đôi khi, chính VN cũng là một phòng thực nghiệm vacxin của TQ. Điển hình như vacxin tai xanh vô hoạt, giai đoạn đầu chúng ta cũng đã NK của TQ về dùng khá nhiều, nhưng thực sự không hiệu quả.
Hiện tại, VN đang ở giai đoạn khởi đầu tự chủ SX vacxin, tiềm lực còn rất hạn chế nên không thể đòi hỏi có được ngay vacxin hoàn hảo. Vì vậy, cơ chế của cơ quan quản lí nhà nước nên tạo điều kiện cho đơn vị nghiên cứu cũng như DN SX vacxin, không nên quá cầu toàn. Quy trình kiểm định chất lượng con giống, chất lượng vacxin, quy trình thử nghiệm... nên rút gọn tối đa có thể.
Chẳng hạn như con giống, Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc thú y là cơ quan nhà nước có uy tín đã đánh giá chất lượng con giống là tốt rồi, thì nên tạo điều kiện rút ngắn các quy trình thử nghiệm đánh giá khác, không nhất thiết phải qua quá nhiều đơn vị kiểm tra cấp phép nữa.
Chất lượng nguồn giống vô trùng, tinh khiết, không quay lại độc lực qua chứng minh 5 đời là được rồi, chứ cứ bắt phải thực hiện kiểm tra qua 10 đời thì bao giờ mới có vacxin để dùng?
Liên quan tới vấn đề giống vacxin, muốn có con giống tốt, đúng chủng để SX vacxin cho hiệu quả thì khi xác định virus đã biến chủng phải tung đội ngũ khoa học đi bắt giống ngay, và nhân giống phải thật nhanh trong vài tháng thôi mới mong có vacxin phòng chống dịch được, chứ “om” hàng năm trời mới có giống thì có khi virus thực địa đã biến chủng rồi. Có giống tốt rồi, lại phải giao cho đơn vị khoa học nào đủ năng lực kỹ thuật thực sự để giữ giống.
Nhiều đơn vị khoe rằng đang có giữ giống vacxin, nhưng có ai đảm bảo rằng con giống ấy đã tốt? Bởi có khi ban đầu tốt thật, nhưng giao cho đơn vị giữ giống không đúng quy trình, qua mấy năm giống không được nuôi và phục tráng, sau này lấy ra để SX vacxin, liệu nó có còn tính chất tốt như ban đầu được hay không?
Bên cạnh đó, hiện đang hình thành thị trường vacxin tư nhân hóa, và sẽ bắt đầu có việc mua – bán con giống nên không ngoại trừ một số đơn vị giữ giống chẳng chịu đưa giống tốt ra SX, vẫn cứ giữ giống khư khư phục vụ lợi ích riêng sau này.
Ông Hoàng Triều – Chủ tịch Hiệp hội SX, KD thuốc Thú y VN: Cục Thú y phải đứng ra mà "dẹp loạn"
Mỗi năm, chúng ta chi ngân sách hàng trăm tỉ đồng để NK vacxin, nhưng tôi chưa thấy ai công bố giá cả của vacxin NK về là bao nhiêu. Điều này khiến trong ngành thú y từng có những xì xào về việc vacxin SX tại TQ họ bán giá rất rẻ, nhưng lại được chỉ định cho một số Cty NK về với giá trên trời.
Bên cạnh đó, việc một số Cty được ưu tiên chỉ định NK, không thông qua đấu thầu giá NK cũng khiến một số DN không lọt vào diện được NK vacxin Dự trữ quốc gia (DTQG) phàn nàn ganh tỵ.
Vì vậy, việc NK vacxin theo diện phục vụ DTQG cần phải được minh bạch hóa, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN trong ngành thú y với nhau, góp phần từng bước nâng cao cạnh tranh trong nước sau này, một khi thị trường vacxin nội địa phát triển.
Về SX vacxin, với năng lực của các DN trong nước hiện nay, tôi cho rằng để SX được vacxin có chất lượng và hiệu quả cao là hoàn toàn nằm trong tầm tay, kể cả các bệnh khó cũng như loại vacxin nhược độc.
Tuy nhiên, con giống để SX vacxin đang là vấn đề đáng quan tâm. Hiện nay chúng ta có khá nhiều đơn vị giữ giống vacxin như Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc thú y TƯ, Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ, Viện Thú y, Phân viện Thú y Miền Trung... Kể cả một số DN hiện nay cũng giữ giống vacxin.
Tuy nhiên, lại chưa có đơn vị độc lập nào để đánh giá chất lượng vacxin. Các đơn vị quản lí nhà nước thuộc Cục Thú y vừa giữ giống, vừa đánh giá kiểm nghiệm chất lượng giống, vừa cấp phép, đăng ký SX lưu hành... nên chẳng khác gì vừa đánh trống, vừa thổi còi.
Giống vacxin liên quan tới vấn đề an ninh sinh học quốc gia, nên không thể đơn vị, DN nào muốn giữ giống cũng được, mà phải có quy định cụ thể đơn vị nào đủ thẩm quyền giữ giống, rồi đơn vị thứ ba độc lập hoặc hội đồng khoa học độc lập nào có khả năng đánh giá chất lượng giống trước khi đưa ra SX vacxin.
Đối với việc giữ giống, theo tôi chỉ có thể giao cho Viện Thú y là đơn vị khoa học hàng đầu đảm nhận việc đó là tốt nhất.
Về thương mại vacxin, hiện nay đang có thứ “quyền lực đen” ở địa phương, tới ngay cả Chi cục Thú y các tỉnh cũng có quyền “gác cửa”, có quyền cho hay không cho vacxin nào đó vào địa bàn tỉnh. Cái này Cục Thú y phải đứng ra mà "dẹp loạn", chấn chỉnh lại, nếu không, khi thị trường vacxin tư nhân chúng ta ra đời trong nay mai, sẽ hết sức méo mó.
Ông Nguyễn Hồng Minh – Phó Giám đốc Cty Vetvaco: Bản quyền vacxin còn lấn cấn
Việc chuyển giao bản quyền kết quả nghiên cứu vacxin từ đơn vị khoa học tới DNSX vacxin cần có cơ chế đặc thù. Bởi khác với việc mua bán bản quyền giống cây trồng hiện đã hình thành thị trường khá sôi động, việc mua bán, chuyển giao bản quyền giống vacxin tới nay lại chưa có tiền lệ.
Các đơn vị, DN đã và đang SX vacxin như Cty Navetco, Phân viện Thú y Nha Trang... đều có nguồn giống do chính họ nghiên cứu rồi đưa ra SX mà thôi.
Về phương diện kinh tế, đối với giá trị chuyển giao giống cây trồng như giống lúa chẳng hạn, sau khi đi vào SX thường có giá trị kinh tế rất lớn nên giá trị bản quyền giống cũng rất lớn.
Trong khi đó, một liều vacxin như vacxin cúm gia cầm, theo tính toán chi phí SX đã tới hơn 300 đồng/liều, trong khi bán ra chỉ có khoảng 350 đồng/liều nên lời lãi chẳng đáng là bao, chưa kể tới việc phải khấu trừ chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu.
Thiết nghĩ, bản quyền vacxin không chỉ phục vụ cho ý nghĩa kinh tế như giống cây trồng, mà vai trò lớn hơn là còn phục vụ cho an ninh dịch bệnh quốc gia nên không thể buông ra để DN SX vacxin và đơn vị nghiên cứu vacxin sòng phẳng trả giá theo kiểu mua – bán, mà phải có cơ chế hỗ trợ nào đó của nhà nước.
Chúng tôi đang có kế hoạch tiếp nhận vacxin CGC chủng mới do Viện Thú y vừa nghiên cứu và rất tin tưởng về chất lượng vacxin này, nhưng cơ chế chuyển giao giữa Viện Thú y và Cty Vetvaco cũng đang còn nhiều lấn cấn.
(Ông Bạch Quốc Thắng – PGĐ Cty CP Thú y xanh VN)
"Là một DN chuyên NK vacxin nhưng chúng tôi rất ủng hộ chủ trương SX vacxin nội địa, bởi xét cho cùng sau bao nhiêu năm kinh doanh vacxin NK, tôi thấy cuối cùng chỉ béo cho các ông SX vacxin nước ngoài. Nếu làm được vacxin nội địa, giá vacxin trên thị trường sẽ lập tức rẻ hơn ít nhất 30% so với hiện nay.
Vấn đề khó khăn nhất cho DN SX vacxin trong nước bây giờ là kinh phí đầu tư cho NM, công nghệ để SX vacxin sẽ rất lớn. Điều này sẽ khiến DN trong nước ở giai đoạn đầu buộc phải khấu trừ đầu tư cơ bản vào giá vacxin, và khiến giá vacxin nội địa khó cạnh tranh được với vacxin NK vốn đã ăn sâu bám rễ lâu nay ở thị trường VN.
Vì vậy, tôi nghĩ nhà nước nên cho DN trong nước vay vốn không lãi suất để đầu tư NM cũng như duy trì hoạt động SX, kinh doanh trong những năm đầu vacxin của họ tham gia thị trường."
Theo Hội Thú y Việt Nam