Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan (trường hợp cần thiết đề nghị cơ quan chức năng ở nước ngoài) thực hiện việc rà soát, lập danh mục các quảng cáo sai sự thật, phản cảm trên truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng, quảng cáo và bán hàng đa cấp các loại thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc và có nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm, có biện pháp xử lý phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đó là chỉ đạo trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.
Bộ Y tế chủ trì, làm việc với Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) để thường xuyên công bố, đưa ra cảnh báo trong Chương trình Thời sự về các loại sản phẩm, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về quảng cáo và pháp luật về an toàn thực phẩm, quảng cáo có nội dung phản cảm trên truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng, thuốc theo phương thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng, thuốc; xử lý nghiêm các sai phạm.
Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo công khai và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật, quảng cáo có nội dung phản cảm các loại thực phẩm chức năng, thuốc trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội.
Đài THVN siết chặt việc quản lý nội dung quảng cáo trên truyền hình theo đúng quy định của pháp luật, có giải pháp hạn chế dần và tiến tới loại bỏ các quảng cáo không đúng sự thật, có nội dung phản cảm về thực phẩm chức năng, thuốc trong các khung giờ vàng tại các chương trình của Đài.
Về hệ thống thông tin an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng giao các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương khẩn trương hoàn thành, đưa vào vận hành hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước và nhân dân.