Ngày 25/12, Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế tổ chức Hội nghị giao ban công tác Dược, Mỹ phẩm năm 2015. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, điểm nổi bật trong năm 2015 trong triển khai tiêu chuẩn thực hành tốt (GPs) của ngành dược là có thêm 20 nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO-GMP) và nhiều nhà máy sản xuất thuốc tân dược đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc theo Liên minh châu Âu (EU-GMP) và theo Hệ thống hợp tác thanh tra dược phẩm (GMP-PIC/s)
Bộ Trưởng Bộ Y Tế, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, TS Trương Quốc Cường- Cục trưởng Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế đưa ra thông tin, trong năm 2015, tiền thuốc bình quân đầu người mà người dân Việt chi để mua thuốc là 37,97 USD/năm. Bên cạnh đó, qua thống kê kết quả trúng thầu của 68 bệnh viện, Sở Y tế, năm 2015, tỷ lệ thuốc biệt dược gốc chiếm tới 40%, thuốc Việt chiếm 29% và tỷ lệ thuốc nhóm I chiếm khoảng 25%. Tuy nhiên ông Cường cũng thừa nhận hiện tỷ lệ thuốc Việt Nam được sử dụng trong các bệnh viện còn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn. Cụ thể tại các bệnh viện tuyến trung ương chỉ chiếm có 11,66%; tuyến tỉnh chiếm 38,35%. Các loại thuốc có nhu cầu sử dụng nhiều nhất trong năm 2015 là các loại thuốc kháng sinh, hạ nhiệt, giảm đau, chống viêm, vitamin, thuốc bổ…
Thông tin về công tác thanh, kiểm tra chất lượng thuốc năm 2015, TS Trương Quốc Cường cho biết, Cục Quản lý Dược đã triển khai được 23 đoàn thanh, kiểm tra 108 cơ sở trong đó xử phạt hành chính 87 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 4 tỷ đồng Việt Nam và hơn 60.000 USD. Ông Cường thông tin: Tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở mức 2,3%, giảm 0,08% so với tỷ lệ 2,38% so với năm 2014.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, trong năm 2015 Cục Quản lý Dược triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý giá thuốc, thị trường dược phẩm cơ bản được bình ổn, giá thuốc Việt Nam (bao gồm biệt dược gốc) thấp hơn so với các nước trong khu vực. Các quy định mới về đấu thầu thuốc đã giúp cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo cạnh tranh công bằng, minh bạch trong công tác đấu thầu. Theo kết quả trúng thầu của 26 Sở Y tế, bệnh viện và viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, trị giá tiền mua thuốc đã tiết kiệm được 35,5% so với quy định cũ và giá thuốc sẽ tiếp tục giảm sau khi triển khai các quy định của Luật Đấu thầu. Tuy nhiên theo Bộ trưởng, bên cạnh những thành tựu đã làm được trong năm 2015, ngành Dược Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn cần phải nỗi lực hơn nữa để giải quyết trong thời gian tới. Theo đó trong năm 2016, Bộ trưởng yêu cầu ngành Dược cần xác định hướng trọng tâm công tác lớn của ngành, của địa phương để đề xuất các biện pháp, giải pháp với Chính phủ, với Bộ, hay UBND thành phố để hỗ trợ ngành phát triển. Trong đó tập trung nhất là hoạt động sửa đổi Luật Dược và triển khai chiến lược quốc gia phát triển ngành dược một cách sâu rộng, toàn diện tại các địa phương, đơn vị.
www. suckhoedoisong.vn