Theo Cục Quản lý Dược, ngành dược sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong vòng 5 năm tới và đạt quy mô 7,7 tỷ USD vào năm 2021.
Điều này đã lý giải vì sao đã có thêm nhiều doanh nghiệp, không chỉ trong nước mà ngay cả doanh nghiệp nước ngoài đã và đang gia nhập sâu rộng hơn vào thị trường dược phẩm, cụ thể là phân khúc nhập khẩu.
Điều kiện nhập khẩu dược phẩm ngặt nghèo
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Nghị định 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược. Liên quan đến hoạt động phân phối dược phẩm, mặc dù Nghị định 54 cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu song lại có điều kiện hạn chế đi kèm.
Cụ thể, tại Khoản 10, Điều 91 Nghị định 54 quy định, các cơ sở có quyền nhập khẩu nhưng không được thực hiện quyền phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam; Không được thực hiện các hoạt động liên quan trực tiếp đến phân phối thuốc tại Việt Nam, trừ thuốc, nguyên liệu làm thuốc do chính cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Với quy định này, vào thời điểm đó hoặc sau này, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đều lựa chọn cách hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để phân phối dược phẩm.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội cũng công bố thông tin về việc tham gia vào lĩnh vực phân phối dược phẩm, thực phẩm chức năng, có thể kể tới như Thế Giới Di Động, Thế Giới Số hay Nguyễn Kim…
Mở rộng cửa nhập khẩu dược phẩm, gia tăng quyền lợi của người tiêu dùng
Vừa qua, Sanofi là tập đoàn sản xuất dược phẩm đa quốc gia dựa trên nghiên cứu và phát triển đầu tiên tại Việt Nam đủ điều kiện nhập khẩu thuốc trực tiếp. Cụ thể, Bộ Y tế vừa có quyết định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược cho phạm vi nhập khẩu thuốc theo Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08-5-2017 của Chính phủ cho Công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam (Sanofi Việt Nam).
Điều này đã mở ra kỳ vọng giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng, từ đó giúp giảm thiểu thời gian sản phẩm đến tay khách hàng, giảm thiểu hiện trạng đứt hàng và gia tăng chất lượng kiểm soát hàng hóa.
Cơ hội này được nhìn nhận là bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển tại Việt Nam, theo ông Haissam Chraiteh – Tổng Giám đốc Sanofi Đông Dương cho biết sau hơn 50 năm có mặt tại Việt Nam, doanh nghiệp đã từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất hiện đại để đáp ứng quy trình sản xuất và bảo quản hơn 150 loại sản phẩm kê toa, không kê toa và vắc xin. Việc được công nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc là cơ hội để Sanofi kiện toàn năng lực để gia tăng hiệu quả trong tất cả các hoạt động kinh doanh, tiếp thị, thương mại…, từ đó góp phần cải thiện điều kiện chăm sóc y tế cho người dân Việt Nam.
Mở đầu cho việc hiện thực hóa quy trình nhập khẩu trực tiếp, Sanofi đã nhập khẩu 03 lô hàng gồm vắc-xin viêm màng não mô cầu, siro ho long đờm cho trẻ em và thuốc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Đây cũng là lần đầu tiên đơn vị này giới thiệu Kho lưu trữ và bảo quản thuốc đáp ứng tiêu chuẩn “Thực hành tốt bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc” (GSP) tại Quận 9, TPHCM.
Thông tin từ Cục Quản lý dược, ngành Dược sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong vòng 5 năm tới và đạt quy mô 7,7 tỷ USD vào năm 2021. Việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện quyền nhập khẩu thuốc sẽ giúp người bệnh tại Việt Nam có cơ hội tiếp cận các sản phẩm - dịch vụ y tế chất lượng cao.
Điều này cũng cho thấy, trường y tế đang tạo ra nhiều cơ hội mới và tạo sức hút cho các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành viên của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với ASEAN, CPTPP và gần đây nhất là EVFTA.
Nguồn: dantri.com.vn