Khi dùng đúng cách, Vitamin là điều kỳ diệu cho cơ thể con người. Tuy nhiên những chiêu trò quảng cáo quá đà nhiều khi lại biến loại thuốc này thành trò lừa đảo.
Ngày nay, tiêu chuẩn cuộc sống ngày càng cao, lượng vận động xuống thấp và con người quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn thì những hợp chất như Vitamin lại càng được người tiêu dùng mua nhiều.
Bạn bị nhiệt ư? Hãy uống vitamin.
Bạn ốm ư? Hãy uống thuốc kèm vitamin.
Bạn mệt ư? Vitamin có thể là giải pháp.
Hiện tại, hơn 50% số người trong độ tuổi trung niên Mỹ uống ít nhất một loại vitamin hay khoáng chất nào đó thường xuyên. Nếu tính những người cao tuổi thì tỷ lệ này lên tới 70%. Hệ quả là tổng giá trị thị trường Vitamin dự kiến sẽ lên tới 300 tỷ USD vào năm 2024 với tốc độ lão hóa toàn cầu như hiện nay.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta lại nạp nhiều Vitamin đến vậy? Liệu chúng có thần diệu như những gì quảng cáo? Hãy cầm bất cứ vỉ thuốc Vitamin tổng hợp nào lên và bạn sẽ thấy cả đống hợp chất trong đó. Những viên thuốc càng đắt tiền thì lại càng nhiều chất.
Khảo sát năm 2018 cho thấy khoảng 79% người dùng Vitamin là để nâng cao thể chất, phục vụ cho công việc hay cuộc sống hàng ngày. Chỉ khoảng 2,9% số người uống Vitamin là do bệnh tật hoặc thiếu chất. Khảo sát này cũng cho thấy phần lớn người uống Vitamin quan tâm đến sức khỏe hoặc mong muốn được sống lành mạnh. Hệ quả là uống Vitamin trở thành biểu tượng của một lối sống khỏe mà chẳng có lý do rõ ràng.
Một khảo sát khác năm 2015 cũng cho kết quả tương tự khi 84% người Mỹ cảm thấy tự tin hơn, an toàn và ổn định hơn khi có dùng Vitamin. Dẫu vậy, các nghiên cứu khoa học thực sự có rất ít bằng chứng rõ ràng chỉ ra rằng uống Vitamin sẽ có ích cho cơ thể, hay nói đúng hơn là uống nhiều loại Vitamin chẳng đem lại hiệu quả sức khỏe rõ rệt nào.
Thậm chí ngay cả trong thể thao, việc uống thuốc và khoáng chất bổ trợ cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng chứ chẳng thể dùng bừa. Ngay cả vậy, chưa có một chứng minh khoa học nào cho thấy uống Vitamin sẽ giúp vận động viên thi đấu tốt hơn.
Vào tháng 10/2011, nghiên cứu của trường đại học Minnesota cho thấy phụ nữ dùng nhiều Vitamin tổng hợp sẽ dễ tử vong hơn những người ít dùng. Hai ngày sau đó, báo cáo của Bệnh viện Cleveland cho thấy đàn ông dùng quá nhiều Vitamin E có tỷ lệ cao mắc ung thư tuyến tiền liệt (một tuyến trong hệ sinh dục nam).
Tệ hơn, nghiên cứu năm 2013 đăng trên BMC Medicine cho thấy 70% số Vitamin đang bày bán trên thị trường có sai số, nghĩa là sản phẩm không chứa đúng lượng chất ghi trên vỏ hoặc có sự chênh lệch nhất định. Khoảng 1/3 số Vitamin được bày bán hiện nay chứa các chất có khả năng gây hại cho cơ thể hoặc thậm chí là chất độc.
Một nghiên cứu khác thực hiện vào năm 2017 đăng trên JAMA cho thấy 20% số vụ nhiễm độc gan hiện nay là do uống quá nhiều Vitamin cũng như khoáng chất. Riêng tại Mỹ, khoảng 23.000 bệnh nhân đã phải vào viện mỗi năm do kích ứng với Vitamin hay khoáng chất mà họ uống.
Những lời khuyên gây tranh cãi
Nói về Vitamin thì không thể không nhắc tới Linus Pauling (1901-1994). Ông là một nhà hóa học đã từng đạt 2 giải thưởng Nobel, đồng thời được giới khoa học tôn vinh về những công hiến của mình cho nhân loại. Đặc biệt, Pauling được coi là một trong những nhà sáng tạo ra mảng hóa học lượng tử hiện đại cùng nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu cấu trúc của Protein.
Mặc dù không phải là người phát hiện ra Vitamin C nhưng Pauling lại là chuyên gia có công lớn quảng bá việc sử dụng Vitamin C liều cao cũng như bổ sung lượng lớn các khoáng chất để chữa bệnh.
Với uy tín của mình, Pauling đã cổ xúy và khiến đa phần các nhà khoa học thời đó thừa nhận tác dụng của việc dùng nhiều Vitamin. Thậm chí, Pauling còn cho rằng Vitamin C có thể hỗ trợ chữa ung thư cũng như giúp bệnh nhân kéo dài sự sống gấp 4 lần so với thông thường.
Trong thập niên 1960-1970, những công trình nghiên cứu của Pauling về hóa học lượng tử và sinh học lượng tử gây được tiếng vang rất lớn. Ngoài ra, quan điểm chống hạt nhân hóa và chống chiến tranh của Pauling cũng giúp ông đạt được giải Nobel hòa bình, qua đó mở rộng uy tín cũng như thúc đẩy quan điểm dùng nhiều Vitamin tốt cho sức khỏe của Pauling.
Năm 1970, Pauling đã khuyến khích mọi người sử dụng 3.000 mg Vitamin C mỗi ngày, cao gấp 50 lần khuyến nghị thông thường. Mặc dù chưa có một nghiên cứu lâm sàng nào nhưng những cuốn sách và bằng uy tín của mình, Pauling đã khiến 50 triệu người Mỹ dùng Vitamin C liều cao hàng ngày vào giữa thập niên 1970. Thậm chí có hẳn một làn sóng mang tên "The Linus Pauling Effect" để nói về phong trào uống nhiều Vitamin của Pauling.
Điều trớ trêu là từ 30 năm trước khi Pauling phát hành cuốn sách nổi tiếng về Vitamin C, tháng 12/1942, các chuyên gia của trường đại học Minnesota đã nghiên cứu và kết luận Vitamin C không có một tác dụng trực tiếp nào với việc chữa trị cho các bệnh nhân bị cảm cúm hay cảm lạnh.
Bất chấp điều đó, người tiêu dùng Mỹ vẫn tin tưởng mù quáng vào những gì Pauling nói. Nhiều trường đại học đã cố thử nghiệm để chứng minh quan điểm này chưa được xác minh nhưng hầu như chả mấy ai quan tâm. Các công ty dược bán thêm được thuốc trong khi bệnh nhân cảm thấy an tâm khi được uống thêm nhiều "chất bổ".
Hàng loạt những cuộc thử nghiệm của trường đại học Maryland, Toronto, các nghiên cứu ở Hà Lan, của Cục quản lý dược phẩm Mỹ (FDA), Hiệp hội y dược Mỹ (AMA)… đều cho thấy Vitamin C chẳng có tác dụng chữa trị hay phòng bệnh trực tiếp với các thể loại bệnh cúm, nhưng người dân chẳng tin.
Bản thân Pauling cũng chẳng tin những báo cáo của các hiệp hội y dược, ông vẫn tích cực cổ xúy mọi người dùng càng nhiều Vitamin càng tốt. Khi xuất hiện trước báo giới với triệu chứng bị cảm dù dùng Vitamin liều cao hàng ngày, nhà khoa học này đổ thừa là do "dị ứng".
Năm 1971, nhà khoa học đoạt 2 giải Nobel này thậm chí tuyên bố Vitamin C có thể giảm 10% tỷ lệ tử vong do ung thư. Đến năm 1977, con số này được Pauling nâng lên 75% và có thể cao hơn nữa nếu kết hợp cùng các loại khoáng chất khác.
Các bệnh nhân ung thư bắt đầu có hy vọng với những lời của Pauling trong khi các bác sĩ đau đầu với nó. Mặc dù nhiều bác sĩ đã can ngăn rằng chưa có bằng chứng khoa học nhưng bệnh nhân thà tin lời người đoạt giải Nobel hơn là tin vào bệnh viện.
Không dừng lại ở đó, Pauling tiếp tục tuyên bố nếu dùng lượng cao Vitamin C, A, E cùng nhiều khoáng chất khác, con người có thể chữa được mọi loại bệnh trên thế giới, thậm chí là cả đại dịch HIV.
Năm 1992, tạp chí Time cho đăng bài viết liên quan đến tuyên bố của Pauling và tạo nên một cơn sốt chưa từng có. Tổ chức NNFA chuyên vận động hành lang cho những nhà sản xuất Vitamin mừng rỡ khi được quảng cáo không công. Họ mua hết sạch số tạp chí Time đợt đó và phát cho tất cả các nghị viên cũng như chính trị gia.
Một sự thật đắng lòng
Luận điểm của những người tin Pauling khá có cơ sở nhưng chưa được chứng minh thực tế và vẫn còn mang tính phỏng đoán. Trong quá trình chuyển đổi thức ăn thành năng lượng, cơ thể cần oxy và chúng được gọi là quá trình oxy hóa.
Hậu quả của quá trình này là tạo ra các gốc tự do có thể phá hủy ADN, màng tế bào hay niêm mạc động mạch, gây ra nhiều loại bệnh như ung thư, bệnh tim cũng như tạo nên quá trình lão hóa cơ thể.
Để trung hòa các gốc tự do này, cơ thể tạo ra các chất chống oxy hóa (loại tốt) như Vitamin C, E, A, Beta Carotene… thường được tìm thấy trong hoa quả, rau xanh.
Logic ở đây là liệu cơ thể người nếu cũng uống những chất oxy hóa tổng hợp nhân tạo thì liệu có chống được bệnh tật hay không còn là nghi vấn, bởi quá trình chuyển biến diễn ra ở cấp độ lượng tử và vô cùng phức tạp nên chưa có một nhà khoa học nào có bằng chứng xác thực câu hỏi này.
Năm 1994, nghiên cứu của Viện ung thư quốc gia Mỹ và Phần Lan cho thấy Vitamin E cũng như Beta Carotene chẳng có tác dụng gì cho việc chữa ung thư hay bệnh tim. Năm 1996, một nghiên cứu tương tự với Vitamin A và Beta Carotene cũng cho kết quả như vậy, thậm chí những người dùng Vitamin liều cao còn có nguy cơ tử vong cao hơn người ít dùng.
Thế rồi hàng loạt nghiên cứu của các năm sau đó, từ Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson đến trường y khoa Johns Hopkins, từ Viện ung thư quốc gia Mỹ cho đến các trường đại học và bệnh viện đều chỉ ra rằng Vitamin không có tác dụng trực tiếp rõ rệt trong việc chữa ung thư, nếu chưa nói là gây hại nếu dùng lâu dài liều cao. Dẫu vậy người dân Mỹ vẫn chẳng tin.
Tháng 5/1980, khi được hỏi dùng Vitamin C liều cao thời gian dài có tác dụng phụ nào không, Pauling đã trả lời rất dứt khoát rằng "không".
Trớ trêu thay, vợ của ông mất 7 tháng sau đó vì bệnh ung thư dạ dày. Năm 1994, bản thân nhà khoa học này cũng qua đời vì ung thư tuyến tiền liệt, một loại bệnh có thể mắc khi dùng quá nhiều Vitamin.
Nguồn: cafebiz.vn