Đó là đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại buổi họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dược (sửa đổi) chiều 18/9.
Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo tại phiên họp
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân. Sản xuất thuốc ở trong nước mới đáp ứng được 50% nhu cầu, riêng nguyên liệu, bao bì sử dụng để sản xuất thuốc trong nước vẫn phải nhập tới 90% từ nước ngoài.
Thực tế trên khiến giá thuốc trong nước phụ thuộc nhiều vào thị trường nguyên liệu và giá thuốc quốc tế. Cũng theo Bộ trưởng Tiến, Việt Nam hiện có hơn 25.000 mặt hàng thuốc, với gần 1.000 hoạt chất, mỗi hoạt chất lại có rất nhiều chủng loại, hàm lượng, quy cách đóng gói, dạng bào chế, nhà sản xuất khác nhau nên việc xác định mức giá tối đa cho tất cả các mặt hàng là “không khả thi”.
Từ thực tế đó, dự thảo Luật Dược (sửa đổi) lần này quy định việc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch giá thuốc khi lưu hành thuốc trên thị trường. Ngoài thực hiện đấu thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu và pháp luật về dự trữ quốc gia, các mặt hàng thuốc cũng phải kê khai giá trước khi lưu hành trên thị trường.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, dự thảo luật chưa làm rõ được tiêu chí để đảm bảo tính khả thi đối với việc thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi có biến động bất thường về giá, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế- xã hội theo quy định tại Luật Giá. Bà Mai đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể tiêu chí này trong dự thảo luật, làm cơ sở để Nhà nước can thiệp khi giá thuốc có biến động bất thường.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt câu hỏi: Khi cơ chế quản lý giá có điều chỉnh thì nhà nước sẽ can thiệp như thế nào để đảm bảo giá thuốc không tăng đột biến? Trước sự ảnh hưởng, tác động đến đời sống kinh tế - xã hội, ông Lưu yêu cầu phải quy định về mặt nguyên tắc vào trong luật, để khi có biến động giá sẽ kiểm soát được, từ đó mới giao Chính phủ quy định cụ thể.
Phải có tầm nhìn
Phản ánh thực trạng điều kiện hành nghề, kinh doanh, lưu hành thuốc… thủ tục còn rườm rà, nhiêu khê, song theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dự thảo luật lại chưa có đổi mới, cải cách khi có quy định cần thời gian tới 18 tháng. Không thể chấp nhận điều này, bà Ngân yêu cầu phải rà soát lại, quy định cho đúng với các cam kết hội nhập quốc tế.
Đặt ra câu hỏi, liệu sau khi luật sửa đổi, ngành Dược Việt Nam có đảm bảo phát triển bứt phá không? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, ngành Dược trong 10 năm qua không có bứt phá gì khi 90% nguyên liệu vẫn nhập khẩu. Công nghệ sản xuất thuốc còn lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thuốc là mặt hàng không cấm, do vậy khi sửa đổi Luật Dược phải mở ra cơ hội làm ăn cho mọi người, từ trồng nguyên liệu, sản xuất đến chế biến thuốc. “Luật có đảm bảo như thế không? “Ôm” của người ta 18 tháng mới cấp giấy phép, trong khi bây giờ người ta chỉ một ngày đã cấp giấy phép làm ăn rồi. Tôi còn chưa kể phí, rồi tiêu cực nằm trong đó”, Chủ tịch Quốc hội nói và yêu cầu phải tạo điều kiện thông thoáng để việc sản xuất kinh doanh thuốc được dễ dàng.
Mặt khác, ngành Dược cũng cần tận dụng tối đa những thành tựu khoa học tiến bộ trên thế giới. “Ở đâu có thuốc tốt thì ta hợp tác với họ, mua về cho dân dùng, rồi mua công nghệ đó về áp dụng. Nhưng tôi chưa thấy được điều này. Không có ngành nào ở nước ta lại phát triển chậm như ngành Dược”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng là phải xây dựng nền sản xuất dược phẩm có tầm nhìn, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, buôn bán thuốc trên cơ sở áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật. Bộ Y tế phải tập trung nghiên cứu, khắc phục được những tồn tại của ngành Dược trong 10 năm qua.
Theo Báo Tiền Phong