Trong khi nhiều loại cây trồng chủ lực như cà phê và hồ tiêu đang thời kỳ ảm đạm bởi tình trạng “cung vượt cầu”, giá cả liên tục sụt giảm thì việc chuyển sang trồng các loại cây dược liệu đang trở thành hướng đi mới giúp nhiều hộ nông dân tại Lâm Đồng nâng cao thu nhập, đồng thời hình thành vùng dược liệu quy mô lớn tại Nam Tây Nguyên.
Về xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), bên những đồi cà phê, hồ tiêu, khách còn thấy những vườn sâm đương quy xanh mướt, tỏa hương thơm ngào ngạt. Nhấc chén trà đương quy nóng hổi mời khách, ông Chử Văn Soa, 63 tuổi, ở thôn Thanh Trì, xã Đông Thanh, hồ hởi khoe: "Từ ngày trồng rồi dùng thường xuyên món sâm này, tôi trẻ và khỏe hẳn ra. Trà này còn có tác dụng hỗ trợ sinh sản rất tốt!".
Gia đình ông Soa bắt đầu trồng sâm đương quy cách đây 6 năm với diện tích khoảng 3 sào, tương đương 3.000m2. Từ việc trồng tự phát, ông cùng một số cựu chiến binh trong xã thành lập “Tổ hợp tác dược liệu cựu chiến binh xã Đông Thanh” chuyên về trồng các loại dược liệu nhằm giúp cho quá trình sản xuất và tiêu thụ trở nên bài bản, thuận lợi.
Theo một số người dân ở xã Đông Thanh, trồng dược liệu tương đối nhàn so với các cây trồng truyền thống khác vì hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, có thể trồng và thu hoạch quanh năm, không phải áp lực về mùa vụ. Việc tiêu thụ cũng khá linh hoạt bởi dược liệu sau khi thu hái có thể bán tươi hoặc sấy khô cất trữ rồi bán dần. “Với sâm đương quy, mỗi năm sản lượng đạt 2,5 tấn/sào, giá bán khoảng 30.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình tôi lãi khoảng 60 triệu đồng. Trong khi cà phê mỗi năm chỉ cho lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/ha thì việc trồng cây dược liệu rõ ràng hiệu quả hơn”, ông Soa khẳng định.
Do phù hợp thổ nhưỡng và quy trình chăm sóc khoa học nên các loại dược liệu trồng tại Lâm Đồng đều cho năng suất cao, chất lượng tốt, đặc biệt hàm lượng tinh dầu trong sản phẩm đạt cao, là nguyên liệu lý tưởng để bào chế thuốc và sản xuất các sản phẩm chức năng. Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 500ha cây dược liệu, chủ yếu là atiso, diệp hạ châu, đẳng sâm, đương quy và đã hình thành các vùng chuyên canh cây dược liệu như vùng trồng diệp hạ châu ở huyện Đạ Tẻh, sâm đương quy ở huyện Lâm Hà và Đam Rông, atiso ở TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Trong định hướng phát triển từ nay đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất, chế biến dược liệu của cả nước với quy mô diện tích khoảng 4.000ha.
Xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nghề bốc thuốc đông y gia truyền, lại được đào tạo bài bản tại Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nên lương y Nguyễn Minh Tiến, sinh năm 1950, ngụ tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) hiểu rõ tiềm năng, giá trị của các loài dược liệu. Điều này thôi thúc ông đầu tư vào sản xuất, chế biến dược liệu quy mô lớn nhằm tạo nên sản phẩm chất lượng cao phục vụ sức khỏe con người. “Công ty TNHH Đà Lạt Thảo Dược Minh Quân được thành lập năm 2005. Hiện chúng tôi đang liên kết với các hộ dân tại Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông nuôi trồng, chế biến các loại dược liệu với quy mô khoảng 30ha. Công ty cung cấp giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ với giá ổn định và cao hơn thị trường”, lương y Nguyễn Minh Tiến cho biết.
Với dòng sản phẩm chủ lực là nguyên liệu sấy khô và trà túi lọc được chế biến từ đương quy, đan sâm, bố chính, cỏ ngọt, đinh lăng, hoàng kỳ…, sản phẩm của Công ty TNHH Đà Lạt Thảo Dược Minh Quân được người tiêu dùng ưa chuộng và có mặt trong các chuỗi siêu thị hàng đầu tại Việt Nam như Satra, BigC, Eon, Coopmart. “Năm 2020, chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và sẽ cho ra mắt thêm khoảng 30 sản phẩm trà túi lọc thảo dược phục vụ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ thành lập trung tâm chăm sóc sức khỏe từ thiện miễn phí cho người nghèo với nguồn thuốc chính là sản phẩm của các thành viên trong Hội Đông y tỉnh Lâm Đồng”, lương y Nguyễn Minh Tiến chia sẻ.
Ngoài Công ty TNHH Đà Lạt Thảo Dược Minh Quân, tại Lâm Đồng còn có hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nuôi trồng, chế biến dược liệu, tiêu biểu như: Ladophar, Vĩnh Tiến, Ngọc Duy, Thái Bảo, Bồ công anh Vàng Xanh, Linh chi Mỹ Thủy, Đông trùng hạ thảo Song Bill… Một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, quy trình công nghệ tiên tiến, xây dựng nhà máy đông dược đạt chuẩn GMP-WHO và mở rộng phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn GACP, mỗi năm tiêu thụ hàng chục nghìn tấn dược liệu trong và ngoài tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần nâng cao giá trị dược liệu Lâm Đồng.
Nguồn: qdnd.vn