Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vừa ban hành quy định mới nhằm thắt chặt vệ sinh an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu.
Theo đó kể từ ngày 17/9 tới, các doanh nghiệp đang xuất khẩu thực phẩm và đồ uống cho người và động vật vào thị trường Mỹ buộc phải xây dựng và triển khai Chương trình Hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm ngay tại cơ sở sản xuất của mình.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Washington, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ, ông Đào Trần Nhân cho biết quy định này yêu cầu các cơ sở sản xuất phải có nhân viên đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn để xây dựng và triển khai chương trình hành động theo đúng yêu cầu của FDA.
Đối với mỗi sản phẩm cần xác định rõ các thông tin về mô tả sản phẩm như thành phần, quy trình sản xuất, đóng gói, lưu trữ, phân phối và vận chuyển, cũng như thời hạn và mục đích sử dụng của sản phẩm, đối tượng khách hàng...
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần xác định vòng đời của sản phẩm ngay từ khi bắt đầu quy trình sản xuất cho đến khi vận chuyển hoặc giao hàng thành phẩm. Cơ sở sản xuất phải đánh giá các nguy cơ trong quá trình sản xuất, bao gồm các nguy cơ về sinh học, hóa học (trong đó có việc chiếu xạ) và tự nhiên, từ đó xác định các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát ở tất cả các khâu.
Các doanh nghiệp cũng phải đề xuất các biện pháp khắc phục khi việc kiểm soát phòng ngừa không được tiến hành đúng quy trình, sản phẩm bị ảnh hưởng do mất kiểm soát hoặc do giả mạo hay sai nhãn mác. Ở mức độ tối thiểu, các sản phẩm bị ảnh hưởng phải bị cách ly trong lúc tiến hành các biện pháp khắc phục, hiệu chỉnh.
Các doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra các thiết bị đo đạc, rà soát hồ sơ để đảm bảo Chương trình Hành động về an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện đúng đắn và thích hợp nhất. Chủ cơ sở sản xuất, người vận hành, hay cá nhân chịu trách nhiệm phải xác nhận chắc chắn việc giám sát đang được quản lý tốt, đồng thời cũng phải xác nhận rằng những quyết định hợp lý để sửa chữa khắc phục đã được đưa ra để triển khai.
Theo quy định mới của FDA, khi có sản phẩm bị lỗi, doanh nghiệp phải có kế hoạch thu hồi theo đúng thủ tục như: trực tiếp thông báo cho người nhận hàng về sản phẩm bị thu hồi, trực tiếp thông báo cho công chúng, đồng thời kiểm tra để xác minh rằng việc thu hồi được thực hiện và có biện pháp thích hợp để xử lý các sản phẩm bị thu hồi. Chương trình hành động về an toàn vệ sinh thực phẩm phải được đánh giá, phân tích lại và cập nhật thường xuyên ít nhất 3 năm một lần và phải được lưu trữ tại cơ sở sản xuất để luôn sẵn sàng cung cấp cho FDA khi có yêu cầu.
Các chuyên gia đánh giá đây là quy định bắt buộc mới của FDA. Các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thực phẩm và đồ uống của Việt Nam vào thị trường Mỹ cần cập nhật và triển khai thực hiện kịp thời, tránh để sản phẩm bị ách lại do không đáp ứng quy định mới của phía Mỹ về vệ sinh an toàn thực phẩm, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.