Nước ta có tiềm năng lớn về dược liệu, các loài cây để sản xuất thực phẩm chức năng, có thể xây dựng ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng mang về lợi nhuận nhiều tỷ đô-la. Thế nhưng, tiềm năng đó đang bị lãng phí do công tác quản lý còn nhiều bất cập. Bài viết dưới đây của PGS, TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chuyên gia cao cấp về dược học, cho thấy rõ điều đó.
50% thực phẩm chức năng vi phạm chất lượng
Trong những thập kỷ gần đây, chúng ta chứng kiến sự bùng nổ việc sản xuất và sử dụng thực phẩm chức năng trên thế giới. Thị trường thực phẩm chức năng toàn cầu năm 2013 đạt 168 tỷ đô-la, với tốc độ tăng trưởng khoảng 8-9%/năm. Đến năm 2020, dự báo thị trường thực phẩm chức năng toàn cầu sẽ đạt hơn 300 tỷ đô-la. Sự tăng trưởng nhanh của thị trường này là do mọi người đã quan tâm đến phòng bệnh hơn chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm đang có xu hướng tăng trên thế giới do nhiều yếu tố: Già hóa dân số, thay đổi lối sống (thụ động), chất lượng bữa ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường… Các nước tiêu thụ thực phẩm chức năng nhiều nhất là Nhật Bản: 40%, Mỹ: 38% và các nước châu Âu chiếm 14% sản lượng thực phẩm chức năng toàn cầu.
Lực lượng chức năng bắt giữ các loại mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng giả trên địa bàn biên giới Móng Cái, Quảng Ninh.
Ở Việt Nam, trong những thập kỷ gần đây cũng đang chứng kiến xu hướng tăng trưởng của thị trường thực phẩm chức năng cả trên hai phương diện sản xuất và cung ứng. Hiện nay, số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng có đăng ký khoảng 3.500 cơ sở với hơn 6.000 sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Mặc dù thị trường thực phẩm chức năng bùng nổ trên thế giới, khái niệm về thực phẩm chức năng đang còn rất mơ hồ do thiếu sự thống nhất và rõ ràng trong định nghĩa “thực phẩm chức năng”. Mỗi quốc gia có cách định nghĩa riêng, mặc dù nhìn chung người ta đều thống nhất “những thực phẩm cung cấp những lợi ích bổ sung cho sức khỏe so với các thực phẩm thông thường đều được gọi là thực phẩm chức năng”. Đôi khi các chế phẩm này còn được gọi là Thực phẩm sức khỏe (Health Foods) hoặc Thực dược phẩm (Nutraceuticals).
Thiếu định nghĩa chính xác, thống nhất và quy chế quản lý khác nhau, thiếu sự hòa hợp giữa các quốc gia chính là những yếu tố góp phần làm cho thị trường thực phẩm chức năng rối loạn, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển, nơi mà hệ thống thể chế còn chưa hoàn chỉnh, năng lực của các cơ quan thực thi còn hạn chế, quy mô của các cơ sở sản xuất-kinh doanh còn nhỏ lẻ, manh mún, không đủ năng lực về khoa học-công nghệ, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp còn thấp.
Tình hình này có thể thấy rõ ở Việt Nam. Từ nửa cuối năm 2014 đến nửa đầu năm 2015, trong vòng 12 tháng, cơ quan quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý hơn 2.000 vụ vi phạm về sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng, với số tiền phạt hơn 200 tỷ đồng. Các vi phạm khá đa dạng: Giả mạo về thành phần, chất lượng không đạt tiêu chuẩn đã đăng ký/công bố, ghi nhãn sai và giả mạo bao bì, xâm phạm sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, vi phạm về thông tin, quảng cáo sản phẩm… Theo một số đánh giá, khoảng 50% sản phẩm thực phẩm chức năng được kiểm tra trên thị trường có vi phạm về chất lượng với những hình thức rất tinh vi.
Cần có quy chuẩn kỹ thuật
Nguyên nhân của tình trạng này có thể do các yếu tố sau đây:
Hệ thống văn bản pháp quy quản lý thực phẩm chức năng còn chưa hoàn chỉnh. Mặc dù Việt Nam đã có Luật An toàn thực phẩm từ năm 2010, nhưng thực phẩm chức năng là một loại thực phẩm đặc biệt chưa được Luật An toàn thực phẩm điều chỉnh một cách đặc thù, vì vậy trong triển khai quản lý còn nhiều vướng mắc. Mặt khác, chúng ta cũng đã có Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 và Nghị định số 127/2007 về thi hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa ban hành các quy định về “Thực hành sản xuất tốt thực phẩm chức năng”, trong khi nhiều nước trên thế giới và các nước ASEAN đã ban hành GMP (Good Manufacturing Practices-hướng dẫn thực hành sản xuất tốt, áp dụng đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dược phẩm nhằm kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành chất lượng sản phẩm từ khâu thiết kế, xây lắp nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ chế biến; điều kiện phục vụ, chuẩn bị chế biến đến quá trình chế biến; bao gói, bảo quản và con người điều khiển các hoạt động trong suốt quá trình gia công, chế biến. Nó đề cập đến mọi khía cạnh của quá trình sản xuất và kiểm soát chất lượng). Thiếu quy chuẩn kỹ thuật hiện đại đã làm cho cơ quan chức năng không có cơ sở pháp lý để xem xét cấp phép và hậu kiểm các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng.
Cơ quan quản lý nhà nước về thực phẩm đang quá tải với nhiệm vụ quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa tập trung được vào lĩnh vực rất chuyên biệt thực phẩm chức năng với rất nhiều hoạt động quản lý: Công bố chất lượng, quảng cáo, cấp phép hoạt động sản xuất-kinh doanh, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp… Cơ quan quản lý nhà nước gần đây đã ủy quyền cho các tổ chức độc lập kiểm nghiệm và đánh giá GMP thực phẩm chức năng (do Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế cấp phép) là một hướng đi đúng, phù hợp với những cam kết của Việt Nam trong Hiệp định TPP. Tuy nhiên, số tổ chức đánh giá chưa nhiều và nếu năm 2016, Cục Vệ sinh-An toàn thực phẩm công bố Hướng dẫn “Thực hành sản xuất tốt thực phẩm chức năng” thì công tác huấn luyện, triển khai, kiểm tra, công nhận cũng sẽ quá tải đối với hàng nghìn nhà sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay.
Công nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng của Việt Nam còn manh mún nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, chưa có sự đầu tư khoa học-công nghệ tiên tiến, tương tự như công nghiệp dược. Chất lượng, hiệu quả của thực phẩm chức năng trong nước chưa được đánh giá, thiếu bằng chứng khoa học. Các “công bố về lợi ích sức khỏe” (Health Claims) thiếu cơ sở khoa học, nhiều trường hợp “loạn ngôn” làm người tiêu dùng và thầy thuốc không tin tưởng. Mặc dù nước ta có nguồn cây thuốc dồi dào nhưng việc trồng trọt, thu hái, chế biến và sử dụng để sản xuất thực phẩm chức năng còn tùy tiện, mặt khác phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc từ nước ngoài làm cho người tiêu dùng thiếu tin tưởng. Nếu so sánh với các tập đoàn trên thế giới sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng với doanh số hàng tỷ đô-la/năm thì khó có thể cạnh tranh về mặt chất lượng sản phẩm. Mặt khác, trong bối cảnh thị trường lộn xộn, không ít nhà sản xuất-kinh doanh thiếu lương tâm, vô đạo đức, thiếu trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng đang lợi dụng để “đục nước béo cò”, cần phải lên án và xử lý nghiêm minh.
Trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, rõ ràng ngành thực phẩm chức năng ở nước ta đứng trước các thách thức rất to lớn. Nếu Việt Nam không giải quyết được các vấn đề nêu trên thì thị trường thực phẩm chức năng rất có triển vọng ở nước ta sẽ bị chiếm lĩnh bởi các nhà sản xuất-kinh doanh thực phẩm chức năng có uy tín của nước ngoài.
Theo PGS, TS LÊ VĂN TRUYỀN