30 doanh nghiệp (DN) dược phẩm Ấn Độ tham gia triển lãm và giao lưu DN chuyên ngành dược phẩm trong 2 ngày 21 - 22/1 tại TP. Hồ Chí Minh đã bày tỏ đặc biệt quan tâm đến việc mở rộng kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam vì nhận thấy đây là thị trường rất tiềm năng.
Ngành dược Ấn Độ phát triển thứ 3 toàn cầu
Ông K. Srikar Reddy - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết, Ấn Độ hiện đứng thứ 3 toàn cầu về sản lượng sản phẩm dược phẩm và thứ 14 trên toàn thế giới về giá trị. Các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ đã được nhận được các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế do các tổ chức uy tín cấp như USFDA, MHRA- UK, TGA-Australia... Một số công ty có được khoảng 50% doanh thu từ xuất khẩu thuốc mang tên gốc (generic) sang các thị trường phát triển như Hoa Kỳ và châu Âu.
Đặc biệt, ngành dược Ấn Độ còn được các tổ chức phi chính phủ quốc tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như Medicine Sans Frontiers, Doctors without borders gọi một cách trìu mến là “Dược phẩm của các nước đang phát triển”, bởi đã cung cấp các loại thuốc generic giá rẻ, chất lượng, an toàn và hiệu quả trong điều trị HIV/ AIDS, ung thư, lao... Cụ thể là từ năm 2000, các loại thuốc kháng virus được sử dụng cho liệu pháp ba tiêu chuẩn để điều trị HIV/ AIDS có giá khoảng 10.000 USD/ bệnh nhân/ năm, con số vượt quá tầm tay của hầu hết những người cần chúng ở các nước đang phát triển thì các công ty dược phẩm Ấn Độ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa các loại thuốc này tiếp cận được với người nghèo bằng cách cung cấp các loại thuốc trị liệu này với giá còn khoảng 100 USD/năm như hiện nay.
Ngành sản xuất thiết bị y tế, thiết bị phẫu thuật và máy móc dược phẩm cũng là thế mạnh của Ấn Độ với quy mô thị trường có giá trị 5 tỷ USD, dự kiến sẽ đạt 11 tỷ USD vào năm 2022. Thiết bị y tế được sản xuất tại Ấn Độ hiện được xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia, trong đó có thị trường Việt Nam. Tất cả các phân khúc thiết bị y tế từ bình dân đến cao cấp sản xuất tại Ấn Độ đều đáp ứng được nhu cầu của nhiều nhóm người tiêu dùng.
Hướng tới thị trường Việt Nam
Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, thông qua triển lãm và giao lưu DN ngành dược phẩm Ấn Độ sẽ tạo cơ hội cho các DN ngành dược, các bệnh viện hai bên giao lưu, kết nối, thảo luận về cách thúc đẩy hợp tác kinh doanh. Đây cũng là lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần đầu tư, hợp tác phát triển khi nhu cầu dược phẩm, các dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng gia tăng.
Đến nay, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập Quỹ phát triển dự án (PDF) với trị giá 5 tỷ rupee Ấn Độ (tương đương khoảng 80 triệu USD) để tạo điều kiện cho các công ty Ấn Độ đầu tư và mở rộng cơ sở sản xuất tại các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam trong ngành dược phẩm. Hiện ngân hàng Eximbank Ấn Độ đã tiến hành nghiên cứu chuẩn bị báo cáo dự án chi tiết để thành lập đơn vị sản xuất dược phẩm tại Việt Nam.
Ngoài dược phẩm, Ấn Độ còn có tiềm năng về các sản phẩm thảo dược và y học cổ truyền. Đây là lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam. Do đó, Việt Nam là thị trường quan trọng đối với các sản phẩm thảo dược, dược liệu Ấn Độ.
Theo số liệu của Business Monitor International, thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng lạc quan. Năm 2017, doanh thu của thị trường trong nước đạt khoảng 5,2 tỷ USD, tăng khoảng 10% và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong vòng 5 năm tới. Ngoài ra, chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đạt 14,6% trong giai đoạn 2010 - 2015. Trong vài năm tới, chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp đôi lên 85 USD (năm 2020) và 163 USD trong năm 2025, đạt mức tăng trưởng 14%/năm. Đây là những con số rất lý tưởng để thị trường dược phẩm Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các DN dược Ấn Độ.
Nguồn: vietnambiz.vn