Hàng loạt vụ sản xuất thuốc giả, thuốc kém chất lượng quy mô lớn được cơ quan chức năng phát hiện thời gian qua, với thủ đoạn rất tinh vi, đã gióng thêm hồi chuông cảnh báo về những bất cập trong quản lý thị trường thuốc.
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Gần đây nhất, ngày 30-7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) của Công an TP Hồ Chí Minh đã tạm giữ hình sự Nguyễn Ðình Lạc Thư (Phó Giám đốc Công ty TNHH Asia Pharmacy) và Lê Văn Khối (Giám đốc Công ty TNHH dược phẩm Ðông Dược Việt) cùng chín người nằm trong đường dây sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, tân dược giả. Theo đó, PC03 thu giữ 504 thùng carton (chứa hàng chục nghìn hộp tân dược, thực phẩm chức năng giả), hàng trăm ký nguyên liệu và nhiều máy móc để sản xuất tân dược, thực phẩm chức năng giả. Theo PC03, các nghi phạm nằm trong đường dây này đều núp bóng các công ty sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng. Ðây là đường dây sản xuất, kinh doanh tân dược, thực phẩm chức năng giả có quy mô rất lớn, với số tang vật thu được ước tính hàng chục tỷ đồng. Ðiều đáng nói, hai nghi phạm chủ mưu Thư, Khối là những người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thuốc nên thủ đoạn gian dối rất tinh vi.
Vụ việc này là cảnh báo về nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất thuốc chữa bệnh chưa được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thuốc giả tồn tại. Tại hội nghị tổng kết thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Bộ Y tế tổ chức đầu tháng 5 vừa qua, các chuyên gia cũng đã nhìn nhận, đánh giá việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền dân tộc (gọi chung là dược phẩm)... còn rất nhiều bất cập. Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết, qua thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều vi phạm, như cơ sở sản xuất sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, sản phẩm thực phẩm chức năng chứa các thành phần không được công bố trên nhãn và không đúng với hồ sơ công bố sản phẩm.
Theo báo cáo từ hệ thống kiểm nghiệm thuốc, năm 2018, cả nước phát hiện 21 mẫu dược liệu bị nhầm lẫn, giả mạo (giảm 11 mẫu so năm 2017) và 14 loại thuốc nghi ngờ bị làm giả, trong đó có 13 loại tân dược và một loại đông dược. So số lượng mẫu lấy để kiểm nghiệm, tỷ lệ thuốc giả chỉ khoảng 0,1%, thuốc kém chất lượng dưới 2%. Cũng trong tháng 1-2019, Tổ chức Y tế thế giới có cảnh báo đến cơ quan chức năng Việt Nam hai dược phẩm giả mạo, đã phát hiện lưu hành ở Pakistan và Iran, bao gồm Gulucatime và Glucantime, đều là dung dịch tiêm truyền, hạn dùng lần lượt ghi trên nhãn là tháng 10 và tháng 2-2021.
Theo Bộ Y tế, nhóm mặt hàng dược phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân, an ninh, an toàn xã hội. Ðây là nhóm hàng có nhu cầu sử dụng cao, cho lợi nhuận lớn nên hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp. Tuy nhiên, sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương lại chưa kịp thời, công tác phối hợp liên ngành một số nơi chưa được chặt chẽ và việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, mới chủ yếu là nhắc nhở. Chưa kể, một số vướng mắc phát sinh từ bản thân chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước. Chẳng hạn, hiện việc cấp các giấy xác nhận của DN được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ bốn nhằm tạo thuận lợi cho DN. Song quy định này lại bị một số đối tượng lợi dụng để làm giả giấy tờ. Cùng đó, tình trạng lợi dụng bán sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe được giới thiệu là “hàng xách tay” trong đó có hàng giả, hàng lậu vi phạm pháp luật vẫn xuất hiện nhiều trên thị trường.
Tập trung thanh tra, xử lý nghiêm minh
Chấn chỉnh thị trường thuốc, theo ông Ðàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, thì cần tiếp tục, nghiêm túc, quyết liệt triển khai Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19-6-2018 của Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền dân tộc nhằm giảm các vi phạm. Quá trình đấu tranh nên tập trung theo từng chuyên đề, đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm nhằm đạt hiệu quả cao.
Về phía Bộ Y tế, theo ông Trương Quốc Cường, thời gian tới, cơ quan này sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm tại một số cơ sở liên quan trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Bộ Y tế cũng sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Thanh tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lĩnh vực dược, mỹ phẩm, thuốc y học cổ truyền (pha trộn tân dược). Ðối với thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu y học cổ truyền, theo Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường, cơ quan này sẽ tập trung hậu kiểm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng. Ðồng thời tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan thanh, kiểm tra dược liệu “lậu” qua đường tiểu ngạch ở khu vực biên giới.
Muốn quản lý tốt được thị trường thuốc, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng quản lý thị trường. Những vụ việc vi phạm nếu phát hiện cần xử lý nghiêm minh để làm gương. Phía Bộ Y tế cũng cần quan tâm công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm về gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Nguồn: nhandan.com.vn