Các quốc gia trên thế giới liên tục phát hiện chất độc nguy hiểm trong thuốc Đông y Trung Quốc.
Theo Business Insider, Đông y Trung Quốc sử dụng nguyên liệu chính là thảo dược. Tại Australia, chúng được bào chế thành dạng viên hoặc bột, do đó, không thể dùng mắt thường nhận biết từng loại thành phần trong đó. Ngoài ra, nhiều loại thảo dược cũng không có các thành phần hóa học nhận dạng đặc trưng.
Nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học ở Đại học Curtin, Murdoch và Adelaide thực hiện, được công bố trên tạp chí Nature Scientific cho thấy, họ đã phải mất rất nhiều thời gian kết hợp với phương pháp dùng kỹ thuật khối phổ (MS) tiên tiến mới phân tích được thành phần một số loại thuốc Đông y Trung Quốc phổ biến tại Australia.
Họ phân tích các mẫu thuốc theo ba yếu tố: ADN, độc tố và xét nghiệm kim loại nặng, để làm sáng tỏ thành phần phân tử của 26 loại thuốc Đông y Trung Quốc (TCM) ngẫu nhiên ở thị trường thuốc tại Adelaide, phổ biến là thuốc chữa cảm lạnh, cảm cúm hoặc thuốc bổ nói chung.
Bảng tóm tắt các thành phần nhiễm khuẩn trong thuốc Đông y Trung Quốc cho thấy, có nhiều kim loại nặng, thành phần ADN không rõ hoặc bất hợp pháp không được liệt kê.
Gần một nửa số mẫu thuốc này không được Cơ quan Quản lý Y tế Australia (TGA) cấp phép và cấm bày bán. Chất gây ô nhiễm cũng được phát hiện trong danh sách thuốc đã được Cơ quan Quản lý Y tế Australia cấp phép.
ADN thực vật hoặc động vật của nhiều loài không nằm trong nhãn đăng ký như báo tuyết (động vật xếp vào nhóm nguy cấm), rắn hổ lục, ếch, chuột, mèo và chó… Ngoài ra, nhiều dược phẩm như paracetamol, thuốc kháng histamin, chống viêm, hay chất kích thích như pseudoephedrine cũng được tìm thấy. Đáng chú ý nhất là các loại chất kháng đông như warfarin – thuốc dùng dưới sự giám sát đặc biệt của cơ quan y tế, nếu không sẽ gây tổn hại lâu dài đến cơ thể và ephederine – chất bị cấm ở Australia, cũng được tìm thấy.
Cũng theo Business Insider, Cơ quan Thực phẩm Quốc gia Thụy Điển (NFA) đã từng thông báo phát hiện hàm lượng thạch tín rất cao trong thuốc Đông y giải độc của Trung Quốc. Theo kết luận của NFA, loại thuốc này có thể gây ung thư, ảnh hưởng tới hệ thần kinh, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong khi sử dụng.
Chuyên gia về độc tố của NFA nhấn mạnh rằng: “Với liều lượng khuyên dùng trên toa thuốc hàng ngày sẽ đưa vào cơ thể người sử dụng lượng thạch tín vô cơ, tương đương với 1/2 liều có khả năng gây tử vong. Do đó, những người uống loại thuốc này chỉ trong thời gian ngắn sức khỏe sẽ bị suy kiệt nghiêm trọng”.
Bên cạnh đó, các Cơ quan Quản lý Y tế ở châu Âu cũng lên tiếng cảnh báo, một số loại thuốc Đông y của Trung Quốc có chứa hàm lượng chì, thủy ngân và thạch tín vượt ngưỡng cho phép.
Cơ quan điều phối thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) của Anh các buộc, các loại thuốc Đông y không đạt chuẩn của Trung Quốc bao gồm cả một số loại dành cho trẻ em. Chưa có bất kỳ sản phẩm cổ truyền nào như vậy được phép lưu hành ở Anh, nhưng theo các điều tra viên của nước này phát hiện trên thị trường, các loại sản phẩm này vẫn được bán tràn lan.
Richard Woodfield – quan chức phụ trách vấn đề thảo dược của MHRA tuyên bố: “Sự pha trộn các kim loại nặng trong thuốc y học cổ truyền Trung Hoa là một vấn đề lớn đối với quốc tế và có thể mang tới nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Tự nhiên không có nghĩa là an toàn. Để giúp chọn được loại thuốc thảo dược phù hợp, trước hết bạn hãy xem sản phẩm có được cấp phép lưu hành với số đăng ký in trên bao bì sản phẩm hay không”.