Với tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn, ngành thiết bị y tế vẫn là mảnh đất màu mỡ, thu hút nhiều công ty trong và ngoài nước tham gia.
Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Business Monitor (BMI), thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng khá lạc quan, với doanh thu năm 2017 thị trường dược trong nước ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm trước và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong vòng 5 năm tới.
Trong khi đó, thị trường thiết bị y tế Việt Nam được nhiều tổ chức đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và sẽ vượt qua con số 1 tỷ USD vào năm 2018.
Việc đầu tư trang thiết bị y tế công nghệ cao tập trung chủ yếu ở các bệnh viện lớn tại các thành phố trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ…
Cùng với sự phát triển của ngành y tế - chăm sóc sức khỏe, thị trường thiết bị y tế của Việt Nam đã phát triển ổn định trong những năm gần đây.Thống kê của BMI, giá trị thiết bị y tế trong năm vừa qua của Việt Nam đạt khoảng 837 triệu USD và sẽ tăng lên mức 1 tỷ USD vào năm 2018.
Theo đó, 90% thiết bị y tế ở Việt Nam đều phải nhập khẩu. Trong đó, 30% tổng giá trị nhập khẩu thiết bị y tế là các thiết bị chẩn đoán hình ảnh, bao gồm máy cộng hưởng từ MRI, máy chụp CT, thiết bị siêu âm và X-quang. Các quốc gia chính cung cấp thiết bị y tế cho Việt Nam là Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Đức, chiếm khoảng 55% giá trị nhập khẩu thiết bị y tế của Việt Nam.
Với tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn, ngành thiết bị y tế vẫn là mảnh đất màu mỡ, thu hút nhiều công ty tham gia.
Nắm bắt được cơ hội đó, Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Dược phẩm và Trang thiết bị y tế (Vietnam Medi Pharm Expo) đã được tổ chức thường niên trong suốt 17 năm qua.
Năm nay triển lãm 2018 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khi mở rộng sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước và các quốc gia mới.
Với những kết quả đạt được trong các năm trước, năm nay triển lãm dự kiến sẽ đón tiếp khoảng 350 doanh nghiệp trong và ngoài nước (tăng 20% so với năm 2017).
Theo thống kê của Ban tổ chức, số lượng doanh nghiệp tham gia đến từ các quốc gia tăng đều trong 3 năm trở lại đây, một số các thị trường tiêu biểu như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Malaysia, Đài Loan (43%), các quốc gia và vùng lãnh thổ mới như: Israel, Iran, Mông Cổ, Ucraina, Nga, Mỹ…
Trong các nhóm ngành hàng trưng bày chủ yếu: Thiết bị y tế (55%); Dược phẩm (17%); Thiết bị trong ngành Dược (23%), nhận thấy sự gia tăng của một số nhóm ngành hàng như: Nha khoa, Nhãn khoa, Thiết bị thẩm mỹ, Dược phẩm thiên nhiên, Thực phẩm bổ sung...
Nếu như cách đây 4 – 5 năm, các doanh nghiệp sản xuất trong nước còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực này, thì giờ đây lại có được sự tăng trưởng đều đặn.
Trong đó có các sản phẩm máy móc, dây chuyên sản xuất dược phẩm (dây chuyền bao viên tự động, xử lý nguyên liệu kín, ép vỉ, khuôn mẫu, …); Hệ thống làm lạnh, thiết bị chuẩn đoán chỉnh hình, Ống nghiệm chân không, Giường bệnh, Găng tay, Bông băng y tế…
Trong sân chơi này, phải kể đến các doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp đã và đang góp phần tích cực trong việc cung cấp, phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh trong cả hai nhóm lĩnh vực Thiết bị y tế và Dược phẩm.
Thực tế tham dự triển lãm không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp tham gia quảng bá, tiếp cận với các chuyên gia, giáo sư, bác sỹ, dược sỹ trong ngành và các nhà sản xuất – kinh doanh – phân phối… mà còn giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước có cơ hội gặp gỡ đối tác nước ngoài, giúp mở rộng giao thương, thu hút, đầu tư sản xuất tại Việt Nam.