Một số tỉnh đang đẩy mạnh phát triển ngành dược tiềm năng của địa phương mình để thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam.
Vùng trồng cây Dược liệu - Ảnh minh họa
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2020, 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%...
Bắc Giang phát triển mạng lưới sản xuất thuốc
Để triển khai hiệu quả chiến lược trên, tỉnh Bắc đã củng cố và phát triển mạng lưới cung ứng, sản xuất thuốc; tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực dược; đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc thiết yếu, thực hiện sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; tăng cường sử dụng thuốc sản xuất trong nước thay thế thuốc nhập ngoại; đảm bảo chất lượng thuốc, chú trọng thực hiện công tác thông tin thuốc, dược lâm sàng; quan tâm phát triển thuốc y học cổ truyền.
Hà Giang - “Vương quốc” cây dược liệu
Trong vòng 12 năm, từ 2013 - 2025, tỉnh Hà Giang cũng sẽ đầu tư gần 7 nghìn tỷ đồng thực hiện chiến lược phát triển cây dược liệu. Tỉnh xác định, đến năm 2015, diện tích cây dược liệu đạt gần 15.000 ha, con số này tăng lên 22.000 ha vào giai đoạn 2020 - 2025. Đặc biệt, đến năm 2025, Hà Giang sẽ trở thành “vương quốc” cây dược liệu, địa phương sản xuất dược liệu lớn nhất vùng Đông Bắc, chế biến các loại dược liệu sạch, đồng thời thu hút du khách với mục đích vừa du lịch, vừa chữa bệnh và thưởng thức ẩm thực từ dược liệu. Chiến lược phát triển cây dược liệu sẽ tạo thêm việc làm, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân...
Quảng Ninh: 186 trạm y tế đều có vườn thuốc nam
Tỉnh cũng đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để bảo tồn, phát huy các loại thuốc quý trên địa bàn. Tỉnh đã kêu gọi, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, địa phương phát triển, nuôi trồng dược liệu. Hiện đã có một số doanh nghiệp, cá nhân đầu tư mô hình trồng cây thuốc trên địa bàn tỉnh để cung cấp cho thị trường và bước đầu cho hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh còn đầu tư mở rộng, xây dựng các trạm y tế xã theo chuẩn quốc gia, trong đó có đầu tư, nâng cấp các vườn thuốc nam tại trạm. Đến nay, cả 186 trạm y tế trên địa bàn tỉnh đều có vườn thuốc nam với 40 loại cây theo quy định của Bộ Y tế.
Theo quy hoạch của tỉnh, đến năm 2020, tất cả các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện trên địa bàn đều có khoa y học cổ truyền, 100% trạm y tế tuyến xã có bộ phận khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và 100% các cơ sở y học cổ truyền được đầu tư, bổ sung trang thiết bị phục vụ việc khám, chẩn đoán, điều trị hoặc sản xuất, bào chế thuốc y dược cổ truyền. Tỉnh cũng phấn đấu có 1 nhà máy đạt tiêu chuẩn sản xuất nguyên liệu thuốc từ dược liệu…
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ