Hiện nay, thị trường sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng đang phát triển mạnh đã góp phần đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Bên cạnh mặt tích cực đó, thị trường này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phương hại đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng nếu cơ quan chức năng không quản lý và giám sát chặt chẽ.
Là thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389/ĐP) tỉnh, thời gian qua, Sở Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm siết chặt quản lý và phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngoài tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hàng năm, ngành Y tế đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các chủ doanh nghiệp, cơ sở đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay đã tổ chức được 4 lớp tập huấn ở 4 huyện cho 800 người, qua đó nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức trách nhiệm của các đối tượng trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực y dược.
Thực tế hiện nay, người dân đến các cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc tân dược, thậm chí ra chợ cũng có thể mua được các loại thuốc. Song họ lại không rõ những loại thuốc mình mua có nguồn gốc xuất xứ, tính năng tác dụng, liều lượng dùng, giá thành của từng loại thuốc như thế nào. Chính điều này dẫn tới tình trạng các đối tượng kinh doanh dược phẩm tiêu thụ hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tăng giá một cách vô lối gây thiệt hại về tiền bạc và đe dọa đến sức khỏe của người dân. Trong lĩnh vực mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, tình trạng người bán không có kiến thức nghiệp vụ, không đủ điều kiện kinh doanh vẫn còn xảy ra; người tiêu dùng sử dụng không theo chỉ dẫn, khuyến cáo của bác sĩ tiềm ẩn rủi ro cho sức khỏe của họ và vô tình tiếp tay cho đối tượng kinh doanh tiêu thụ hàng giả, hàng lậu. Ông Ngô Quốc Thịnh, Trưởng phòng Thanh tra, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế) cho biết: Đối với loại thực phẩm chức năng, phần lớn được bán tại các cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc nên việc quản lý, kiểm tra, giám sát cũng thuận lợi. Nhưng hiện nay, thực phẩm chức năng còn được lưu thông trên thị trường qua mua bán trên mạng Internet và một số đối tượng hoạt động với danh nghĩa dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp khiến cho công tác quản lý của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.
Để khắc phục những bất cập đó và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Sở Y tế đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trong ngành tập trung triển khai công tác thanh tra, kiểm tra. Tính đến ngày 15/10/2019, Sở Y tế đã tổ chức kiểm tra 184 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy chưa ghi nhận vụ việc nào vi phạm buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả, song lực lượng chức năng đã phát hiện 2 vụ vi phạm liên quan đến điều kiện sản xuất, kinh doanh, xử phạt nộp ngân sách nhà nước 45 triệu đồng.
Nhằm quản lý tốt hơn thị trường y dược, Sở Y tế chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng: Sở Công Thương, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Chi cục Hải quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Chia sẻ thông tin, phối hợp tiến hành kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y dược.
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế) cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 2 doanh nghiệp sản xuất thuốc, 35 doanh nghiệp và chi nhánh kinh doanh thuốc và 987 cơ sở kinh doanh thuốc. Trong 9 tháng đầu năm nay, đơn vị đã tiếp nhận 16 công văn thu hồi thuốc, mỹ phẩm không được phép lưu hành và thông báo đến tất cả các cơ sở y tế và công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế. Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm được đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc; phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025. Đến hết quý III/2019, Trung tâm đã tiến hành kiểm tra, giám sát 812 mẫu, phát hiện 19 mẫu không đạt chất lượng. Nhờ công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ nên thị trường dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên địa bàn tỉnh không bị xáo trộn, chưa xảy ra tiêu cực, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Mặc dù ngành Y tế đã quản lý và kiểm soát tốt nhưng dự báo, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực y dược vẫn tiếp tục là vấn đề xã hội phức tạp với phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, diễn ra thường xuyên ở tất cả các sản phẩm y dược. Sự bùng nổ của công nghệ và thương mại điện tử là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng vi phạm luồn lách, né tránh sự quản lý của cơ quan chức năng và trục lợi người tiêu dùng. Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Thanh Hải cho biết thêm: Ngoài triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch năm 2019, những tháng cuối năm và thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung tuyên truyền và huy động sự tham gia tố giác, phát hiện của người dân đối với các hành vi vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y dược để cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt, kiểm tra, xử lý. Huy động lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành và hậu kiểm các sản phẩm y dược, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Sở Y tế tiếp tục đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại thuộc lĩnh vực y dược đủ mạnh về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Nguồn: baothaibinh.com.vn