Người dân được lợi gì từ Luật Dược sửa đổi?
Tin tức từ Quốc hội sáng 19/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có đánh giá về Luật Dược (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua.
Bên hành lang Quốc hội, chia sẻ với phóng viên, Bộ trưởng Y tế nói: "Luật dược mới công khai minh bạch theo các luận hiện hành là Luật về giá, Luật Đấu thầu và các nghị định hướng dẫn về đấu thầu thuốc mà Chính phủ đã ban hành.
Theo đó, việc đấu thầu thuốc sẽ có một số vấn đề chính sửa đổi như ưu tiên thuốc gốc, thuốc nội; đấu thầu tập trung ở cấp quốc gia, một số thuốc tập trung ở cấp tỉnh. Sẽ có hình thức mới là đàm phán giá và danh mục thuốc sản xuất trong nước, có những thuốc phân quyền để đấu thầu tập trung ở địa phương.
Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm về quản lý giá trước Chính phủ tuy nhiên cũng sẽ có sự phân công rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan".
“Luật sửa đổi sẽ khắc phục được sự chênh lệch giá quá lớn giữa các địa phương; không có tình trạng kê khai giá cao quá mức; công khai minh bạch, tập hợp đảm bảo cung ứng đủ thuốc chất lượng với mức giá cả chấp nhận được, nó cũng đảm bảo hội nhập được với các nước về quy trình quản lý giá và đấu thầu thuốc”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Người dân sẽ được lợi gì từ Luật Dược sửa đổi này?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Đương nhiên, luật sửa đổi ban hành sẽ khắc phục luật cũ và thích ứng với thị trường mới.
Doanh nghiệp sẽ được đơn giản hóa các thủ tục, người dân được tiếp cận dễ dàng hơn với thuốc mới, thuốc tốt, giá cả hợp lý hơn.
Thuốc sử dụng sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, chống kháng thuốc.
Công nghiệp dược, đặc biệt là thuốc từ dược liệu, thuốc đông y, thuốc nội sẽ được khuyến khích phát triển”.
Nỗi lo kháng thuốc
Liên quan đến hiện tượng mua thuốc quá dễ dàng như mưa rau ngoài chợ, mua thuốc ở hiệu thuốc không cần hóa đơn, giá thuốc ở các quầy thuốc khác nhau, chênh lệch nhau, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói:
“Đúng là hiện nay có tình trạng mua thuốc không cần đơn tại tất cả các hiệu thuốc. Mặc dù luật năm 2005 đã quy định bán thuốc kê toa và cấm mua thuốc các hiệu không có toa, có quy định quy tắc thực hành tại các nhà thuốc.
Tuy nhiên, nguyên nhân toa thuốc tràn lan, người dân tự thực hiện mua thuốc không ghi toa là do người dân họ đơn giản, không muốn đi khám bệnh. Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa thể bao phủ được tận hết người dân. Do đó, người dân khi có bệnh thường đến tiệm thuốc tự mua.
Thứ hai là quy định các nhà thuốc đạt chuẩn thực hành tốt bán hàng tốt nhưng lại không thực hiện nghiêm luật là phải bán hàng theo toa.
Thứ ba là do các cán bộ y tế, thầy thuốc ghi toa một cách tương đối dễ dàng. Nguy hiểm nhất trong trường hợp này là dẫn đến tình trạng kháng thuốc, kháng kháng sinh thời gian qua gây bức xúc dư luận”.
“Bộ Y tế cũng sẽ vào cuộc mạnh mẽ và trong thời gian tới. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế tiếp tục ban hành những quy định về vấn đề bán thuốc cần có toa ở các quầy thuốc bán lẻ. Kiểm tra gắt gao, chỉ đạo các địa phương, các sở y tế, các cơ quan thanh tra chức năng thanh tra các cơ sở bán thuốc lẻ và tuyên truyền người dân phải mua thuốc theo đơn, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đặc biệt là tình trạng kháng kháng sinh”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Thuốc giả là hiểm họa
Phóng viên đặt câu hỏi về tình trạng thuốc giả tràn lan hiện nay, khó phân biệt khi thật giả lẫn lộn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Thuốc giả là vấn đề tồn tại mà nước nào cũng có. Tuy nhiên, qua tiền kiểm và hậu kiểm, Bộ Y tế phát hiện rằng, thuốc giả của chúng ta thấp hơn so với quy định của tổ chức quốc tế.
Vấn đề kiểm soát, chống hàng giả, hàng nhái vừa là trực thuộc Bộ Y tế nhưng còn nhiều bộ, ban ngành khác ví dụ như hiện nay có Ủy ban Quốc gia 389 về phòng chống hàng giả hàng nhái, hàng buôn lậu, kết hợp các bộ như Bộ Công an, Bộ Công Thương, đặc biệt là địa phương và người dân để giám sát và phát hiện các cơ sở sản xuất thuốc giả cũng như đưa nguồn thuốc giả từ ngoài vào lưu hành trong nước.
Hiện nay, nếu nói rất nhiều thuốc giả thì không hẳn, tổ chức Y tế Thế giới đã từng đánh giá Việt Nam là một trong những nước kiểm soát chặt chẽ thuốc giả và thuốc kém chất lượng, tỷ lệ thấp so với các nước.
Tuy nhiên, thuốc giả là một hiểm họa và Bộ Y tế vẫn đang tích cực vào cuộc, chủ yếu là thanh tra, kiểm tra. Vừa rồi đã rút giấy phép ngừng lưu hành một số thuốc và xử phạt khá nặng việc sản xuất thuốc giả.
Tuy nhiên, sản xuất thuốc giả nói chung cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan ban ngành, thanh tra đột xuất thanh tra định kỳ, thanh tra phối hợp liên ngành để phát hiện và xử phạt, rút giấy phép hoàn toàn, ngưng hoạt động của cơ sở đó và thông báo rộng rãi trên thông tin đại chúng”.
Dương Thu