Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, thời gian qua đã phát hiện, thu giữ hàng chục tấn TPCN giả, TPCN có nhiều thành phần không đúng như doanh nghiệp công bố. Phần lớn các mặt hàng TPCN giả, kém chất lượng được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Khi về đến Việt Nam, các sản phẩm giả, kém chất lượng này được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ với mức giá chênh lệch gấp nhiều lần. Thông tin trên được ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Trần Hùng cho biết tại Tại Hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng thực phẩm chức năng” do Văn phòng Ban chì đạo 389, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Báo Lao động phối hợp tổ chức ngày 29/12.
Phát hiện hàng loạt thực phẩm chức năng bị làm giả
Ông Hùng đưa ra nhận định tình trạng sản xuất TPCN giả hiện đang khá phổ biến. Chỉ trong 3 tháng gần đây, từ 15/7 đến 15/10/2015, cơ quan chức năng đã thanh kiểm tra, phát hiện và xử lý 3.823 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN; thu nộp ngân sách nhà nước đến 22,319 tỷ đồng; trị giá hàng hóa, tang vật tiêu hủy 19,803 tỷ đồng; khởi tố 4 vụ án hình sự với 5 đối tượng.
Mới đây nhất, cơ quan chức năng đã thu giữ 20 tấn TPCN giả, có nhiều thành phần không đúng như doanh nghiệp công bố tại Hà Nội, hay vụ thu giữ 12 tấn TPCN giả, không rõ nguồn gốc tại Quận 7- TP HCM...
Phần lớn các mặt hàng TPCN làm giả, kém chất lượng đều được nhập qua đường tiểu ngạch, về đến Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ.
TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng chia sẻ, chưa năm nào Cục ATTP phát hiện, xử lý số cơ sở sai phạm về ATTP nói chung, TPCN nói riêng nhiều đến vậy.
Theo đó, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2015, Cục An toàn thực phẩm đã thanh tra, phát hiện vi phạm và xử lý 105 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng với tổng số tiền phạt là gần 1,9 tỷ đồng. Trong đó xử lý 102 cơ sở vi phạm về quảng cáo (chiếm 97,1% số cơ sở vi phạm) với tổng số tiền là trên 1,8 tỷ đồng và xử lý 3 cơ sở vi phạm các hành vi khác như kiểm nghiệm định kỳ, công bố, ghi nhãn với tổng số tiền là 57 triệu đồng.
Tính cả năm 2015, riêng Cục ATTP đã phát hiện vi phạm và xử lý 251 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN với tổng số tiền phạt lên tới trên 4,5 tỷ đồng. Ngay trong tuần này, Cục đang hoàn thiện hồ sơ xử lý thêm 18 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN có sai phạm.
“Những vi phạm khá phổ biến trong kinh doanh thực phẩm chức năng như: sản xuất, kinh doanh TPCN không đúng chất lượng đã công bố. Đặc biệt, việc quảng cáo TPCN sai sự thật, cường điệu hóa, thần thánh hóa công dụng của sản phẩm”, ông Phong cho biết.
Thế nhưng, khi cơ quan chức năng phát hiện, nhắc nhở sai phạm về quảng cáo lại không thừa nhận. Vì thế, trong nhiều trường hợp, Cục An toàn Thực phẩm phải gửi công văn sang Bộ Thông tin Truyền Thông, đồng thời thông báo trên trang website Cục để người tiêu dùng biết...
Theo PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, hiện hệ thống văn bản pháp quy quản lý TPCN còn chưa hoàn chỉnh; công nghiệp sản xuất TPCN còn manh mún, nhỏ lẻ, cơ quan quản lý phải ôm đồm quá nhiều lĩnh vực về ATTP, chưa tập trung được vào lĩnh vực chuyên biệt này, nên thị trường TPCN còn rất hỗn loạn, xuất hiện nhiều hàng giả, kém chất lượng.
Được biết, thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện về quản lý TPCN. Tăng cường thành kiểm tra phát hiện cơ sở vi phạm, công khai cơ sở vi phạm, tuyên truyền kiến thức để người dân lựa chọn và sử dụng TPCN hợp lý.
Hồng Hải