Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng đối với Công ty Sance Laboratoriea Pvt Ltd India (nhà cung cấp) do sản xuất kinh doanh thuốc Emlocin 5.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng đối với Công ty Sance Laboratoriea Pvt Ltd India (nhà cung cấp) do sản xuất kinh doanh thuốc Emlocin 5 (Amlodipine 5mg), SĐK VN-14836-12, lô 2809, NSX 1/1/2015, HD: 31/12/2017 không đạt yêu cầu chất lượng mức độ 3 theo quy định của pháp luật.
Được biết, Công ty Sance Laboratoriea Pvt Ltd India đại diện cho Công ty Aegen Bioteck Pharma Private Limited India (nhà sản xuất) đã có hành vi vi phạm lần thứ ba về chất lượng thuốc, trong đó có hai lô hậu kiểm trong vòng 12 tháng.
Theo đó, Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Công ty Sance Laboratoriea Pvt Ltd India phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện ngay việc thu hồi và huỷ toàn bộ lô thuốc kém chất lượng nêu trên theo đúng quy định.
Cục Quản lý Dược cũng vừa đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn bộ lô thuốc trên phạm vi toàn quốc đối với thuốc viên nang cứng Cadicefpo 200 (Cefpodoxime 200mg), số lô: 080915, NSX: 9-10-2015, HD: 9-10-2018 do Công ty TNHH US Pharma USA sản xuất không bảo đảm chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.
Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Công ty TNHH US Pharma USA phối hợp với nhà phân phối khẩn trương gửi thông báo thu hồi đến các cơ sở buôn bán lẻ, sử dụng lô thuốc này và báo cáo Bộ Y tế trước ngày 4-4-2016.
Được biết, thuốc viên nang cứng Cefpodoxime là một loại kháng sinh được dùng dưới dạng uống để điều trị các bệnh từ nhẹ đến trung bình ở đường hô hấp dưới, kể cả viêm phổi cấp tính mắc phải ở cộng đồng.
Cảnh báo các chất phụ gia trong thực phẩm có thể gây ung thư
Sở Công Thương TP.HCM phối hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM vừa tổ chức tọa đàm "Người tiêu dùng và nỗi lo an toàn về sức khỏe khi mua sắm tiêu dùng". Tại đây, Tiến sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam cảnh báo các chất phụ gia dùng trong thực phẩm chế biến ngày nay có thể mang đến nguy cơ ung thư người sử dụng.
Theo Tiến sĩ Ký, phụ gia là những chất không có dinh dưỡng, không sinh năng lượng nhưng lại có những tác dụng kỳ diệu làm cho thực phẩm tươi hơn, trắng hơn, làm giòn, dai, dẻo, xốp, chống vi khuẩn, nấm mốc... có khả năng đánh lừa vị giác người tiêu dùng.
Thực tế các phụ gia được coi là an toàn khi sử dụng riêng lẻ vì trước khi sử dụng nó đã được nghiên cứu an toàn từng chất. Nhưng hiếm có loại thực phẩm nào chỉ sử dụng một phụ gia duy nhất, mà có khi đến 6-7 loại thậm chí là 20 phụ gia các loại kết hợp với nhau. Sự kết hợp này khó đảm bảo an toàn vì quá trình chế biến dễ xảy ra những phản ứng hóa học hay tác nhân vật lý có thể sinh ra những chất độc hại.
Trong khi đó, nhà sản xuất thường lạm dụng phụ gia là do sử dụng nguyên liệu không tốt, lại muốn thời hạn sử dụng kéo dài. Do đó, người tiêu dùng nên đọc kỹ thông tin trên bao bì trước khi chọn mua thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân.
Thực phẩm chức năng bị phát hiện nhiều sai phạm về chất lượng
Bộ Y tế vừa cho biết qua kiểm tra đồng loạt của cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều sai phạm về chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng, như: hàm lượng không đúng như đăng ký, có sản phẩm nhiễm vi sinh vật, vi nấm, quảng cáo sản phẩm không phép...
Đáng chú ý, phần lớn sai phạm về phẩm chức năng lại rơi vào các sản phẩm sản xuất trong nước. Thậm chí, cơ quan quản lý còn phát hiện có cơ sở sản xuất kinh doanh phẩm chức năng chỉ có văn phòng đại diện, không có nhà máy, nhưng cũng công bố sản phẩm và đưa sản phẩm ra thị trường. Đáng chú ý, tại Việt Nam hiện có tới hơn 20.000 sản phẩm thực phẩm chức năng của gần 3.000 doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất, trong đó chiếm 60%-65% là sản phẩm sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, do hiện nay chưa có quy định bắt buộc sản xuất thực phẩm chức năng phải áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) nên xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, thô sơ cũng tham gia sản xuất thực phẩm chức năng.
Điều này dẫn tới việc thực phẩm chức năng không bảo đảm chất lượng. Vì vậy để bảo đảm an toàn sức khỏe và quyền lợi cho tiêu dùng, tới đây, Bộ Y tế sẽ quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng bằng việc yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn GMP, nhằm đảm bảo sự ổn định về chất lượng của sản phẩm và tính kiểm soát của sản phẩm sẽ chặt chẽ hơn rất nhiều
Theo ông Phong, việc áp dụng chuẩn GMP trong sản xuất thực phẩm chức năng không chỉ nhằm đảm bảo chất lượng của thực phẩm chức năng mà còn tạo hành lang pháp lý cho thị trường phát triển một cách công bằng bình đẳng hơn giữa các doanh nghiệp.
Đồng thời, cơ quan y tế cũng sẽ quản lý chặt hơn với các doanh nghiệp không đủ điều kiện về cơ sở sản xuất, những cơ sở cố ý vi phạm, đưa ra thị trường sản phẩm thực phẩm chức năng không đảm bảo.