QUẢN LÝ THỰC PHẨM CHỨC NĂNG TRÊN THẾ GIỚI
Những nghiên cứu về lợi ích của thực phẩm đối với sức khỏe trong những năm gần đây phát triển mạnh mẽ, làm cho người tiêu dùng nhận thức được mối quan hệ giữa sử dụng hợp lý thực phẩm để đem lại lợi ích tối đa về sức khỏe với việc chi phí y tế ngày càng tăng, dân số ngày càng già và điều quan trọng là phải tự kiểm soát tình trạng sức khỏe của mình.
Sự thay đổi nhận thức về vai trò của thực phẩm đối với sức khỏe và bệnh tật đã tác động đến một lĩnh vực giữa thực phẩm và khoa học dinh dưỡng được gọi là “thực phẩm chức năng” (TPCN). Khái niệm về thực phẩm chức năng tập trung vào tác động của thực phẩm đối với một số triệu chứng và bệnh được nhiều người quan tâm đặc biệt là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, béo phì, ung thư … và các chức năng về thể chất và tinh thần. Theo một số điều tra, người dân Mỹ thường sử dụng TPCN trong một số bệnh chứng như: đau dạ dày, cảm lạnh, nhức đầu, tiêu chảy… trước khi cần sự can thiệp của thầy thuốc.
Hiện nay chưa có được một định nghĩa thống nhất về TPCN. Hội đồng Quốc tế về Thông tin Thực phẩm (The International Food Information Council: IFIC) định nghĩa: “TPCN là những thực phẩm đem lại lợi ích cho người sử dụng so với các thực phẩm cơ bản khác”. Tổ chức Y tế Canada định nghĩa: “TPCN là những thực phẩm về mặt hình thức tương tự với các thực phẩm quy ước được sử dụng như một thành phần của chế độ dinh dưỡng hàng ngày, nhưng có các lợi ích đã được chứng minh đối với các hoạt động sinh lý và/hoặc giảm nguy cơ của các bệnh mãn tính so với các chức năng dinh dưỡng cơ bản khác”. Dược thực phẩm (nutraceutical) thường được coi là đồng nghĩa với TPCN trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trong tài liệu khoa học. Khái niệm dược thực phẩm được TS Stephen De Felice, người sáng lập Quỹ Phát minh Y học ở Cranford, N.J., đưa ra lần đầu tiên. Nutraceutical bao hàm cả các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng (dietary supplement), thực phẩm tăng cường (fortified food), thực phẩm chức năng (functional food) và thực phẩm dùng cho mục đích y tế (medical food).
Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản không phân biệt thực phẩm chức năng với dược thực phẩm (nutraceutical). Thực phẩm chức năng được coi là thực phẩm mà không phải là dược phẩm, mặc dù so với các thực phẩm cơ bản thông thường khác, trong thành phần thực phẩm chức năng có mặt các hoạt chất đem lại các lợi ích cho sức khỏe.
Các quốc gia tiên tiến trên thế giới đều ban hành các khung pháp lý để quản lý việc sản xuất, lưu hành, kinh doanh và sử dụng thực phẩm chức năng.
Nhật Bản và Trung Quốc
Năm 1991, Nhật Bản là nước đầu tiên trên thế giới ban hành hệ thống quy chế để quản lý thực phẩm chức năng (functional food) và dược thực phẩm (nutraceutical)
Ở Trung Quốc, Luật Thực phẩm và Vệ sinh được ban hành lần đầu vào năm 1995. Luật quy định cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký các thực phẩm có tác dụng đối với sức khỏe (bao gồm thực phẩm chức năng và nutraceutical) là Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Quốc gia (State Food and Drug Administration: SFDA).
Hoa Kỳ:
Ở Hoa Kỳ, thực phẩm chức năng được quản lý theo các văn bản pháp luật sau đây:
-
Luật Dinh dưỡng, Ghi nhãnvà Giáo dục năm 1990 (The Nutrition, Labelling and Education Act: NLEA, 1990)
-
Luật Bổ sung Dinh dưỡng, Sức khỏe và Giáo dục (The Dietary Supplement, Health and Education Act:DSHEA, 1994)
-
Luật về hiện đại hóa Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (The FDA Modernization Act:FDAMA, 1997)
Sự phân biệt giữa thực phẩm chức năng và thuốc đã được thu hẹp đáng kể với việc thông qua Luật Dinh dưỡng, Ghi nhãnvà Giáo dục (NLEA) năm 1990. Luật này chính thức cho phép ghi trên nhãn việc mô tả mối liên hệ giữa thành phần của thực phẩm với sức khỏe hoặc bệnh tật và được gọi là “công bố về sức khỏe” (health claim).
Thêm nữa, NLEA yêu cầu tất cả các “công bố về sức khỏe” phải được hỗ trợ bằng các bằng chứng khoa học đáng tin cậy. Ở Hoa Kỳ, dược thực phẩm được bán như thực phẩm chức năng và Luật DSHEA cũng đã ban hành định nghĩa chính thức đối với các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng (dietary supplement). Cho đến năm 1997, tất cả các công bố trên nhãn về liên quan giữa thực phẩm và lợi ích đối với sức khỏe đều phải được FDA phê duyệt.Tuy nhiên, sau khi Luật về hiện đại hóa FDA (FDA Modernization Act 1997) được thông qua, công bố sức khỏe không cần phải được FDA phê duyệt nếu các công bố đó là do các cơ quan có thẩm quyền của Chính Phủ như: Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật (Center for Disease Control), Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc Gia (The National Academy of Sciences) hoặc Viện Y Tế Quốc Gia (National Institutes of Health) ban hành.
Liên minh Châu Âu
Năm 1995, Liên minh Châu Âu đã công bố định nghĩa về thực phẩm chức năng và năm 1996, đã thành lập Ủy ban Châu Âu Hành động về Thực phẩm Chức năng (FUFOSE). Đồng thời, cũng ban hành quy trình đánh giá các chứng cứ khoa học về công bốsức khỏe để giúp Ủy ban FUFOSE triển khai các hoạt động.
Quá trình quản lý được tiến hành theo Luật EC No.178/2002 do Nghị viện Châu Âu ban hành. Luật quy định các nguyên tắc quản lý cơ bản, thành lập Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) để quản lý toàn bộ thực phẩm, bao gồm cả thực phẩm chức năng, dược thực phẩm, thực phẩm dinh dưỡng và thực phẩm bổ sung.
New Zealand và Australia
New Zealand và Australia đã hợp tác ban hành quy chế quản lý thực phẩm và thành lập cơ quan quản lý chung FSANZ (Foods Standards Australia and New Zealand).
Brazil
Ở Châu Mỹ Latin, Brazil là quốc gia đầu tiên ban hành luật và quy chế về thực phẩm chức năng. Thực phẩm chức năng ở Brazil không được chính thức xếp vào nhóm thực phẩm. Thực phẩm chức năng phải đăng ký và phải được Cơ quan Giám sát Vệ sinh (National Sanitary Surveillance Agency: ANVISA) phê duyệt. ANVISA là một cơ quan tương tự như FDA. Dược thực phẩm (nutraceutical) được định nghĩa là “sản phẩm tự nhiên hoặc tổng hợp có hoạt tính sinh học” và vì vậy các sản phẩm này phải được đăng ký và phê duyệt trước khi đưa ra thị trường.
Ấn Độ
Mặc dù Ấn Độ có khá nhiều luật liên quan đến thực phẩm nhưng chưa có một luật chuyên biệt nào được dành riêng quản lý thực phẩm chức năng. Năm 2006, Chính Phủ Ấn Độ thông qua Luật An toàn và Tiêu chuẩn Thực phẩm (Food Safety and Standard Act:FSSA). Luật này điều chỉnh các đối tượng: thực phẩm chức năng, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng về các mặt: sản xuất, phân phối và bán hoặc nhập khẩu.
Cơ quan quản lý thực phẩm chức năng một số quốc gia trên thế giới
Quốc gia |
Loại sản phẩm |
Quản lý |
Hoa Kỳ |
Thực phẩm chức năng/Thực phẩm bổ sung |
Cơ quan quản lý Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm (FDA)
|
Nhật Bản |
Các sản phẩm FOSHU |
Bộ Y Tế, Lao Động và Phúc lợi Xã hội (MHLW) |
Trung Quốc |
Thực phẩm cho sức khỏe |
Cơ quan quản lý Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm Quốc gia (SFDA) |
Canada |
Thực phẩm chức năng/Sản phẩm tự nhiên cho sức khỏe |
Cơ quan quản lý Sản phẩm Sức khỏe/Cơ quan quản lý Sản phẩm Tự nhiên |
New Zealand và Australia |
Thực phẩm chức năng/Dược thực phẩm |
Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (FSANZ) |
Liên minh Châu Âu |
Thực phẩm bổ sung |
Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) |
Brazil |
Thực phẩm chức năng/Dược thực phẩm |
Cơ quan Quốc gia Giám sát Vệ sinh(ANVISA) |
Ấn Độ |
Thực phẩm chức năng/Dược thực phẩm |
Quản lý theo Luật Dược phẩm, Mỹ phẩm (1940) và Luật An toàn và Tiêu chuẩn Thực phẩm (2006) |
Kết luận
Mặc dù giữa các quốc gia trên thế giới đã có sự hài hòa nhất định trong lĩnh vực quản lý thực phẩm chức năng/thực phẩm bổ sung, nhưng có thể nhận thấy vẫn còn khá nhiều khác biệt trong định nghĩa, phân loại, quy chế quản lý và cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm này. Điều này phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế xã hội, tình hình luật pháp, các cơ quan quản lý và cả thói quen tiêu dùng và truyền thống sử dụng …
Mặc dù vậy, việc công chúng chấp nhận khái niệm “thực phẩm chức năng” ngày càng rộng rãi là yếu tố thành công cốt lõi cho sự phát triển thị trường, sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Mặt khác sự hưởng ứng của công chúng cũng đòi hỏi các cơ quan quản lý ban hành hệ thống quy chế quốc gia, có tính đến sự hài hòa quy chế trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, nhằm đảm bảo sự an toàn và chất lượng của thực phẩm chức năng nói riêng và thực phẩm nói chung, góp phần nâng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật cho nhân dân trong một xã hội hiện đại
Theo PGS.TS Lê Văn Truyền
Chủ tịch Hội đồng khoa học
Viên thực phẩm chức năng Việt Nam