Miền tây Nghệ An có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển cây dược liệu. Phát triển công nghiệp dược phẩm gắn liền với trồng cây dược liệu là định hướng lớn của tỉnh Nghệ An trong thời gian tới. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn, nhiệm vụ này đang bị bỏ ngỏ lâu nay.
Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng, mang đặc trưng của nền khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm, phía tây có vùng đất đỏ ba-dan Phủ Quỳ và có tiểu vùng khí hậu ôn đới (Mường Lống và Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn)… Những đặc trưng về khí hậu, thổ nhưỡng tạo sự đa dạng sinh học cao, giàu tiềm năng phát triển vùng dược liệu. Tổng hợp các kết quả điều tra gần đây cho thấy, Nghệ An có 962 loài cây và nấm làm thuốc. Trong danh mục cây thuốc và vị thuốc thiết yếu của Bộ Y tế, Nghệ An có 41 loài nằm trong 206 loài cây thuốc mọc tự nhiên được khai thác và sử dụng. Nghệ An cũng là địa phương nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, cây thuốc ở Nghệ An ngày càng suy giảm. Hầu hết các loại cây thuốc có giá trị sử dụng và kinh tế cao đang mất dần khả năng khai thác lớn. Nguyên nhân là do khai thác tràn lan, không có kế hoạch bảo vệ, tái sinh, cộng với nạn phá rừng làm nương rẫy. Nhiều cánh rừng trước đây có trữ lượng lớn những cây làm thuốc như: Hoàng đằng, ngũ gia bì chân chim, thiên niên kiện, bách bộ, cẩu tích… nay đã dần biến mất. Một số loài quý hiếm đang ở nguy cơ bị tuyệt chủng. Đơn cử như với loại kê huyết đằng, trước đây một doanh nghiệp ở huyện Con Cuông có thể khai thác khoảng 50 tấn/năm, nay chỉ còn rải rác trong Vườn quốc gia Pù Mát và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
Hầu hết các dược liệu mà người dân tự ý khai thác đều được tư thương thu mua, xuất sang nước ngoài với giá rẻ. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An Trần Quốc Thành cho rằng: Nguyên nhân một phần là thời gian vừa qua, vấn đề phát triển công nghiệp dược và dược liệu trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức về quy hoạch và chính sách đầu tư. Doanh nghiệp dược trên địa bàn chưa quan tâm phát triển lĩnh vực đông dược. Công tác thu hút doanh nghiệp dược và dược liệu mới còn manh nha…
Hiện nay, tại Nghệ An, việc trồng, phát triển cây dược liệu mới ở quy mô nhỏ lẻ. Cụ thể là một số hộ dân đã trồng kim tiền thảo ở phường Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai; cây cà gai leo ở xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu; xã Mã Thành, huyện Yên Thành. Anh Hồ Phúc Hoàn, chủ trang trại ở thôn Văn Đông, xã Quỳnh Bảng cho biết: “Trang trại của tôi đang trồng các loại cà gai leo, đinh lăng, ích mẫu. Hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu của các hộ dân gấp từ ba đến năm lần so với trồng lúa, hoa màu. Sắp tới, trang trại sẽ mở rộng diện tích trồng cây dược liệu...”.
Với đặc trưng của những khu vực tiểu khí hậu ôn đới, nhiều vùng ở huyện Kỳ Sơn đang được thí điểm trồng cây dược liệu. Hiện nay, dưới chân núi Puxailaileng thuộc địa phận xã Na Ngoi, Đoàn kinh tế - quốc phòng 4 thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đang thực hiện mô hình phục hồi, nhân giống cây dược liệu gồm đẳng sâm, đương quy, a-ti-sô và sâm Puxailaileng, một loại sâm quý giống như sâm Ngọc Linh. Bước đầu, đoàn đã trồng, nhân giống và thu hoạch a-ti-sô thành công, trong vài năm tới có thể chuyển giao kỹ thuật để đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây trồng đại trà. Các giống cây khác đang tiếp tục được trồng thử nghiệm. Tại Mường Lống, vùng có khí hậu mát mẻ quanh năm, Công ty cổ phần dược liệu Mường Lống thuộc Tập đoàn TH đang triển khai dự án trồng cây dược liệu. Tập đoàn TH đã triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển rừng bền vững” tại tỉnh Nghệ An, có tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng, trên 2.846 ha. Hiện nay Công ty cổ phần dược liệu Mường Lống trồng thử nghiệm tại vườn ươm ở xã Mường Lống và các địa phương lân cận để nhân rộng các loại dược liệu và thảo dược như sâm Ngọc Linh, bảy lá một hoa, thạch hộc, lan kim tuyến... tiến tới sản xuất thực phẩm chức năng và thuốc có nguồn gốc từ thảo dược.
Thời gian gần đây, tỉnh Nghệ An có những động thái tích cực trong việc xây dựng vùng trồng cây dược liệu. Năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gien cấp tỉnh thực hiện từ năm 2014 đến 2020, giao Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Nghệ An bảo tồn nguồn gien của ba loại dược liệu quý, hiếm tại các huyện Quế Phong và Kỳ Sơn. Đó là bảo tồn nguồn gien cây hoa vàng, cây mu từn, cây đẳng sâm và sâm Puxailaileng. Đại học Vinh cũng có những đề tài mang tính ứng dụng cao thực hiện nghiên cứu các loại dược liệu quý hiếm này. Mới đây, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã xây dựng mô hình thí điểm và phát triển cây táo mèo ở vùng đồng bào Mông. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An Lương Thanh Hải cho biết: Sau khi nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, Ban Dân tộc tỉnh đã đưa 3.000 cây giống từ Tây Bắc về chuẩn bị trồng thử nghiệm tại các huyện Tương Dương và Kỳ Sơn
Nguồn: nhandan