Cơ quan chức năng thu giữ thực phẩm chức năng giả
Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) nở rộ cùng với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp. Để sống được, nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách để khuyếch trương sản phẩm của mình, bất chấp vi phạm trong kinh doanh. Trong khi đó, các biện pháp ngăn chặn, hạn chế vi phạm của doanh nghiệp dù đã được tiến hành nhưng không giải quyết nổi. Quy định siết doanh nghiệp như yêu cầu doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt) mới chỉ có 4/1.000 đạt.
Cung đang vượt cầu
PGS.TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng (TPCN) thừa nhận: “Chưa bao giờ ngành TPCN lại phát triển mạnh như hiện nay”. Nhưng phát triển như thế nào, có lành mạnh không, lại chưa được phân tích xác đáng. Chứng minh cho nhận định này là một con số thống kê sự phát triển nhanh của thị trường TPCN. Theo số liệu của Hiệp hội TPCN, năm 2000 cả nước mới có 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN, đến năm 2005 con số này tăng lên 143, năm 2009 là 1.114 và đến tháng 7.2014 có trên 4.500 cơ sở. Nếu như năm 2000, cả thị trường TPCN nước ta mới chỉ có 63 sản phẩm thì chỉ trong 2 năm từ 2011 - 2013, thị trường này đã xuất hiện khoảng 10.000 sản phẩm, trong đó khoảng 40% là hàng nhập khẩu. Hiện có khoảng 6% dân số nước ta sử dụng thực phẩm chức năng, riêng tại Hà Nội và TPHCM là 43%.
Đơn cử một ví dụ, chỉ với chức năng giảm béo, tại các siêu thị, cửa hàng thuốc, thậm chí trên mạng đã thấy vô số chủng loại. Riêng trà giảm cân đã có tới hàng trăm sản phẩm trà Linh chi, vài chục loại Green tea, Lemon/Berry tea, Slimming coffee, Herbalife… ghi xuất xứ từ rất nhiều quốc gia.
PGS.TS. Trần Đáng cũng cho rằng: Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, TPCN dần đã trở thành xu thế, nhu cầu cấp thiết của của người tiêu dùng trong cuộc sống hiện đại. Sau một thời gian phát triển, hiện thị trường TPCN Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Đặc biệt là vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã không ngần ngại công bố không đúng chất lượng, không đúng hay “thổi phồng” công dụng sản phẩm như là "thần dược" khiến người tiêu dùng nghi ngờ về TPCN. Điều này ảnh hưởng đến những sản phẩm TPCN đúng chất lượng.
Một thực tế đang diễn ra là hàng loạt các công ty trong nước như Trung tâm Cao dược liệu công nghệ cao, Cty TNHH Nhà Yến Nha Trang, Domesco Đồng Tháp, IMC, Sao Thái Dương, Dược phẩm Thành Đạt, Y tế Bình Nghĩa, Cty CP Nam Dược… đua nhau đầu tư nhà xưởng, tung ra hàng loạt sản phẩm TPCN mới. Chiến lược của hầu hết các doanh nghiệp nội địa là có giá bán phù hợp túi tiền của số đông người tiêu dùng. Các hãng dược trong nước bùng nổ mạnh mẽ về số lượng nhưng các doanh nghiệp nước ngoài cũng có vị thế riêng của mình. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp sau một thời gian phát triển thị trường tại Việt Nam đã mở nhà máy.
Quản lý còn nhiều lỗ hổng
Biểu đồ thể hiện sự tăng trưởng của các doanh nghiệp KDSX TPCN (2000-2013)
Tại hội thảo về sản xuất thực phẩm chức năng đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt) vừa diễn ra trung tuần tháng 8, TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đưa ra ví dụ: Trong số các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh TPCN, có doanh nghiệp ở văn phòng thuê chỉ rộng 9m2 cũng “nghiên cứu” ra công thức, công bố chất lượng và thuê sản xuất, khi sản phẩm có vấn đề về chất lượng thì doanh nghiệp công bố chất lượng lại thay tên, đổi địa điểm dẫn đến không xử phạt được. Các quy định hiện hành còn kẽ hở về công bố tác dụng, công bố chất lượng TPCN. Trong đó chưa có quy định về ghi nhãn đối với TPCN ngoại nhập, nhà sản xuất/kinh doanh có thể ghi các công dụng chưa được chứng thực lên nhãn hàng. Với sản xuất trong nước, hiện không có quy định cấm doanh nghiệp chưa đủ điều kiện về nhà xưởng đứng ra công bố chất lượng sản phẩm. Mục tiêu đến năm 2018 các doanh nghiệp đạt GMP mới được sản xuất TPCN, với tiêu chuẩn GMP chung áp dụng toàn ASEAN.
“Người tiêu dùng cần phân biệt rõ, TPCN và thuốc. Theo định nghĩa TPCN là sản phẩm hỗ trợ chức năng các bộ phận cơ thể của con người, tạo sự thoải mái nâng cao sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Trong quy định quản lý TPCN luôn luôn yêu cầu bắt buộc phải ghi dòng chữ “Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Ngoài ra, TPCN khác thuốc chữa bệnh ở chỗ có thể sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, sử dụng lâu dài, kể cả người khỏe hay người bệnh cũng có thể sử dụng. Nhưng riêng đối với thuốc, phải sử dụng theo sự chỉ định của bác sĩ và sử dụng theo phác đồ điều trị trong những bệnh cụ thể. Trong quy chế công bố tiêu chuẩn cũng như cấp phép để sản xuất, lưu hành và ghi nhãn thì bao giờ phải có quy định ghi rõ thông báo cho người tiêu dùng biết đó là TPCN”, TS. Nguyễn Thanh Phong, có lời khuyên như vậy với người tiêu dùng khi mà thị trường TPCN đang quá hỗn độn.
Dù đưa ra khuyến cáo với người tiêu dùng nhưng trên thực tế không tránh khỏi những hậu quả do TPCN gây ra bởi việc quảng cáo “thổi phồng”. Điều này buộc cơ quan chức năng phải mạnh tay.
Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế: Từ đầu năm 2015 đến nay, riêng Bộ Y tế đã xử lý 119 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt hơn 2,2 tỉ đồng, trong đó có 100 cơ sở vi phạm về quảng cáo TPCN bị xử phạt hơn 1,8 tỉ đồng. Cùng với đó, thu hồi 11 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, 5 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các công ty vi phạm về TPCN; tạm dừng lưu thông 33 lô sản phẩm, thu hồi tiêu hủy 2 sản phẩm vi phạm về chất lượng và ghi nhãn; chuyển hồ sơ sang các cơ quan chức năng khác xử lý 15 trường hợp. Trong đó, hai hình thức chính phổ biến nhất, đó là quảng cáo sản phẩm không được cơ quan y tế xác nhận về mặt thẩm định nội dung và quảng cáo sản phẩm không đúng với nội dung mà cơ quan y tế thẩm định. Đơn cử, cơ quan chức năng đã từng phát hiện sản phẩm của Công ty CP Thế giới Khoa học và Tự nhiên là Genki 6 và Genki 9 được quảng cáo là có xuất xứ tại Mỹ và Nhật Bản, trong đó sâm Hàn Quốc là hoạt chất chính, nhưng kết quả kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho thấy không hề có sâm trong sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận: Trên 50% sai phạm về TPCN liên quan đến quảng cáo. Sai phạm chủ yếu là ở quảng cáo trên các báo đài địa phương. Có lần cố ngồi xem quảng cáo một loại sản phẩm, không phân biệt được đó là thuốc hay TPCN. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoàn toàn biết và hiểu rằng, chính tình trạng quảng cáo này khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm là thuốc điều trị chữa bệnh. Nhưng theo quy định của phát luật, những vi phạm này không bị rút số đăng ký, nên Cục chỉ có thể gửi công văn đến cơ quan báo chí quảng cáo, yêu cầu doanh nghiệp thu hồi tờ rơi, nội dung quảng cáo.
“Một bất cập nữa phải kể tới, đó là hiện chưa có quy định bắt buộc công bố định lượng của sản phẩm. Ví như một số phảm phẩm như sâm Hàn Quốc, đông trùng hạ thảo hiện đang được bán rất nhiều ở Việt Nam nhưng chúng ta không có kiểm tra định lượng mà chỉ dựa vào kết quả định lượng của nước xuất xứ. Còn sản phẩm trong nước thì yêu cầu nhà sản xuất công bố và chịu trách nhiệm. Nguyên nhân là vì TPCN không bắt buộc kiểm nghiệm lâm sàng như thuốc. Bất cập trong quản lý TPCN hiện nay có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân cơ bản, đó là phát triển thị trường TPCN của chúng ta quá nhanh. Trong giai đoạn các cơ quan quản lý chưa theo kịp, nhận thức của cộng đồng, của chính đội ngũ y tế chúng ta chưa theo kịp vấn đề này”, Thứ trưởng Long cho biết.
Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban ngành liên quan mạnh tay với TPCN.
Theo Báo Lao động