Hàng năm, Việt Nam phải chi ngân sách hàng trăm tỉ đồng để nhập khẩu (NK) vacxin phục vụ phòng chống các dịch bệnh gia súc, gia cầm nguy hiểm. Vì vậy việc đẩy nhanh sản xuất vacxin gia súc, gia cầm nội địa là điều cấp bách.
Tiến độ chuyển giao kết quả nghiên cứu vacxin CGC của Viện Thú y vẫn đang giậm chân tại chỗ
Trong khi ấy, giới khoa học, DN trong ngành thú y tự tin bảo, họ hoàn toàn có thể SX được nhiều loại vacxin có thể thay thế vacxin NK. Vậy vì đâu cứ mỗi đợt dịch bùng lên, ngành thú y lại vẫn quàng chân đi nhập vacxin?
Trước đây, Viện Thú y từng bị than phiền là ì ạch trong việc nghiên cứu các vacxin phục vụ phòng chống dịch bệnh nguy hiểm.
Thế nhưng hiện tại, khi mà Viện này đã có trong tay sản phẩm vacxin cúm gia cầm (CGC) được đánh giá là hiệu quả nhất, thì việc chuyển giao sản phẩm cho đơn vị SX vẫn rối như tơ vò.
“Bảo bối” đối phó dịch CGC
Nhằm từng bước nội địa hóa SX các loại vacxin phục vụ phòng chống các dịch bệnh gia súc, gia cầm nguy hiểm như LMLM, tai xanh và CGC để thay thế vacxin NK, đầu năm 2013, Bộ NN-PTNT đã giao cho Viện Thú y nghiên cứu chế tạo vacxin CGC A/H5N1 vô hoạt bằng chủng phân lập tại Việt Nam.
Đây cũng là nhiệm vụ nghiên cứu thí điểm được Bộ NN-PTNT giao cho Viện Thú y theo cơ chế đặt hàng như tinh thần của Quyết định 846/QĐ-TTg năm 2011 của Chính phủ về việc thực hiện thí điểm đặt hàng một số sản phẩm KH-CN của Bộ NN-PTNT.
Gần một năm sau khi được giao nhiệm vụ, đến cuối năm 2013, Viện Thú y đã nỗ lực sàng lọc, phân lập được chủng virus từ thực địa để nghiên cứu SX vacxin CGC vô hoạt trên cơ sở tuyển chọn những chủng virus có tính đại diện kháng nguyên cao nhất tại Việt Nam hiện nay.
Đến thời điểm này, toàn bộ các quy trình kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng giống cũng như hiệu quả của vacxin mẫu trên thực địa đã được Viện Thú y thực hiện hoàn tất.
Đánh giá của Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc thú y Trung ương cho thấy, vacxin CGC do Viện Thú y nghiên cứu có hiệu quả trên hầu hết các chủng virus CGC đang lưu hành tại Việt Nam, cũng như với nhiều đối tượng gia cầm gồm gà, vịt, chim cút...
Cụ thể thông qua cả phương pháp phản ứng huyết thanh học lẫn thử thách cường độc, đều cho thấy vacxin này có tỉ lệ đối với nhánh virus 2.3.2.1 nhóm C (hiện đang lưu hành rộng khắp tại Việt Nam) lên tới xấp xỉ 100%. Đối với các nhánh virus khác như 2.3.2.1 nhóm A; 2.3.2.1 nhóm B, vacxin này cũng có tỉ lệ bảo hộ tới 93%. Đối với nhánh virus cũ là 1.1, vacxin cũng có tỉ lệ bảo hộ khá cao từ 85 – 87%.
TS Nguyễn Viết Không, Phó Viện trưởng Viện Thú y chủ trì đề tài nghiên cứu vacxin này đánh giá: Một số vacxin CGC NK cũng như SX nội địa hiện nay như vacxin Navet-Vifluvac của Cty Navetco mặc dù có chất lượng khá tốt, nhưng do được nghiên cứu từ năm 2006 và mãi tới năm 2012 mới SX nên hạn chế là chỉ được đối với một số chủng virus CGC cũ như nhánh 1.1; 2.3.2.1 nhóm A.
Trong khi đó, nhánh virus lưu hành rộng nhất hiện nay lại là 2.3.2.1 nhóm C nên khả năng phục vụ phòng chống dịch hạn chế. Trong khi đó, vacxin mới do Viện Thú y nghiên cứu do chủng virus được phân lập gần đây nhất, nên đã được các cơ quan độc lập đánh giá là có hiệu lực rộng khắp đối với tất cả các chủng virus đang lưu hành tại Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu này của Viện Thú y có thể nói là “bảo bối” có thể đối phó với dịch CGC tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt vacxin này thực sự là “kình địch” với nhánh virus 2.3.2.1 nhóm C đang lưu hành rất rộng tại nước ta.
Nguy cơ “trùm mềm”
Với mục tiêu phải cho ra đời được vacxin CGC hiệu quả thực sự, và sản phẩm nghiên cứu phải sớm được đưa ra SX phục vụ trước mùa dịch năm 2014 vào cuối năm nay, trước khi Viện Thú y thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu này, hai đơn vị trực thuộc Viện Thú y là Xí nghiệp Thuốc thú y Trung ương và Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Chuyển giao công nghệ thú y đã cam kết sẽ tiếp nhận kết quả nghiên cứu để SX vacxin.
“Việc xác định giá trị sản phẩm nghiên cứu vacxin để chuyển giao cho đơn vị SX hiện chúng tôi cũng đang bó tay.
Bởi chuyển giao cho DN thì phải có bản quyền, chứng nhận sở hữu trí tuệ, rồi còn phải định giá được sản phẩm ấy là bao nhiêu tiền, hay là để cho DN tiếp nhận trả giá bao nhiêu thì trả? Nếu đúng thủ tục, sẽ phải thành lập hồi đồng định giá, mà quy định hội đồng định giá ấy hiện nay là Bộ KH-CN và Sở KH-CN các tỉnh.
Để thành lập được hội đồng ấy, có lẽ cũng sẽ mất một năm sau mới hoàn thành thủ tục, vậy thì bao giờ mới có vacxin để phòng chống bệnh? Cái này quả là chưa có tiền lệ và chúng tôi có lẽ phải nhờ tới Bộ NN-PTNT hướng dẫn chỉ đạo” – TS Nguyễn Viết Không. |
Tuy nhiên, đúng vào giai đoạn sản phẩm nghiên cứu vacxin CGC của Viện Thú y ra đời, thì hai đơn vị trên của Viện lại xảy ra nhiều xáo trộn, khiến tiến độ thực hiện việc chuyển giao kết quả nghiên cứu hết sức ì ạch. Không những thế, cơ chế và hành lang pháp lí cho việc chuyển giao đang khiến Viện Thú y cũng như người thực hiện đề tài hết sức băn khoăn.
Cụ thể đối với Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Chuyển giao công nghệ thú y, hiện tại do dự án mở rộng đường Trường Chinh đã khiến mặt bằng đơn vị này phải giải tỏa và đang chờ chuyển tới vị trí mới nên xem như không thể đáp ứng việc SX vacxin ngay trong năm 2014.
Đối với Xí nghiệp Thuốc thú y Trung ương, từ đầu năm 2014 đến nay, đơn vị này đã tiến hành cổ phần hóa, tách khỏi Viện Thú y và hiện đã thành DN mới với tên gọi Cty CP Thuốc thú y TƯ (Vetvaco), và hiện tại việc tổ chức lại bộ máy hành chính vẫn chưa ổn định.
Về cơ sở vật chất phục vụ SX vacxin, TS Nguyễn Viết Không cho biết: Theo Hội đồng thẩm định giống vacxin kết luận, việc SX vacxin CGC sẽ không khác nhiều so với các loại vacxin kinh điển khác.
Tuy nhiên, do đặc thù virus CGC có thể lây sang người nên để đảm bảo an toàn, yêu cầu cơ sở SX và nhân giống vacxin phải có phòng SX và nhân giống đủ cấp độ an toàn sinh học (ATSH).
Tuy nhiên, Cty Vetvaco hiện tại vẫn chưa có phòng ATSH đủ đáp ứng yêu cầu để SX vacxin CGC với số lượng lớn.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Minh – PGĐ Cty Vetvaco kêu khó: Để xây dựng một phòng ATSH đạt tiêu chuẩn, sẽ phải mất ít nhất 50 tỉ đồng. Bản thân DN nhận thức trước sau gì cũng phải đầu tư phòng ATSH, bởi không chỉ để phục vụ cho SX vacxin CGC trước mắt mà còn đáp ứng cho SX hàng loạt vacxin phức tạp sau này như LMLM, tai xanh...
Tuy nhiên, với một đơn vị nhà nước mới chân ướt chân ráo cổ phần hóa, Vetvaco đang khó khăn ngập đầu. “Nếu nhà nước không hỗ trợ, DN chúng tôi cũng sẽ phải tìm cách đầu tư phòng ATSH. Nhưng thiết nghĩ việc xây dựng phòng ATSH đâu chỉ phục vụ cho DN? Mỗi năm, nhà nước bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để NK vacxin chống dịch được, thì cũng nên đầu tư hay hỗ trợ vốn cho chúng tôi để xây dựng phòng ATSH nhằm sớm có vacxin CGC nội địa tốt nhất phục vụ phòng chống dịch” – ông Minh kiến nghị.
Được biết trước những rắc rối về việc triển khai chuyển giao với Cty Vetvaco, Viện Thú y đang phải tính tới việc tìm một đơn vị mới.
Tuy nhiên theo TS Nguyễn Viết Không, bên cạnh việc phải tìm DN sản xuất thuốc thú y đủ năng lực tiếp nhận kết quả nghiên cứu để SX vacxin CGC, thì thủ tục chuyển giao thế nào cũng đang là vấn đề hết sức rắc rối.
Cụ thể theo ông Không, nếu chuyển giao kết quả nghiên cứu cho DN, chí ít cũng phải có hợp đồng chuyển giao. Mà hợp đồng thì phải có chủ sở hữu của sản phẩm nghiên cứu ấy. Trong khi hiện nay, không có văn bản pháp luật nào hướng dẫn chủ sở hữu đề tài là ai.
“Bộ NN-PTNT chỉ đặt hàng, chi tiền và giao cho Viện Thú y nghiên cứu ra sản phẩm vacxin. Bây giờ chúng tôi đã có kết quả trả bài, nhưng chủ sở hữu sản phẩm ấy là ai, là chủ nhiệm đề tài, của Bộ NN-PTNT hay của đơn vị chủ quản là Viện Thú y thì chưa có hướng dẫn cụ thể nào. Bên cạnh đó, việc chuyển giao thế nào đáng ra phải có một đơn vị độc lập đứng ra làm việc đó, chứ bản thân chủ nhiệm đề tài làm sao đủ thời gian công sức để tiến hành chuyển giao” – ông Không băn khoăn.
Nguồn: Báo Điện tử Nông nghiệp Việt Nam