Ngày 25/12/2017, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã chính thức công bố Top 10 Công ty dược Việt Nam uy tín năm 2017.
Uy tín của các công ty dược được xây dựng dựa trên nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố tài chính, hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông và đánh giá của các chuyên gia trong ngành, cụ thể bao gồm: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, hiệu quả sử dụng vốn…); (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát chuyên gia trong ngành dược; Khảo sát dược sỹ/hiệu thuốc và Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 12/2017 về quy mô vốn, thị trường, lao động, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2017…
Danh sách Top 10 Công ty sản xuất dược phẩm Việt Nam uy tín năm 2017
Hình 1: Điểm quy đổi xếp hạng của Top 10 Công ty sản xuất dược phẩm Việt Nam uy tín năm 2017
Trong Top 10 Công ty sản xuất dược phẩm Việt Nam, Traphaco và Dược Hậu Giang là hai doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh và đạt điểm số truyền thông cao nhất. Cácchuyên gia cũng nhận định đây là hai công ty đầu ngành, định vị được thương hiệu trên thị trường dược phẩm Việt Nam.
Danh sách Top 10 Công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm; trang thiết bị, vật tư y tế Việt Nam uy tín năm 2017
Hình 2: Điểm quy đổi xếp hạng của Top 10 Công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm; trang thiết bị, vật tư y tế Việt Nam uy tín năm 2017
Theo số liệu thống kê tài chính, Dược liệu TW 2 (Phytopharma) và Vimedimex là hai doanh nghiệp dẫn đầu về doanh thu trong Top 10 công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm; trang thiết bị, vật tư y tế. Bên cạnh đó, theo phản hồi tổng hợp từ các đối tượng nghiên cứu: dược sỹ/hiệu thuốc và chuyên gia trong ngành, Phytopharma chiếm tỷ lệ cao nhất trong lựa chọn công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế Việt Nam tiêu biểu.
Toàn cảnh thị trường dược 2017-2018
Thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng khá lạc quan,năm 2017 doanh thu của thị trường trong nước ước đạt 5,2 tỷ USD (theo số liệu củaBusiness Monitor International - BMI), tăng khoảng 10% so với năm trước và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong vòng 5 năm tới.
Khi dân số càng tăng nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, dân trí được cải thiện, nhu cầu sử dụng thuốc của người dân sẽ ngày càng lớn. Chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng dần từ 9,85 USD trong năm 2005 lên đến 22,25 USD trong năm 2010 và con số này tăng gần gấp đôi vào năm 2015 (37,97 USD). Mức tăng trưởng trung bình trong chi tiêu dành cho thuốc hàng năm đạt 14,6% trong giai đoạn 2010-2015 và duy trì ở mức tăng ít nhất 14%/năm cho tới năm 2025, chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam được dự báo tăng gấp đôi lên 85 USD vào năm 2020 và 163 USD trong năm 2025.
Hình 3: Chi tiêu tiền thuốc bình quân đầu người tại Việt Nam từ năm 2005 và dự báo đến năm 2027 (Đơn vị: USD/người)
Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp dược Việt Nam về thực trạng hoạt động và đánh giá tiềm năng tăng trưởng toàn ngành dược, gần 75% doanh nghiệp dự đoán tăng trưởng ngành trên 10%, số doanh nghiệp còn lại chọn tăng trưởng dưới 10% và không có doanh nghiệp nào chọn “không thay đổi” hay “xấu hơn năm 2016” cho thấy các doanh nghiệp đang đặt nhiều kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng kinh doanh trong năm 2017-2018.
Hình 4: Nhận định về triển vọng tăng trưởng của ngành dược 2017-2018. (Đơn vị: %)
Thị trường dược phẩm đang được đánh giá là một “mảnh đất trù phú” thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại, các tập đoàn quốc gia trên thế giới, thậm chí cả những nhà đầu tư trong nước hoạt động ngoài ngành. Năm 2018, bối cảnh ngành dược được dự đoán sẽ thay đổi mạnh mẽ với sự tham gia của những ông lớn trên thị trường bán lẻ, phân phối như Thế giới Di động, FPT Retail, Digiworld, Nguyễn Kim. Bên cạnh đó, sự gia nhập ồ ạt của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài vào khâu sản xuất tại Việt Nam như Sanofi, Taisho, Abbott… cũng đang tạo ra áp lực khá lớn với các doanh nghiệp dược trong nước. Mức độ cạnh tranh trong thị trường dược những năm tới được đánh giá sẽ diễn ra khốc liệt hơn trên hầu hết các phân khúc thị trường.
Những thách thức của các doanh nghiệp dược Việt Nam
Đánh giá về những khó khăn và thách thức trong ngành dược hiện nay, hơn 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định “Quy trình đấu thầu thuốc bệnh viện - kênh ETC” và vấn đề “Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài” đang là những rào cản lớn nhất. Có thể kể đến một số nguyên nhân của vấn đề này như sau:
Hình 5: Nhận định của doanh nghiệp về hạn chế, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp dược nội địa hiện nay. (Đơn vị: %)
Thứ nhất, chính sách và thang điểm đấu thầu thuốc hiện nay vẫn bị nhiều doanh nghiệp đánh giá chưa phù hợp. Việc các công ty đạt thang điểm từ 70-100 điểm đều nằm trong diện được chấm thầu như nhau khiến các công ty dược có đầu tư công nghệ, kỹ thuật cao phải chịu thua thiệt khi giá thuốc đấu thầu cao hơn những công ty có kỹ thuật sản xuất đơn giản, dẫn đến việc các loại thuốc có chất lượng khó trúng thầu vào bệnh viện.
Thứ hai, thị trường dược Việt Nam vẫn còn bị đánh giá chưa ổn định do nguyên dược liệu sản xuất phụ thuộc quá lớn vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Nguồn nguyên liệu của thị trường dược Việt Nam hiện đang chủ yếu nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ. Theo số liệu về hiện trạng ngành công nghiệp hóa dược của Bộ Công Thương, do công nghiệp hóa chất cơ bản, công nghiệp hóa dầu nước ta chưa phát triển, nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu lên tới hơn 90%. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu khiến ngành dược dễ chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như biến động tỷ giá hay những cú sốc về nguồn hàng cung cấp; cộng thêm chi phí nhập khẩu khiến giá thành xuất khẩu thuốc của Việt Nam cao hơn khoảng 20-25% so với Trung Quốc, Ấn Độ.
Thứ ba, thiếu khả năng nghiên cứu do thiếu hụt nguồn lực tài chính và nhân lực chất lượng cao, các công ty dược trong nước hiện vẫn mới chỉ tập trung sản xuất các loại thuốc gốc (generic) có giá trị thấp, khả năng cạnh tranh kém dẫn đến tình trạng vừa cạnh tranh nội bộ ngành, vừa phải cạnh tranh với các thuốc generic nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới. Phản hồi từ các dược sỹ/hiệu thuốc theo khảo sát của Vietnam Report cho thấy khách hàng vẫn ưa chuộng các loại thuốc ngoại nhập hơn so với các dòng thuốc nội có dược chất tương đương.
Nghiên cứu & phát triển (R&D) là yếu tố quan trọng nhưng chưa được doanh nghiệp đầu tư đúng mức
Xét trên tiêu chí truyền thông, kết quả mã hóa dữ liệu doanh nghiệp dược trên các đầu báo có ảnh hưởng trong khoảng thời gian từ tháng 11/2016 đến tháng 11/2017 chỉ ra rằng, Traphaco và Dược Hậu Giang vẫn là hai doanh nghiệp đứng đầu trong công tác làm truyền thông, với số nhóm chủ đề được đề cập đến đa dạng nhất và có tỷ lệ thông tin tích cực cao nhất. Trong số các top 5 nhóm chủ đề, “Kết quả tài chính, kinh doanh” là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất (chiếm 24,4%) trong khi đó nhóm chủ đề “Nghiên cứu & phát triển (R&D)” là nhóm có tỉ lệ tương đối thấp (2,3%).
Hình 6: 5 nhóm chủ đề của doanh nghiệp dược được nhắc đến nhiều nhất trên truyền thông. (Đơn vị: %)
Khảo sát chính các doanh nghiệp trong ngành, 100% doanh nghiệp phản hồi đánh giá chất lượng thuốc, dụng cụ y tế, dịch vụ phân phối là yếu tố quyết định uy tín của một công ty hoạt động trong ngành dược. Bên cạnh đó, việc công ty tập trung vào mảng nghiên cứu cho ra đời sản phẩm thuốc, dược phẩm mới hoặc nâng cấp chất lượng dịch vụ và có môi trường làm việc chuyên nghiệp, chế độ đãi ngộ tốt, nhân lực có chuyên môn cao sẽ là các yếu tố có ảnh hưởng lớn khi đánh giá các doanh nghiệp trong ngành.
Có thể nhận thấy vai trò của R&D được các doanh nghiệp rất quan tâm nhưng chưa được đấu tư đúng mức do thiếu các yếu tố: vốn, nhân lực, công nghệ; trong khi đây lại là những lợi thế của doanh nghiệp ngoại. Do vậy, việc hợp tác với các doanh nghiệp ngoại được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp nội cải thiện chất lượng và sản phẩm, từ đó nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh.
Hình 7: Nhận định của doanh nghiệp dược về mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến uy tín của doanh nghiệp trong ngành. (Thang điểm 1-5)
Chiến lược của doanh nghiệp dược Việt và vai trò hỗ trợ từ phía Chính phủ
Trong năm 2018, 83% số doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định, nghiên cứu các sản phẩm thuốc mới sẽ là chiến lược ưu tiên đầu tiên. Rõ ràng, khi thị trường dược phẩm Việt Nam ngày càng có sự phân hóa sâu sắc, việc đẩy mạnh nghiên cứu, cho ra đời những loại thuốc có chất lượng, giá thành cạnh tranh với thuốc ngoại, mang giá trị của Việt Nam đang được các công ty dược lưu tâm hàng đầu. Kết hợp với nâng cao chất lượng dược phẩm, các doanh nghiệp trong ngành đồng thời đặt mục tiêu mở rộng, chiếm lĩnh thị phần. Có 67% doanh nghiệp phản hồi sẽ phát triển, mở rộng kênh OTC trong năm tới, củng cố sức mạnh thông qua hệ thống phân phối bán lẻ.
Hình 8: Nhận định của doanh nghiệp dược về chiến lược, dự định ưu tiên trong năm 2018. (Đơn vị: %)
Để phát triển bền vững và hướng ra thị trường lớn mạnh hơn, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp và Chính phủ là hết sức cần thiết. Đứng từ góc độ doanh nghiệp trong ngành dược, hơn một nửa số doanh nghiệp được hỏi cho rằng các quy trình đấu thầu, hệ thống hành lang pháp lý được hoàn thiện và minh bạch hóa, hay một nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định là những mục tiêu cấp thiết nhất hiện nay. Ngoài ra, việc tuyên truyền hiệu quả về vấn đề sử dụng thuốc, về hoạt động đầu tư và xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng là những chính sách cần được ưu tiên.
Đặc biệt, theo chuyên gia trong ngành, trong bối cảnh xu hướng công nghệ đang lan tỏa mạnh mẽ thì có được những chính sách khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả đầu ra sẽ là “đòn bẩy” để nâng tầm ngành dược quốc gia trong tương lai.
Hình 9: Nhận định của doanh nghiệp dược về chính sách Chính phủ nhằm hỗ trợ cho ngành dược trong thời gian tới. (Đơn vị: %)
Trong tiến trình hội nhập và công nghệ hóa ngày nay, khi người tiêu dùng thuốc ngày càng có cơ hội chủ động hơn trong việc lựa chọn dược phẩm, những hiệu thuốc sẽ chỉ còn đóng vai trò trung gian trong quyết định của họ. Và khi đó, uy tín của một doanh nghiệp, giá trị của một thương hiệu sẽ chính là nền tảng thuyết phục để tạo dựng niềm tin ở người tiêu dùng.
Bảng xếp hạng Top 10 Công ty dược Việt Nam uy tín năm 2017 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2016, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông đã được Vietnam Report và các đối tác ứng dụng từ năm 2012, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản, Xây dựng, Ngân hàng, Bảo Hiểm, Chứng khoán, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ...
Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của doanh nghiệp dược tại Việt Nam.
Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các doanh nghiệp dược được đăng tải trên 6 đầu báo, kênh có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 11/2016 đến tháng 11/2017. Tổng số có 511 bài báo, với tương ứng 1.012 coding unit (đơn vị mã hóa) được đánh giá theo ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường ... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).
Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.
Nguồn: vietnamreport.net